Thứ Năm, 14/07/2022 11:31

Nhiều ý kiến trái chiều xung quanh việc nới hạn mức tín dụng

Nền kinh tế Việt Nam tiếp tục dựa vào nguồn vốn tín dụng là chìa khóa chính để duy trì tăng trưởng nên việc khống chế “con dao hai lưỡi” này luôn là cân nhắc hàng đầu của nhà làm chính sách.

Nhiều chuyên gia cho rằng hạn mức tín dụng chỉ nên được xem là giải pháp tạm thời. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Thông tin về nới ''room'' tín dụng đang được thị trường quan tâm và mong chờ khi nhiều ngân hàng đã chạm trần tăng trưởng ngay từ cuối quý 1 và đầu quý 2. Liệu “vòng kim cô” room tín dụng mà Ngân hàng Nhà nước đã áp dụng 11 năm qua có còn phù hợp?

Room tín dụng quan trọng thế nào?

Dư nợ cho vay tăng nhanh cho thấy nhu cầu vay vốn, mở rộng hoạt động sản xuất cũng phát đi tín hiệu tích cực trong bối cảnh nền kinh tế nỗ lực phục hồi sau đại dịch. Tuy nhiên, nhiều ngân hàng thương mại cho hay khó giải ngân thêm vì hạn mức tăng trưởng tín dụng (room).

Room tín dụng được chính thức triển khai vào năm 2011 trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang trải qua giai đoạn lạm phát rất cao, xuất phát từ việc gia tăng cung tiền liên tục ở mức rất cao trong nhiều năm. Room tín dụng quy định tăng trưởng tín dụng tối đa của ngành ngân hàng, do Ngân hàng Nhà nước công bố vào đầu mỗi năm. Dựa trên mức tăng trưởng tín dụng chung của toàn nền kinh tế, Ngân hàng Nhà nước sẽ phân phối tỷ lệ room tín dụng cho các ngân hàng thương mại trong nước tùy vào 'sức khỏe' tài chính của các ngân hàng như chất lượng tín dụng và hiệu quả quản lý tín dụng.

Trong suốt thời gian đó, Ngân hàng Nhà nước thường xuyên đánh giá, rà soát, cập nhật việc điều chỉnh tín dụng song song với các biện pháp quản trị vĩ mô khác. Từ năm 2011, Ngân hàng Nhà nước liên tục cập nhật và yêu cầu các tổ chức tín dụng tuân thủ các quy định về hệ số an toàn theo chuẩn quốc tế, nâng cấp từ Basel I lên Basel II.

Tuy nhiên, khi ngành ngân hàng dần tiệm cận với những chuẩn mực quốc tế, nhiều chuyên gia đặt câu hỏi, việc duy trì cấp room cứng định kỳ 1-2 lần hằng năm như hiện nay liệu có cần thiết?

Cho tới nay, việc cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng cho ngân hàng dựa trên cơ sở hay tiêu chí như thế nào vẫn là thắc mắc của nhiều chuyên gia. Nếu không có một bộ khung rõ ràng, một số ý kiến bày tỏ lo ngại sẽ có "xin-cho" hay tiêu cực liên quan đến cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng. Ngoài ra, việc chờ Ngân hàng Nhà nước xem xét theo đợt cũng khiến một số nhà băng rơi vào thế kém chủ động trong việc giải ngân.

Có nên bỏ cấp room tín dụng?

Trong bối cảnh chưa thể bỏ cấp room tín dụng, các chuyên gia gợi ý Ngân hàng Nhà nước có thể linh hoạt và uyển chuyển hơn thay vì cấp "room" bằng mệnh lệnh hành chính như hiện nay.

Chuyên gia Cấn Văn Lực đánh giá với lộ trình về lâu dài, Ngân hàng Nhà nước cần bỏ cấp room tín dụng. Việc cấp room theo ông chỉ nên được coi là giải pháp tạm thời.

Theo ông Lực, Ngân hàng Nhà nước nên tiếp tục linh hoạt, xem xét cấp hạn mức cho ngân hàng theo từng tháng hoặc xem xét nới room cho từng ngân hàng ngay khi có yêu cầu, thay vì gom các yêu cầu lại vào một đợt rồi mới thực hiện. Điều này theo ông sẽ giúp các ngân hàng cho vay kịp thời và không bị gián đoạn trong hoạt động kinh doanh.

Trong một vài năm tới, Ngân hàng Nhà nước nên nghiên cứu công cụ quản lý phù hợp theo tính thị trường hơn. Chẳng hạn như giám sát thông qua hệ số an toàn vốn CAR, giúp giám sát cả tài sản và vốn của nhà băng, điều này sẽ mang tính bao trùm hơn và cũng theo thông lệ quốc tế.

Đồng quan điểm, tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng không nhất thiết phải áp trần tăng trưởng tín dụng với từng ngân hàng, thay vào đó có thể kiểm soát dòng vốn tín dụng của các tổ chức bằng các yếu tố khác, đó là tính thanh khoản, tỷ lệ dư nợ tín dụng trên vốn huy động, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, tỷ lệ an toàn vốn, kiểm soát việc sử dụng vốn vay đúng mục đích.

Tuy nhiên, không đồng tình với quan điểm trên, một chuyên gia kỳ cựu trong lĩnh vực ngân hàng (giấu tên) lại cho rằng một công cụ, tuy không phải là hiệu quả nhất, nhưng nếu đã và đang vận hành tốt thì nên thận trọng khi suy nghĩ về sự thay đổi, đặc biệt là tính thời điểm. Những công cụ hợp lý hơn chưa hẳn đã hiệu quả hơn vì không chắc sẽ có thể phù hợp với đặc thù của nền kinh tế.

Theo vị chuyên gia này, không phải ngẫu nhiên mà đến thời điểm này nền kinh tế Trung Quốc, dù đã trải qua nhiều lần cải cách hệ thống tài chính, nhưng vẫn duy trì room tín dụng để có thể kiểm soát tăng trưởng tín dụng trong nước. Nền kinh tế Việt Nam sẽ vẫn tiếp tục dựa vào nguồn vốn tín dụng như là chìa khóa chính để duy trì tăng trưởng nên việc khống chế “con dao hai lưỡi” này luôn là cân nhắc hàng đầu của những nhà làm chính sách bởi những bài học từ quá khứ.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cũng khẳng định công cụ cấp hạn mức tín dụng vẫn phát huy những hiệu quả nhất định, là giải pháp được đánh giá là hiệu quả trong thời gian qua và vẫn đang áp dụng cho đến nay. Người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước cũng lý giải từ khi áp dụng công cụ hạn mức tín dụng, cuộc đua tăng lãi suất huy động của các ngân hàng đã không còn như trước.

Sự thận trọng của Ngân hàng Nhà nước, theo đánh giá của nhiều chuyên gia cũng là phù hợp do Ngân hàng Nhà nước phải thắt chặt dòng tiền để kiểm soát lạm phát nên rất khó kỳ vọng mức room mới sẽ tăng mạnh. Tín dụng 6 tháng đã tăng 9,35%, nếu tín dụng tiếp tục tăng trưởng mạnh thì rõ ràng sẽ làm tăng thêm áp lực lên kiểm soát lạm phát.

Mặc dù ngân hàng không còn nhiều dư địa tăng trưởng tín dụng cho 6 tháng cuối năm, nhưng Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank Phạm Đức Ấn không ủng hộ việc nới mạnh room tín dụng trong nửa cuối năm. Theo ông Ấn, nguồn vốn trong dân chỉ có mức nhất định, huy động vốn năm nay không tăng nhiều so với năm trước. Trong khi tín dụng tăng quá mạnh dễ dẫn đến việc các ngân hàng sẽ giành giật vốn lẫn nhau, châm ngòi cho cuộc đua lãi suất. Do đó, các ngân hàng cố gắng kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng.

“Tôi mong rằng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước sẽ có kế hoạch đảm bảo tăng trưởng phù hợp, nếu hy sinh để tăng trưởng thì áp lực lạm phát rất lớn. Agribank hy vọng không có đột biến quá lớn về tín dụng để không xảy ra cuộc cạnh tranh lãi suất huy động, từ đó tăng lãi suất cho vay, tăng lạm phát. Nếu lạm phát tăng, mọi thành tựu thời gian qua sẽ trở về số 0,” ông Ấn cảnh báo./.

Thúy Hà

Vietnam+

Các tin tức khác

>   Cấp gói tín dụng 20.000 tỉ đồng cho công nhân vay tiêu dùng để xóa sổ tín dụng đen (14/07/2022)

>   Nam A Bank đạt chứng nhận ISO 31000:2018 về Quản lý rủi ro đối với sản phẩm tín dụng xanh (14/07/2022)

>   Phát hành tín phiếu - thông điệp về lãi suất (13/07/2022)

>   Ngân hàng phát mại tài sản hàng loạt bất động sản (13/07/2022)

>   Lãi vay tăng, khách hàng méo mặt (13/07/2022)

>   Dấu ấn TPBank trong Top 8 ngân hàng thương mại Việt Nam uy tín 2022 (12/07/2022)

>   VietBank được chấp thuận tăng vốn điều lệ lên 5,780 tỷ đồng  (12/07/2022)

>   Room tín dụng tiếp tục chờ… (12/07/2022)

>   Bà Lê Thu Thủy thôi giữ chức Tổng Giám đốc SeABank (12/07/2022)

>   VietinBank rao bán 509 tỷ đồng nợ của Descon (11/07/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật