Thứ Tư, 06/07/2022 14:31

HSBC nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022 lên 6.9% 

Bộ phận Nghiên cứu toàn cầu HSBC vừa công bố báo cáo Vietnam At A Glance tháng 7/2022, cập nhật các dự báo chính đối với thị trường Việt Nam, trong đó nâng dự báo tăng trưởng kinh tế trong nước lên 6.9%.

Trong quý 2/2022, tăng trưởng của Việt Nam đạt 7.7% so với cùng kỳ, cao nhất trong 11 năm qua, phần lớn do được hưởng lợi từ việc tái mở cửa nền kinh tế. Những rủi ro về biến chủng Omicron đang dần qua đi và các hạn chế được nới lỏng tạo cơ sở để Việt Nam trở lại trạng thái bình thường.

Trên thực tế, tăng trưởng GDP quý 2/2022 dễ dàng vượt xa những kỳ vọng của thị trường (HSBC: 5.8%, các tổ chức nghiên cứu: 5.9%). Đây cũng là mức tăng trưởng GDP theo quý cao nhất mà Việt Nam từng đạt được kể từ năm 2011, nhờ vào phục hồi kinh tế mạnh mẽ trên diện rộng ở các lĩnh vực.

Tuy nhiên, HSBC nhận định ảnh hưởng từ giá năng lượng cao đang ngày càng rõ ràng hơn. Việc giá cả hàng hóa leo thang đã dẫn đến thâm hụt thương mại trong quý 2/2022, có thể khiến tình hình tài khoản vãng lai vốn không được khả quan sẽ còn trầm trọng hơn. Bên cạnh đó, giá dầu cao có thể khiến túi tiền của người dân vơi đi nhiều, làm giảm tốc độ hồi phục thời gian qua. Do vậy, HSBC dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022 là 6.9% (trước đây là 6.6%), đồng thời hạ dự báo tăng trưởng 2023 xuống 6.3% (từ mức 6.7%).

Về mặt giá cả, HSBC dự báo lạm phát sẽ ở mức trung bình 3.5% trong năm 2022, nhưng đà lạm phát có thể tạm thời vượt mức trần 4% ở một vài thời điểm, đòi hỏi cần bình thường hóa chính sách tiền tệ.

Du lịch tăng trưởng mạnh nhưng mức độ phục hồi chậm

Sau khi dỡ bỏ những hạn chế quan trọng trong nước và quốc tế vào giữa tháng 3, các lĩnh vực liên quan đến du lịch, đặc biệt là vận chuyển và lưu trú, bắt đầu khởi sắc. Trong khi đó, bán lẻ của quý 2/2022 tăng vọt 17% so với cùng kỳ, dấu hiệu cho thấy tiêu dùng hộ gia đình đã phục hồi trở lại. Thành công này phần nào nhờ sự hồi phục dần của thị trường lao động, khi tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 2.3% trong quý 2/2022, trong khi số lượng việc làm tiếp tục tăng gần đến mức trước đại dịch.

Du lịch cũng đang phát triển mạnh mẽ khi mùa hè đến. Lấy sân bay Nội Bài làm ví dụ, các chuyến bay đã lên lịch tại sân bay Nội Bài đã tăng gấp đôi kể từ đầu năm 2022, vượt số liệu được ghi nhận ở giai đoạn đầu đại dịch. Điều này tương đương với hơn 100 nghìn lượt khách đi lại mỗi ngày, tăng 40% so với cùng kỳ năm 2019, đồng thời vượt sức chứa giới hạn 100 nghìn lượt khách của nhà ga T1.

Như vậy, ngay sau khi tái mở cửa biên giới vào ngày 15/03, Việt Nam đã đón lượng khách du lịch tăng đáng kể. Tổng Cục Du lịch Việt Nam (VNAT) đặt mục tiêu thu hút được 5 triệu khách nước ngoài đến Việt Nam năm 2022, gần đạt mức 30% số du khách của năm 2019. Tuy nhiên, sự phục hồi du lịch có thể diễn ra từ từ, đặc biệt là do thiếu nguồn khách du lịch Trung Quốc.

Bên cạnh đó, Việt Nam đã vượt mức mục tiêu 60 triệu khách du lịch nội địa hàng năm do VNAT đặt ra. Tuy nhiên, dù lượng khách nội địa cao, doanh thu du lịch thu về 11 tỷ USD, chỉ đạt 66% mục tiêu của năm.

Dệt may, sản xuất khẳng định vị thế

Bên cạnh nhu cầu nội địa phục hồi, sản xuất của Việt Nam đã khẳng định được vị thế dẫn đầu. Tất cả chỉ dấu đều cho thấy sự tăng trưởng sản xuất ổn định. Dù phần nào là nhờ hiệu ứng cơ sở thuận lợi, sản xuất công nghiệp (IP) trong quý 2/2022 tăng lên mức hơn 25% so cùng kỳ, phần lớn nhờ vào những lô hàng điện tử xuất liên tục, thể hiện qua những số liệu thương mại. Xuất khẩu đạt tốc độ tăng trưởng ấn tượng trong quý 2/2022, hơn 20% so cùng kỳ, trong đó 1/3 là các lô hàng điện thoại thông minh và máy tính. Tuy nhiên, hơn thế nữa, ngành dệt may và giày dép, cũng như máy móc, đều ghi nhận sự tăng trưởng phù hợp, chứng tỏ động lực bên ngoài của Việt Nam đang quay trở lại.

