Lãi vay tăng, khách hàng méo mặt
Người vay tiền phải chịu mức lãi suất cao hơn so với trước 1%-2%/năm, trong bối cảnh lãi suất huy động tiếp tục tăng mạnh và room tín dụng gần như đã chạm trần.
Các chuyên gia kinh tế khẳng định mặt bằng lãi suất cho vay khó có thể đứng yên khi lãi suất huy động liên tục tăng cao. Bằng chứng là thời gian gần đây, nhiều ngân hàng (NH) đã điều chỉnh tăng lãi suất cho vay 1%-2% so với trước. Bên cạnh đó, các NH cũng không còn tung ra các chương trình vay ưu đãi như trước đây.
Một số ngân hàng cam kết giữ ổn định lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp. Ảnh: TL
|
Lãi suất huy động, cho vay đua nhau tăng
Từng được đánh giá là một trong những NH cho vay mua nhà có lãi suất thấp nhất thị trường nhưng mới đây Shinhan bất ngờ công bố áp dụng khung lãi suất mới cố định năm năm ở mức 9,5%/năm, tăng tới 1,7%/năm so với mức lãi suất cho vay trước đó. Tương tự, NH Standard Chartered trước đây có mức lãi suất cho vay chỉ 6,49% với gói vay một năm thì nay đã tăng lên 7,5%/năm, tăng 1%/năm so với lãi suất cho vay cũ.
Hàng loạt NH khác cũng tăng lãi suất cho vay trong thời gian gần đây với cả khoản vay mới lẫn vay cũ. Đơn cử, PVcombank công bố cho vay mua nhà với lãi suất vay ưu đãi 5%/năm cố định trong sáu tháng đầu. Sau khoảng thời gian trên, lãi suất mà người vay sẽ phải trả là 12%/năm. Tương tự, tại nhiều NH khác, lãi suất khoản vay cũ cũng tăng lên mức 10%-12%/năm.
Thực tế cho thấy mặt bằng lãi suất cho vay khó giữ ổn định khi mà lãi suất huy động tăng nhanh. Đến thời điểm hiện tại, lãi suất huy động tiền gửi tại một số NH đã tăng lên mức trên 7%/năm, thậm chí hơn 7,5%/năm cho các kỳ hạn dài. Nếu cuộc đua lãi suất huy động tiếp tục nóng như thời gian gần đây thì lãi suất cho vay sẽ khó tránh khỏi tăng cao hơn nữa vào những tháng cuối năm, khi nhu cầu vốn tăng mạnh.
Việc các NH liên tục tăng lãi suất huy động thì sức ép tăng lãi suất cho vay là khó tránh khỏi.
|
Tạo thêm gánh nặng cho khách hàng
Việc lãi suất cho vay tăng đang tạo thêm gáng nặng cho khách hàng cá nhân lẫn khách hàng là các doanh nghiệp. Chị Thảo My (chủ một cửa hàng kinh doanh tạp hóa tại quận Tân Bình, TP.HCM) chia sẻ hiện chị có nhu cầu vay 500 triệu đồng để bổ sung vốn lưu động. Sau khi hỏi một số NH, cuối cùng chị được một NH quốc doanh đồng ý cho vay với lãi suất 9,5%/năm, kèm theo điều kiện phải mua thêm gói bảo hiểm nhân thọ 30 triệu đồng.
Vì đã mua bảo hiểm cho cả gia đình nên chị không có nhu cầu mua thêm nữa. Thế nhưng, NH tỏ thái độ “rất chảnh” khi nói nếu không mua bảo hiểm thì lãi suất cho vay sẽ là 12%/năm.
“Sau hai năm gồng mình vượt qua dịch bệnh, tiểu thương chúng tôi còn gặp khó trăm bề nên mới phải đi vay để có thêm dòng tiền duy trì hoạt động kinh doanh liên tục. Thế nhưng, việc tiếp cận vốn vay vừa khó khăn lại cộng thêm với việc lãi suất đột ngột bật lên cao khiến những đơn vị kinh doanh nhỏ như chúng tôi càng chật vật hơn” - chị My ngao ngán.
