Thứ Năm, 07/07/2022 09:11

Mỹ đang tiến gần hơn đến một cuộc suy thoái?

Giới quan sát cho rằng nguy cơ suy thoái của kinh tế Mỹ đã tăng lên đáng kể. Nguyên nhân là triển vọng lợi nhuận của doanh nghiệp và tâm lý người tiêu dùng xấu đi đáng kể.

Theo dự báo mới nhất của Bloomberg Economics, khả năng Mỹ rơi vào suy thoái trong vòng 12 tới là 38%. Tâm lý của người tiêu dùng Mỹ đã rơi xuống mức thấp kỷ lục, trong khi lạm phát và lãi suất tăng mạnh.

Chỉ vài tháng trước đó, khả năng kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái là 0%.

"Khả năng xảy ra một cuộc suy thoái đã tăng lên. Suy thoái có thể xảy ra vào ngay đầu năm sau", bà Anna Wong - nhà kinh tế trưởng tại Bloomberg Economics - bình luận.

Suy thoái kinh tế mỹ ảnh 1

Tâm lý của người tiêu dùng Mỹ đã rơi xuống mức thấp kỷ lục, trong khi lạm phát và lãi suất tăng tạo sức ép lớn lên doanh nghiệp. Ảnh: Reuters.

Rủi ro tăng cao

"Dù tình hình tài chính của các doanh nghiệp và hộ gia đình vẫn ổn định, những lo lắng về tương lai có thể khiến người tiêu dùng chùn bước, dẫn tới doanh nghiệp giảm đầu tư và thuê ít nhân viên hơn", bà cảnh báo.

"Nguy cơ một cuộc suy thoái vào đầu năm 2023 đã tăng lên đáng kể", bà Wong bình luận.

Khả năng kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái vào cuối năm 2023 thậm chí còn cao hơn. Theo các ước tính trước đó của Bloomberg Economics, nguy cơ kinh tế Mỹ suy thoái khi bước sang năm 2024 là 75%.

Giữa tháng 6, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã nâng lãi suất 0,75 điểm phần trăm, mức cao nhất kể từ năm 1994, và sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong những tháng tới.

Trong tháng 5, ngân hàng trung ương Mỹ đã nâng lãi suất 0,5 điểm phần trăm. FED muốn hạ nhiệt tăng trưởng kinh tế và kéo giá cả đi xuống.

Tuy nhiên, giới quan sát lo ngại rằng lãi suất tăng nhanh, các điều kiện kinh tế thắt chặt và lạm phát kỷ lục sẽ đẩy nền kinh tế vào suy thoái.

Rủi ro suy thoái của kinh tế Mỹ tăng cao do 2 nguyên nhân. Đó là triển vọng lợi nhuận của doanh nghiệp và tâm lý người tiêu dùng xấu đi đáng kể.

Theo Bloomberg Economics, các điều kiện tài chính đã bị thắt chặt đáng kể trong những tháng qua, khiến tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp có khả năng giảm đi vào quý II. Khi FED nâng lãi suất mạnh tay, các công ty sẽ đối mặt với chi phí vốn gia tăng.

Thêm vào đó, theo cuộc khảo sát của Đại học Michigan vừa công bố hôm 14/6, tâm lý người tiêu dùng Mỹ đã rơi xuống mức thấp kỷ lục mới trong tháng 6. Đây là mức thấp nhất từng được ghi nhận kể từ khi Đại học Michigan bắt đầu thu thập dữ liệu cách đây 70 năm.

Chỉ số tháng 6 đã giảm 14,4% so với tháng 5. Khoảng 79% người tiêu dùng tin rằng họ sẽ gặp khó khăn trong công việc kinh doanh vào năm tới.

Theo chỉ số tháng 6, 47% người tiêu dùng cho rằng lạm phát khiến mức sống của họ thấp đi. Tỷ lệ này chỉ thấp hơn 1 điểm phần trăm so với ngưỡng kỷ lục trong cuộc Đại suy thoái.

