Mùa hè tồi tệ của các hãng hàng không Mỹ
Tình trạng hỗn loạn vẫn kéo dài tại nhiều sân bay Mỹ. Các hãng hàng không chao đảo vì thiếu nhân viên và thời tiết xấu, dẫn đến hàng nghìn chuyến bay bị hủy.
Theo CNN, tình trạng hỗn loạn tại các sân bay Mỹ vẫn chưa chấm dứt. Cuối tuần qua, hàng nghìn chuyến đã bị hủy bởi tình trạng thiếu hụt nhân viên và thời tiết xấu. Trong khi đó, nhu cầu bùng nổ sau thời kỳ dịch bệnh kéo dài. Trong 3 ngày cuối tuần, ít nhất 1.100 chuyến bay nội địa của Mỹ đã bị hủy.
Chỉ riêng trong ngày 1/7, hơn 7.800 chuyến bay bị hoãn, trong đó có 45% chuyến bay của JetBlue Airways, gần 1/3 hoạt động của United Airlines, American Airlines và Southwest Airlines. Delta Air Lines cũng chứng kiến 25% chuyến bay bị hoãn.
Trong 3 ngày cuối tuần qua, ít nhất 1.100 chuyến bay tại Mỹ đã bị hủy do tình trạng thiếu nhân viên và thời tiết xấu. Ảnh: Reuters.
|
Hàng nghìn chuyến bay bị hủy
Những cơn giông ở vùng Đông Bắc nước Mỹ vào chiều 1/7 được cho là nguyên nhân gây ra tình trạng hoãn chuyến bay kéo dài hơn một giờ tại một số sân bay chính của khu vực.
Tình trạng ùn ứ đã thuyên giảm phần nào vào ngày hôm sau. Hôm 2/7, ít nhất 3.475 chuyến bay bị hoãn và 611 chuyến bị hủy. Theo dữ liệu của FlightAware, tình trạng hoãn chuyến chủ yếu xảy ra ở các sân bay tại khu vực New York.
Trong 2 ngày cuối tuần trước, 1.500 chuyến bay nội địa cũng bị hủy, gây ra cảnh hỗn loạn tại các sân bay.
United Airlines đã miễn phí đổi chuyến cho những du khách bị ảnh hưởng bởi giông bão ở phía Đông Bắc và thời tiết khắc nghiệt tại Denver và Houston.
Các hãng hàng không Mỹ đang vật lộn để đối phó với những ngày cuối tuần đông đúc khi nhu cầu bùng nổ sau thời kỳ đại dịch. Ảnh: Reuters.
|
Các hãng hàng không Mỹ đang vật lộn để đối phó với những ngày cuối tuần đông đúc. Nhu cầu phục hồi mạnh mẽ sau thời kỳ đại dịch. Delta cho phép đổi chuyển miễn phí đối với những khách hàng di chuyển trong khoảng thời gian 1-4/7.
Theo số liệu của Bộ Giao thông Vận tải Mỹ (DoT), từ đầu năm đến nay, các hãng hàng không Mỹ đã hủy 3,5% số chuyến bay, tăng 42% so với năm 2019.
Cục An ninh Vận tải Mỹ (TSA) cho biết chỉ riêng trong ngày 1/7, gần 2,5 triệu hành khách đã đi qua các trạm kiểm tra an ninh. Vào ngày này 3 năm trước, trước khi đại dịch bùng phát, con số là 2,18 triệu hành khách.
Washington đang tăng cường sức ép. Trong một dòng tweet đăng hôm 1/7, Bộ trưởng Giao thông vận tải Pete Buttigieg cho biết ông "liên tục thúc giục các hãng hàng không đảm bảo sẵn sàng". Ông Buttigieg cũng nhấn mạnh rằng khách hàng sẽ được hoàn tiền cho những chuyến bay bị hủy.
Cảnh hỗn loạn chưa từng có
Trong khi đó, ông Bernie Sanders muốn DoT phạt các hãng hàng không nếu chuyến bay bị hoãn. Mức phạt lên tới 27.500 USD/hành khách.
"Ngành hàng không nhận được 50 tỷ USD tiền thuế của người dân lúc nguy khốn. Người Mỹ đã nhận lại điều gì?", ông đặt câu hỏi.
Giới chuyên gia cảnh bảo đây sẽ là "mùa hè địa ngục" của ngành công nghiệp du lịch Mỹ. Các hãng hàng không Mỹ đã nhận được 54 tỷ USD hỗ trợ liên bang trong thời kỳ đại dịch. Tuy nhiên, họ vẫn phải sa thải nhiều nhân viên, nhất là phi công, và giờ đối mặt với tình trạng thiếu hụt người lao động nghiêm trọng.
Ngành hàng không nhận được 50 tỷ USD tiền thuế của người dân lúc nguy khốn. Người Mỹ đã nhận lại điều gì?
Thượng nghị sĩ Bernie Sanders
|
Nhiều người lao động không muốn trở lại ngành công nghiệp du lịch nhiều biến động. Tuy nhiên, ngay cả các hãng bay và cảng hàng không cũng ngần ngại trong việc tuyển dụng quy mô lớn. Bởi lạm phát tăng cao và những áp lực đối với nền kinh tế có thể đe dọa nhu cầu trong dài hạn.
Do đó, hoạt động của các hãng hàng không có thể bị gián đoạn nghiêm trọng trong trường hợp thời tiết xấu, những trung tâm kiểm soát không lưu thiếu nhân viên hoặc nhân viên nghỉ ốm.
"Các yếu tố khác nhau cùng lúc tác động tới hoạt động của chúng tôi, từ thời tiết, kiểm soát không lưu, thiếu hụt nhân viên, đến số ca nhiễm Covid-19 tăng lên khiến số nhân sự vắng mặt đột xuất cao hơn kế hoạch", bà Allison Ausban - Giám đốc Trải nghiệm Khách hàng của Delta - bình luận.
"Tất cả khiến chúng tôi không thể đáp ứng các tiêu chuẩn đã đặt ra trong những năm qua", bà thừa nhận. Đại diện Delta cho rằng đây là thời điểm mà hãng phải đối mặt với nhiều trở ngại nhất từ trước tới nay.
Khi đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân sự, các hãng hàng không Delta, United Airlines, JetBlue và Alaska Airlines đã cắt giảm số chuyến bay trong mùa hè.
"Các hãng hàng không Mỹ luôn cố gắng cung cấp những trải nghiệm du lịch tốt cho hành khách. Chúng tôi đang nỗ lực, bao gồm việc giảm số chuyến bay, để đảm bảo rằng mọi chuyến đi đều suôn sẻ", Airlines for America (A4A) - tổ chức đại diện cho các hãng hàng không lớn của Mỹ - tuyên bố.
Thảo Phương
ZING
|