Bài cập nhật
Góc nhìn tuần 04 - 08/07: Rủi ro ngắn hạn đã giảm dần?
Theo nhận định của công ty chứng khoán (CTCK), áp lực bán có thể diễn ra trong những phiên đầu tháng, tuy nhiên thị trường đang có lực cầu hấp thụ tốt. Theo Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN), thị trường có dấu hiệu bước vào giai đoạn tích lũy ngắn hạn cho nên dòng tiền vẫn có thể sẽ phân hóa và thanh khoản tiếp tục ở mức thấp, nhưng YSVN đánh giá rủi ro ngắn hạn đã có dấu hiệu giảm dần và cơ hội ngắn hạn gia tăng.
Mức độ phân hóa rộng đã quay lại
CTCK Tân Việt (TVSI): Phiên giao dịch 01/07 cho thấy vùng hỗ trợ tháng 5 và 6 của VN-Index xoay quanh 1,160 điểm tỏ ra hiệu quả. VN-Index chịu sức ép tiến sát về vùng này trong phiên 01/07 nhưng lực cung bán không quá lớn. Điều này tạo điểm tựa để dòng tiền tự tin nhập cuộc trở lại với nhóm cổ phiếu chứng khoán giúp nhóm này hồi phục mạnh mẽ sau những phát biểu tích cực và quyết liệt gần đây của Bộ trưởng Bộ tài chính về nỗ lực đẩy nhanh việc nâng hạng TTCK Việt Nam.
TVSI cho rằng tuần mới sẽ là một tuần sôi động hơn bởi ít nhất mức độ phân hóa đủ rộng đã quay trở lại và điều này cũng giúp những kỳ vọng mới tích cực hơn đang dần mở ra.
Rủi ro ngắn hạn giảm dần
CTCK Yuanta Việt Nam (YSVN): Thị trường có thể sẽ hồi phục ở phiên giao dịch đầu tuần và chỉ số VN-Index có thể sẽ kiểm định mức kháng cự 1,223 điểm. Đồng thời, thị trường có dấu hiệu bước vào giai đoạn tích lũy ngắn hạn cho nên dòng tiền vẫn có thể sẽ phân hóa và thanh khoản tiếp tục ở mức thấp, nhưng YSVN đánh giá rủi ro ngắn hạn đã có dấu hiệu giảm dần và cơ hội ngắn hạn gia tăng. Ngoài ra, chỉ báo tâm lý ngắn hạn tiếp tục cải thiện tích cực hơn.
Tạo đáy quanh vùng 1,170 điểm
CTCK Mirae Asset Việt Nam (Mirae Asset): Diễn biến điều chỉnh và lấy lại cân bằng tại vùng 1,170 của VN-Index là rất đáng chú ý trong tuần. Nếu tăng điểm trong những phiên đầu tuần sau, khả năng VN-Index sẽ tạo đáy mới cao hơn tại vùng 1,170 và là tín hiệu cho diễn biến hồi phục tiếp diễn.
Áp lực bán có thể tiếp diễn
CTCK Đông Á (DAS): Trong ngắn hạn, áp lực bán ra có thể còn tiếp tục trong những phiên đầu tháng 7, tuy nhiên lực cầu hiện vẫn hấp thụ tốt nên nhà đầu tư vẫn lạc quan về thị trường. Xét yếu tố vĩ mô trung hạn, triển vọng kinh tế 2022 Việt Nam tiếp tục tăng trưởng và dự báo lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết tiếp tục khả quan, định giá đang hấp dẫn cho nhà đầu tư trung dài hạn.
Nhà đầu tư có thể tiếp tục mua cho danh mục đầu tư trung dài hạn, quan tâm các nhóm khu công nghiệp, ngân hàng và ngành xây dựng hạ tầng khi kỳ vọng sẽ có sự chuyển biến đáng kể tiến độ đầu tư công trong nửa cuối năm.
Rủi ro rung lắc hiện hữu
CTCK KB Việt Nam (KBSV): Lực cầu bắt đáy gia tăng sau nhịp chớm phá ngưỡng hỗ trợ quanh 1,180 (+/-5) đã giúp cho trạng thái thị trường trở nên bớt tiêu cực hơn. Mặc dù rủi ro rung lắc vẫn hiện hữu, VN-Index đang có nhiều cơ hội mở rộng nhịp hồi phục và hướng lên vùng cản kế tiếp tại quanh 1,22x
Tiếp tục quán tính tăng
CTCK Asean (Aseansc): Thị trường phiên cuối tuần 01/07 ghi nhận một phiên đảo chiều tăng giá về cuối phiên nhờ lực cầu bắt đáy tăng mạnh, trong bối cảnh thanh khoản tăng nhẹ nhưng vẫn thấp hơn trung bình 20 phiên. Điều này cho thấy bên mua đang dần mạnh lên, và đà giảm có dấu hiệu chững lại.
Do đó, Aseansc kỳ vọng rằng thị trường sẽ có quán tính tăng điểm kèm thanh khoản cải thiện trong phiên giao dịch tới, nhất là khi mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 2/2022 đang đến gần.
Dự báo trong phiên tới (04/07), chỉ số VN-Index sẽ có quán tính tăng điểm để kiểm định vùng kháng cự gần 1,200 - 1,210 điểm, và xa hơn là vùng kháng cự 1,220 - 1,230 điểm. Sự rung lắc có thể diễn ra ở vùng giá cao khiến VN-Index có thể sẽ thu hẹp đà tăng về phía cuối ngày.
Đông Tư
FILI
|