Tương tự, anh Thế Hùng (ngụ quận 2, TP.HCM) kể năm ngoái lãi suất cho vay ở mức hấp dẫn nên gia đình mạnh dạn mua nhà trả góp. Tuy nhiên, mới đây nhân viên NH bất ngờ thông báo lãi suất cho vay của anh sẽ tăng lên mức hơn 12%/năm, tức tăng hơn 1,5%/năm so với trước.
Anh Hùng nói: “Lãi suất cho vay tăng, cộng thêm giá xăng dầu, hàng hóa tiêu dùng… cũng tăng, trong khi thu nhập của gia đình không thay đổi khiến vợ chồng tôi như ngồi trên đống lửa. Vì vậy, tôi cho rằng nếu ngành NH thực sự chia sẻ với người dân, nhà kinh doanh thì đừng thi nhau tăng lãi suất để có mức lời khủng vào thời điểm này”.
Tạo điều kiện ổn định lãi suất
Phó Thống đốc NH Nhà nước Đào Minh Tú khẳng định cơ quan này sẽ tiếp tục điều hành nghiệp vụ thị trường mở chủ động, linh hoạt. Từ đó đảm bảo thanh khoản cho các tổ chức tín dụng, góp phần ổn định thị trường tiền tệ.
Bên cạnh đó, NH Nhà nước sẽ tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành nhằm tạo điều kiện để tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn với chi phí thấp. Qua đó có điều kiện giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng phục hồi sản xuất, kinh doanh.
|
Cố gắng ổn định lãi suất
Phó Tổng giám đốc một NH quốc doanh giải thích: Lãi suất cho vay đang chịu áp lực của nhiều yếu tố vĩ mô trong và ngoài nước. Trong đó phải kể đến áp lực do chi phí đầu vào tăng mạnh, cộng thêm việc các NH trung ương trên thế giới đã bắt đầu thắt chặt chính sách tiền tệ và tăng lãi suất. Trong bối cảnh trên, nhiều NH thương mại quốc doanh lớn vẫn cố gắng giữ lãi suất ở mức thấp. Tuy nhiên, nếu Việt Nam kiểm soát được lạm phát thì mới có khả năng giữ được lãi suất thấp.
“Ở thời điểm hiện nay, nếu khách hàng vay vốn của NH điều chỉnh tăng mạnh lãi suất thì đương nhiên sẽ bị ảnh hưởng lớn. Còn nếu khách hàng đủ điều kiện vay ở các NH chỉ tăng nhẹ lãi suất hoặc không tăng thì vẫn có cơ hội tiếp cận nguồn vốn giá rẻ để phục hồi sản xuất, kinh doanh” - vị lãnh đạo NH trấn an.
Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NH Nhà nước Chi nhánh TP.HCM, cũng cho biết trong thời gian qua, một số NH thương mại điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi một số kỳ hạn. Việc tăng này nhằm cơ cấu lại nguồn vốn để phù hợp với cơ cấu tín dụng và nhu cầu vốn từ nền kinh tế, đáp ứng tốt nhất nhu cầu vốn cho khách hàng. Tuy nhiên, việc tăng lãi suất này phải đảm bảo theo định hướng điều hành và quy định về lãi suất của NH Nhà nước.
Để đảm bảo thực hiện mục tiêu chính sách tiền tệ và hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế, ngành NH đang triển khai thực hiện gói tín dụng hỗ trợ 2% lãi suất cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh và hợp tác xã… “Tất cả giải pháp này sẽ đảm bảo ổn định lãi suất cho vay trong sáu tháng cuối năm, trong bối cảnh áp lực lạm phát gia tăng” - ông Lệnh nhấn mạnh.•
THÙY LINH
Pháp luật TPHCM
|