Nhịp đập Thị trường 26/07: Đóng cửa giảm điểm
Kết phiên VN-Index giảm 3.43 điểm (0.29%) còn 1,185.07 điểm. VN30 giảm 4.11 điểm (0.34%) còn 1,218.49 điểm, HNX-Index giảm 2.5 điểm (0.88%) còn 282.88 điểm. VN-Index có phiên thứ hai liên tiếp giao dịch dưới 10,000 tỷ.
HPG cuối phiên khớp tại 21,650 đồng/cp, giảm 1.1% với 26,378,200 cổ phiếu trao tay. Trong rổ VN30, 8 cổ phiếu tăng giá, 19 cổ phiếu giảm giá, tăng mạnh nhất là KDH (2.1%), SAB (1.6%), VCB (1.4%). Giảm mạnh nhất là VIC (-1.8%), BVH (-1.8%), TPB (-1.5%). VIC cũng là cổ phiếu tác động xấu nhất tới VN-Index làm giảm 1.12 điểm trong khi VCB là cổ phiếu tác động tốt nhất với 1.2 điểm. Sau một thời gian rất dài luôn có lượng cầu cuối mỗi phiên ATC tìm cách đỡ giá, VIC đã có dấu hiệu bị buông.
Cổ phiếu ngành khai khoáng tăng mạnh nhất thị trường 0.76% với BMC trần, PVD (2.15%), PVS (1.33%), TMB (4.72%), THT 2.52%. Tuy nhiên số cổ phiếu giảm giá (13) vẫn gấp đôi số cổ phiếu tăng giá (6).
Ngành tăng dẫn đầu thị trường còn thế, tính trên diện rộng cả hai sàn số cổ phiếu giảm giá cũng áp đảo số cổ phiếu tăng giá với 430 cổ phiếu giảm giá (13 cổ phiếu sàn)/197 cổ phiếu tăng giá (12 cổ phiếu trần). Đặc biệt tỷ lê này cứ tăng dần đều theo thời gian từ lúc mở cửa đến khi đóng cửa.
Một phiên giao dịch khá trầm lắng theo hướng yếu dần, bên mua không còn nhu cầu mạnh, tuy nhiên bên bán cũng “cứng” lên nhiều. Có lẽ những nhà đầu tư còn cầm cổ phiếu hôm nay đã bản lĩnh hơn nhiều so với thời gian chỉ một quý trước. Số lượng nhà đầu tư mới trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong hai năm qua là chưa có tiền lệ về số lượng cũng như tỷ lệ so với nhà đầu tư cũ. Họ cần thời gian để đào thải và bản lĩnh thêm từ những thất bại.
Thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đang giao dịch trên những nền tảng cơ bản khá tuyệt vời. Thứ khó khăn nhất vẫn chỉ là dòng tiền trong ngắn hạn. Mà tiền thì… thay đổi nhanh lắm.
14h: Dấu hiệu lịm dần trên diện rộng, chưa phản ánh vào điểm số
Mặc dù VN-Index chỉ đang giảm 1.5 (0.13%) điểm HNX-Index giảm nhiều hơn cũng chỉ giảm 1.62 điểm (0.57%), tuy nhiên nhìn trên diện rộng số cổ phiếu tăng giá/số cổ phiếu giảm giá trên hai sàn còn 183 (11 cổ phiếu trần)/428 cổ phiếu (10 cổ phiếu sàn). Ngay trong VN30 cũng chỉ còn 7 cổ phiếu tăng giá/20 cổ phiếu giảm giá.
Bên tăng giá đáng chú ý có VNS đang trần khớp tại 14,250 đồng/cp. Trong quý 2/2022, doanh thu thuần của VNS ghi nhận gần 247 tỷ đồng, tăng 64% so với cùng kỳ. Không những thế, giá vốn còn giảm 10%, đẩy lãi gộp đạt hơn 87 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ gộp gần 28 tỷ đồng. Việc chi phí được tiết giảm không chỉ nằm ở giá vốn mà còn ở chi phí bán hàng khi chi phí này giảm đến 35%, còn gần 15 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí quản lý chỉ tăng nhẹ 4%, lên hơn 23 tỷ đồng. Nhìn chung, VNS đã có sự phục hồi đáng kể so cùng kỳ khi báo lãi ròng hơn 56 tỷ đồng trong quý 2, trong khi cùng kỳ lỗ gần 66 tỷ đồng.
VNS là một doanh nghiệp Việt Nam đã kiên nhẫn đối đầu với các dịch vụ gọi xe nước ngoài như UBER, GRAP với 7 quý lỗ liên tiếp đến 2021. Có lẽ họ đang chờ đợi những sai lầm của đối thủ cũng như một thế cuộc để phản công.
Nhóm ngành bất động sản đang giảm nhẹ 0.12% với VRE (-0.95%), VIC (-0.45%). Phía tăng giá đang chú ý có DIG (1.56%). Doanh nghiệp này có lợi nhuận 6 tháng đầu năm khoảng 180 tỷ VNĐ, chưa được 10% so với kế hoạch (1900 tỷ đồng). NLG đang tăng 0.67 %, DXG đang tăng 2.74%.
Dòng FPT, FPT đang giảm 0.47%, FRT đang tăng 0.5%. FRT cũng như các doanh nghiệp bán lẻ khác đang phải đối mặt với bài toán lợi nhuận biên suy giảm do lạm phát, lãi suất tăng cao. Lối thoát đột biến mạnh mẽ nhất là mảng nhà thuốc có vẻ đã bị những đối thủ khác với tiềm lực mạnh hơn bắt bài và triển khai mạnh mẽ.
Phiên sáng: Bình lặng trước bão giông?
Thị trường đang tạo cảm giác như một mặt biển tĩnh lặng, nhưng không ai biết đáy sâu có những gì. Biên độ vẫn loanh quanh tham chiếu, giá trị giao dịch trên sàn HOSE chỉ có 4,329 tỷ. Rất có thể hôm nay thị trường sẽ phải chứng kiến một phiên giao dịch thấp kỷ lục gần đây.
Ngân hàng đang là trụ chính của thị trường tăng 0.57%, VCB tăng 1.65% đang là cổ phiếu tác động tích cực nhất lên VN-Index với 1.3 điểm. BCTC hợp nhất quý 2/2022 vừa công bố cho thấy Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam có một quý hoạt động kinh doanh khả quan khi báo lãi trước thuế tăng 50% so với cùng kỳ, thu được hơn 7,423 tỷ đồng. Tổng nợ xấu tính đến ngày 30/06/2022 của Vietcombank tăng 9% so với đầu năm, ghi nhận gần 6,694 tỷ đồng. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn tăng mạnh nhất đến 80%, chiếm 1,340 tỷ đồng. Kết quả, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay giảm nhẹ từ mức 0.64% đầu năm xuống còn 0.61%.
Các ngân hàng có báo cáo kết quả kinh doanh quý 2 rất tốt, mới đây TCB báo lãi 7,321 tỷ trước thuế, tăng 22% so với cùng kỳ, VIB báo lãi 2,744 tỷ tăng 28% so với cùng kỳ, TPB báo lãi 2,165 tỷ tăng 37% so với cùng kỳ. Cá biệt LPB báo lãi 1,793 tăng 94% so với cùng kỳ. Giá TCB hôm nay hiện đang -0.14%, TPB -0.36%, LPB -0.34%, có VIB đang xanh 0.19%. Đã cuối tháng 7 có lẽ những gì xấu tốt trong báo cáo tài chính quý 2 đã bộc lộ vào giá. Điều đáng lo ngại là tháng 8 với khoảng trống thông tin đằng sau với một giá trị giao dịch đang teo tóp đi từng ngày, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ đối mặt thế nào?
Trong VN30 số cổ phiếu tăng giá là 12 trong khi 11 cổ phiếu giảm giá tuy nhiên biên độ tăng giảm cũng rất thấp. Giảm sâu nhất là VHM cũng chỉ đang giảm 0.7% theo sau MSN giảm 0.5%.
10h30: Loanh quanh tham chiếu
Thị trường giao dịch quanh biên độ hẹp với giá trị giao dịch thấp. Tới 10h30, tổng giá trị giao dịch trên HOSE mới hơn 3,000 tỷ. Mặc dù trong rổ VN30 đang có 17 cổ phiếu tăng giá/8 cổ phiếu giảm giá. Tuy nhiên trên cả hai sàn số cổ phiếu tăng giá/số cổ phiếu giảm giá đã đảo chiều với 203 cổ phiếu tăng giá (11 cổ phiếu trần)/325 cổ phiếu giảm giá (9 cổ phiếu sàn).