Khó "hạ cánh an toàn"

"Khi không thể tránh khỏi giá cả leo thang, người tiêu dùng sẽ cảm thấy họ không còn lựa chọn nào khác ngoài thay đổi cách chi tiêu", bà Joanna Hsu - Giám đốc Khảo sát Người tiêu dùng tại Đại học Michigan - nhận định.

Lạm phát đã đè nặng lên niềm tin của người tiêu dùng. Người Mỹ đang phải đối mặt với mức giá trên trời tại các trạm xăng và cửa hàng tạp hóa.

Theo số liệu của Bộ Lao động Mỹ, CPI (chỉ số giá tiêu dùng) tháng 5 của Mỹ tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2021, mức tăng lớn nhất kể từ tháng 12/1981. Lạm phát ở Mỹ được thúc đẩy bởi giá xăng, hàng hóa và dịch vụ tăng vọt. Hồi giữa tháng 6, giá xăng trung bình trên toàn quốc vượt ngưỡng 5 USD/gallon.

Trong khi đó, chỉ số quản lý thu mua (PMI) do S&P Global công bố hôm 23/6 chỉ ra tăng trưởng sản lượng của khu vực kinh tế tư nhân tại Mỹ đã lao dốc mạnh trong tháng 6.

Theo ông Chris Williamson - nhà kinh tế trưởng tại S&P Global Market Intelligence, các nhà sản xuất hàng hóa không thiết yếu đang ghi nhận doanh số giảm mạnh khi người tiêu dùng hạn chế chi tiêu vì lạm phát.

Suy thoái kinh tế mỹ ảnh 2

Giá xăng tại Mỹ tăng vọt, khiến nhiều tài xế điêu đứng trong mùa lái xe cao điểm. Ảnh: Reuters.

Sau khi điều chỉnh theo lạm phát, thu nhập trung bình theo giờ của người lao động Mỹ đã lao dốc trong 8 tháng liên tiếp, làm xói mòn sức mua và suy yếu niềm tin của người tiêu dùng.

Theo một cuộc khảo sát gần đây, 50% người Mỹ tin rằng họ đã rơi vào một cuộc suy thoái.

Mỹ có thể tránh khỏi một cuộc suy thoái kinh tế. Nhưng việc hạ cánh an toàn là không dễ dàng. Chủ tịch FED Jerome Powell cũng thừa nhận điều này trong một tuyên bố mới đây.

Nếu một cuộc suy thoái diễn ra trong 1-2 năm tới, nền kinh tế Mỹ sẽ ghi nhận đà tăng trưởng ngắn nhất kể từ giai đoạn năm 1981 - 1982. Kinh tế Mỹ bắt đầu phục hồi sau đại dịch từ tháng 5/2020.

Thảo Phương

Zing.vn

Các tin tức khác

>   Giá thịt lợn tăng chóng mặt, Trung Quốc sẵn sàng xả kho dự trữ chiến lược (06/07/2022)

>   Google cân nhắc chuyển sản xuất điện thoại Pixel sang Việt Nam (06/07/2022)

>   Ecuador mất 1 tỷ USD vì biểu tình (06/07/2022)

>   Vượt mặt Tesla, hãng xe điện Trung Quốc đứng đầu thế giới về doanh số xe điện (06/07/2022)

>   NHTW Australia nâng lãi suất 0.5 điểm phần trăm (05/07/2022)

>   Sau năm lần tăng lãi suất, lạm phát ở Hàn Quốc vẫn cao nhất 24 năm (05/07/2022)

>   Lạm phát của Sri Lanka lên gần 60% (05/07/2022)

>   Tổng thống Biden tiến gần quyết định giảm thuế với hàng Trung Quốc (05/07/2022)

>   Vụ vỡ nợ gây chấn động ngành địa ốc Trung Quốc (05/07/2022)

>   Châu Âu trả giá đắt vì phụ thuộc năng lượng của Nga (05/07/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật