Ecuador mất 1 tỷ USD vì biểu tình
18 ngày biểu tình của người dân bản địa Ecuador về vấn đề chi phí sinh hoạt - bằng cách chặn đường và các giếng dầu - đã khiến đất nước này thiệt hại ít nhất 1 tỷ USD, Ngân hàng trung ương Ecuador cho biết hôm thứ Hai khi lãnh đạo phong trào bị mang ra xét xử.
Trong tổng số thiệt hại, hơn 3/4 là ở các công ty tư nhân và phần còn lại là của Nhà nước, đặc biệt là ở lĩnh vực dầu mỏ quan trọng nhất, lãnh đạo Ngân hàng Trung ương Guillermo Avellan nói với kênh Teleamazonas.
Theo Chính phủ Ecuador, các cuộc biểu tình đã làm cho hoạt động sản xuất tại hơn 1,000 giếng phải tạm ngưng, khiến sản lượng dầu của Ecuador giảm hơn một nửa so với khoảng 520,000 thùng mỗi ngày.
Đến Chủ nhật, ba ngày sau khi Chính phủ và các nhà lãnh đạo cuộc biểu tình ký một thỏa thuận chấm dứt tình trạng bế tắc đang tê liệt, hoạt động khai thác đã phục hồi, lên 461,600 thùng/ngày. Dầu thô là mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Ecuador.
Leonidas Iza, lãnh đạo cuộc biểu tình, cũng là người đứng đầu Liên đoàn các dân tộc bản địa (Conaie) hùng mạnh, đã xuất hiện lần đầu tiên vào thứ Hai tại một tòa án ở thị trấn Latacunga.
Iza bị bắt vào ngày thứ hai của cuộc biểu tình, và bị giam giữ trong 24 giờ trước khi được trả tự do trong khi chờ xét xử vì tội phong tỏa các con đường một cách bất hợp pháp. Ở Ecuador, tội làm tê liệt một dịch vụ công cộng có thể bị phạt tù đến ba năm.
Ước tính có khoảng 14,000 người Ecuador đã tham gia vào cuộc biểu tình trên - hầu hết trong số đó là người dân ở Quito – nhằm phản đối sự khó khăn ngày càng lớn trong một nền kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch virus corona.
Cuộc biểu tình được kêu gọi bởi Conaie, tổ chức được cho là đã lật đổ ba tổng thống từ năm 1997 đến năm 2005.
Thứ Năm tuần trước, Chính phủ và nhóm lãnh đạo biểu tình đã ký một thỏa thuận chấm dứt các cuộc biểu tình, mà có lúc rất bạo lực, khiến 6 người chết và hơn 600 người bị thương.
Chính phủ đã đồng ý giảm giá nhiên liệu đã được trợ cấp tới 8% - ít hơn mức cắt giảm 21% mà những người biểu tình mong muốn nhưng đủ để thuyết phục họ rời khỏi các đường phố, nơi nhiều người đã tụ tập lại và đốt các rào chắn.
Avellan cho biết khoản trợ cấp nhiên liệu tăng thêm đó sẽ khiến cho Chính phủ tốn thêm khoảng 3 tỷ USD mỗi năm.
Chính phủ cũng đã tăng khoản viện trợ hàng tháng cho những cư dân nghèo nhất của đất nước, cho phép người dân nông thôn Ecuador tạm dừng trả nợ các khoản vay ngân hàng, và đồng ý xem xét lại một số hoạt động khai thác mỏ ở các khu vực của người dân bản địa.
Trước khi cuộc biểu tình này xảy ra, Avellan cho biết, Ngân hàng trung ương đã dự đoán được tình hình và nâng dự báo tăng trưởng kinh tế cho năm 2022, hiện ở mức 2.8%.
Raul Ilaquiche, luật sư của Iza, nói với AFP rằng phiên tòa xét xử dành cho vị lãnh đạo này sẽ kéo dài vài ngày, và một số nhân chứng sẽ được triệu tập.
Khoảng 2,000 người ủng hộ Iza đã tụ tập gần tòa nhà, nhưng bị cảnh sát dùng hàng rào kim loại chặn lại, các quan chức thành phố cho biết.
Nhã Thanh (Theo IBTimes)
FILI
|