HPG mới công bố kết quả kinh doanh quý 2 với doanh thu 37,714 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 4,023 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm, Hòa Phát đã ghi nhận 82,118 tỷ đồng doanh thu và 12,229 tỷ lợi nhuận sau thuế, tương ứng giảm 27% so với cùng kỳ năm trước, qua đó thực hiện 46% kế hoạch năm.
Mặc dù có kết quả kinh doanh quý 2 giảm khá sâu so với cùng kỳ nhưng mọi thứ có vẻ không “khủng khiếp” như chủ tịch Trần Đình Long đã phát biểu. HPG lâu nay vẫn nói ít, làm nhiều, lo xa. Trên sàn đang có 1 triệu cổ phiếu HPG chờ mua tại mức 21,7000 đồng/cp. Một con số mua chờ rất lâu rồi không thấy xuất hiện ở cổ phiếu này. Tuy nhiên hơn 1.3 tỷ cổ phiếu về không phải con số nhỏ, cuối phiên nay nếu HPG chỉ giảm nhẹ thì thị trường sẽ bớt lo lắng hơn.
Ngành chứng khoán đã chuyển từ xanh sang đỏ nhẹ -0.39%. Tăng mạnh có TVS tăng 1.94% mặc dù quý 2 lỗ 72 tỷ so với lợi nhuận 175 tỷ cùng kỳ. Ngành chứng khoán đa phần có kết quả kinh doanh rất kém gần đây, tiêu biểu có APS, SHS, VDS đã công bố báo cáo quý 2 với số lỗ lần lượt là 442, 372, 268 tỷ VNĐ. Sáng nay APS đang giảm 2.8%, SHS giảm 0.81%, VDS giảm 0.28%. Có lẽ cổ phiếu chứng khoán đã chiết khấu đủ sâu để không giảm mạnh như kết quả kinh doanh kém của mình.
Tăng nhẹ đầu phiên
Đêm qua thị trường chứng khoán Mỹ và sáng nay thị trường chứng khoán châu Á đang lên xuống trong biến độ rất hẹp. Cả thế giới đang nín thở chờ quyết định tăng lãi suất của Fed vào tối mai. Thông tin vĩ mô trong nước đáng chú ý là tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư trên cả nước trong bảy tháng đầu năm đạt 34.37% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, giảm nhẹ so với mức 36.71% của cùng kỳ năm 2021.
Chỉ số phái sinh VN30F2208 mở phiên ATO tăng nhẹ 0.2 điểm từ 1,221.9 lên 1,222.1 điểm.
Đến 9h30, VN-Index tăng 3.28 điểm (0.28%) lên 1,191.78 điểm. VN30 tăng nhẹ hơn 1.37 điểm (0.11%) lên 1,223.97 điểm. HNX-Index tăng 1 điểm (0.35%) lên 266.38 điểm, UPCoM tăng 0.24 điểm (0.27%) lên 86.59 điểm. Trên cả hai sàn tỷ lệ số cổ phiếu tăng giá/số cổ phiếu giảm giá là 250 (9 cổ phiếu trần)/164 (5 cổ phiếu sàn). Trên sàn HOSE hiện không có cổ phiếu nào sàn.
Nhóm ngành thủy hải sản đang giảm nhiều nhất thị trường với 0.62% trong đó ABT đang trần và SJ1 đang sàn. VHC đang giảm 0.84% sau thông tin xin phép cổ đông muốn rút ngắn thời gian hạn chế chuyển nhượng cổ phiếu ESOP với một số cán bộ, nhân viên.
Ngành nông lâm ngư cũng đang giảm 0.56% với BAF giảm 1.31%, HAG giảm 0.88%, HNG giảm 0.58%. Phía tăng giá có ngành ngân hàng tăng nhẹ 0.39%. Ngoại trừ BID tăng mạnh 1.55%, tất cả các các cổ phiếu ngân hàng khác đều đang tăng giảm với biên độ rất nhẹ dưới 1%.
Hôm nay là ngày hơn 1.3 tỷ cổ phiếu HPG được giao dịch về tuy nhiên HPG chỉ đang giảm 0.7%.
Kiên Cường
FILI
|