Tính đến hết ngày 30/6, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đạt 9,35%
Chỉ trong 10 ngày cuối tháng 6/2022, tín dụng toàn nền kinh tế đã tăng thêm 0,84 điểm phần trăm, tương đương gần 700.000 tỷ đồng được đẩy ra thị trường...
Số liệu được Ngân hàng Nhà nước công bố tại Hội nghị trực tuyến "Triển khai Nghị định 31 của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh 2% lãi suất khi vay vồn ngân hàng thương mại", cho thấy đến ngày 30/6/2022, tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 11,4 triệu tỷ, tăng 9,35% (cùng kỳ năm 2021 tăng 6,47%).
Cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên, tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát.
Trước đó, theo Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 20/6/2022, tăng trưởng tín dụng mới chỉ đạt 8,51%. Như vậy, chỉ trong 10 ngày cuối tháng 6, tín dụng đã tăng thêm 0,84 điểm phần trăm, tương đương gần 700.000 tỷ đồng được đẩy ra ngoài thị trường.
Ngoài ra cũng tính đến 30/6/2022, Ngân hàng Nhà nước cho biết, huy động vốn đạt trên 11,8 triệu tỷ đồng, tăng 4,51% so với cuối năm 2021 (cùng kỳ năm 2021 tăng 4,09%). Các tổ chức tín dụng đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ lũy kế 709.038 tỷ đồng, tổng số tiền lãi miễn, giảm, hạ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đến nay đạt trên 50.000 tỷ đồng.
Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, để đạt được kết quả trên, ngành ngân hàng đã phải triển khai 4 chính sách, giải pháp về tiền tệ, tín dụng, lãi suất, thanh toán nhằm hỗ trợ khách hàng, nền kinh tế vượt qua khó khăn của đại dịch, khôi phục sản xuất kinh doanh, ổn định đời sống.
Thứ nhất, Ngân hàng Nhà nước điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối, bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô.
Thứ hai, ban hành các Thông tư cho phép tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ (Thông tư 01/2020/TT-NHNN, được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 03/2020/TT-NHNN và Thông tư 14/2021/TT-NHNN, áp dụng đối với các khoản nợ phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc/lãi trước ngày 30/6/2022), tạo điều kiện để khách hàng gặp khó khăn tạm thời được giãn, hoãn các khoản nợ đến hạn, không bị chuyển nhóm nợ và có thể tiếp cận nguồn vốn vay khôi phục sản xuất kinh doanh;
Thứ ba, ban hành các Thông tư quy định về tái cấp vốn cho Ngân hàng Chính sách Xã hội, lãi suất 0%/năm, không có tài sản bảo đảm để trả lương ngừng việc và trả lương phục hồi sản xuất theo Nghị quyết 42/NQ-CP, Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ, Quyết định Quyết định 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; tổ chức Hội nghị trực tuyến lắng nghe các kiến nghị của các địa phương và hiệp hội, để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận chính sách mà vẫn đảm bảo hỗ trợ đúng đối tượng, tránh trục lợi chính sách;
Thứ tư, đẩy mạnh triển khai các giải pháp phát triển thanh toán không dùng tiền mặt; áp dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng; khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để phấn đấu giảm lãi suất cho vay, miễn, giảm phí dịch vụ, đồng hành cùng doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn
Phó Thống đốc Đào Minh Tú thông tin thêm, bên cạnh các giải pháp điều hành trong thời gian qua, để hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, thực hiện nhiệm vụ được giao, Ngân hàng Nhà nước đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và Thống đốc đã ban hành Thông tư 03/2022/TT-NHNN trong cùng ngày 20/5/2022 hướng dẫn ngân hàng thương mại thực hiện.
"Đây là chính sách sử dụng ngân sách nhà nước có quy mô lớn triển khai qua hệ thống ngân hàng thương mại. Do đó, ngay từ trong quá trình dự thảo, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp, bàn bạc rất kỹ lưỡng với các bộ, ngành, các ngân hàng thương mại thông qua rất nhiều cuộc họp cũng như lấy ý kiến bằng văn bản để xây dựng, hoàn thiện Nghị định và Thông tư hướng dẫn, với mục tiêu hỗ trợ tiết giảm chi phí vốn vay của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tiết giảm chi phí để vượt qua khó khăn, ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh, tạo nền tảng và động lực phát triển nền kinh tế", ông Tú nhấn mạnh.
Đào Vũ
VnEconomy
|