Nhập khẩu tăng mạnh dẫn đến thâm hụt GDP, giá hàng hóa “leo” cùng năng lượng

Nhập khẩu quý 2/2022 cũng tăng mạnh, lên mức hơn 15% so cùng kỳ. Một phần vì bản chất phụ thuộc nhập khẩu của ngành sản xuất Việt Nam. Ví dụ, các nguyên vật liệu điện tử chiếm gần 40% sản lượng nhập khẩu trong quý 2/2022.

Giá trị nhập khẩu tăng mạnh, một phần do giá cả năng lượng tăng

Là một nhà nhập khẩu ròng năng lượng, ngày càng rõ rằng giá năng lượng leo thang kéo theo gia tăng các hóa đơn năng lượng của Việt Nam. Giá nhập khẩu hàng hóa đã nhảy vọt trong năm nay. Điều này dẫn đến thâm hụt thương mại của Việt Nam là 0.6 tỷ USD, giảm từ mức thặng dư 1.5 tỷ USD trong quý 1/2022.

Điều này có thể khiến tài khoản vãng lai của Việt Nam bị thâm hụt trầm trọng hơn. Kể từ quý 2/2021, lợi thế tài khoản vãng lai của Việt Nam dần bị xói mòn, khi mức thặng dư ngày càng giảm không thể bù lại thâm hụt trong dịch vụ và thu nhập chính. HSBC cho rằng Việt Nam sẽ bị thâm hụt năm thứ hai liên tiếp, dù mức thâm hụt sẽ ít hơn năm trước, có thể chỉ khoảng 0.3% GDP. Điều này có thể gây áp lực hơn nữa lên tiền VND.

Một điểm sáng giúp Việt Nam có thể tự vệ trước những rủi ro bên ngoài chính là dựa vào nguồn FDI ổn định, tạo điểm tựa cho cán cân cơ bản. Trên đà động lực, nguồn vốn FDI mạnh có thể bù lại thâm hụt tài khoản vãng lai trong những quý trước. Cụ thể, FDI đầu tư vào lĩnh vực sản xuất tiếp tục tăng, phản ánh sự quan tâm và niềm tin vững chắc của nhà đầu tư vào những điều kiện cơ bản bền vững của Việt Nam.

Lạm phát tăng nhanh chóng

Mặc dù hiện tại, áp lực giá cả của Việt Nam chưa rõ ràng như các nước khác trong khu vực, đà lạm phát vẫn tăng nhanh chóng. Lạm phát toàn phần tăng 0.7% so với tháng trước, tương đương 3.4% so năm trước, vượt khỏi dự báo của HSBC và thị trường (HSBC: 3.2%; các tổ chức nghiên cứu: 3.2%). Trong đó, lạm phát vận chuyển cao vẫn đóng vai trò chủ đạo, tăng 3.6% so tháng trước. Giá xăng dầu trong nước tiếp tục được điều chỉnh tăng, đạt mức cao kỷ lục.

Trong khi giá năng lượng cao là điều đã được kỳ vọng, bất ngờ lớn nhất là lạm phát lương thực, tăng 0.8% so tháng trước. Điều này phần lớn phản ánh tác động mạnh mẽ của chi phí năng lượng leo thang đối với lạm phát lương thực, khi giá các mặt hàng tăng trên diện rộng bao gồm thịt, trứng và rau củ, theo dữ liệu Tổng cục Thống kê (GSO). Hơn nữa, có những dấu hiệu cho thấy lạm phát đã bắt đầu lan rộng. Lần đầu tiên trong gần 2 năm, lạm phát cơ bản đã hồi phục ở mức 2% so cùng kỳ, khi nhu cầu trong nước tiếp tục tăng.

Do giá dầu thế giới tăng, HSBC cho rằng áp lực lạm phát sẽ gia tăng, dự báo lạm phát năm 2022 sẽ ở mức trung bình 3.5% - thấp hơn mức trần 4% do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đặt ra - áp lực giá sẽ mạnh mẽ hơn trong nửa cuối năm 2022. Dựa vào các dự báo lạm phát, lạm phát có thể vượt qua mức 4% kể từ quý 4/2022 đến quý 2/2023, đòi hỏi NHNN cần bắt đầu bình thường hóa chính sách tiền tệ. HSBC nhận định NHNN có thể bắt đầu tăng lãi suất 50 điểm cơ bản (bp) từ quý 3/2022, và tăng thêm 50 bp mỗi quý cho đến quý 3/2023. Như vậy, đến cuối năm 2023, lãi suất điều hành có thể lên đến 6.5%.

Hồng Đức

FILI

Các tin tức khác

>   Mirae Asset: VN-Index về 1,060 điểm trong kịch bản xấu, lạm phát và chính sách lãi suất là rủi ro chính (06/07/2022)

>   Giám đốc điều hành VinaCapital: Kiên nhẫn là yếu tố quan trọng khi đầu tư chứng khoán tại Việt Nam (06/07/2022)

>   Góc nhìn 06/07: Test lại ngưỡng 1,160 điểm? (05/07/2022)

>   VND: VN-Index lên 1,500 điểm trong kịch bản tích cực (05/07/2022)

>   Chứng khoán tháng 7 khó bật tăng mạnh? (06/07/2022)

>   Góc nhìn 05/07: Test ngưỡng 1,160 trong ngắn hạn? (04/07/2022)

>   Triển vọng của cổ phiếu PVT, GEG và DHG (04/07/2022)

>   Góc nhìn tuần 04 - 08/07: Rủi ro ngắn hạn đã giảm dần? (03/07/2022)

>   Nhà đầu tư nên áp dụng chiến lược nào trong bối cảnh giá dầu, hàng hóa tăng cao? (01/07/2022)

>   Bà Hoàng Việt Phương (SSI): Đây là thời điểm rất thuận lợi nếu muốn đầu tư dài hạn (01/07/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật