Doanh nghiệp phát hành trái phiếu ồ ạt: Bộ Tài chính lại cảnh báo
Trong 6 tháng đầu năm 2022, số lượng trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) phát hành ra tăng 21% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, sau khi phát hiện một số hành vi bất thường, tiềm ẩn rủi ro cho nhà đầu tư, Bộ Tài chính đã lên tiếng cảnh báo. Các chuyên gia cho rằng, ngoài cảnh báo, cơ quan chức năng nên sớm ban hành Nghị định 153 sửa đổi nhằm hạn chế sai phạm trong phát hành TPDN.
Nhóm ngân hàng phát hành TPDN nhiều nhất trong nửa đầu năm 2022 (Ảnh minh họa)
|
Trong 6 tháng đầu năm 2022, khối lượng phát hành TPDN đạt gần 258.000 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ 2021. Khối lượng phát hành TPDN tập trung chủ yếu trong tháng 1/2022, bắt đầu giảm từ tháng 2 đến tháng 4 và tăng trở lại vào tháng 5/2022 đến nay. Cả nước có tới 241 đợt phát hành TPDN riêng lẻ, chiếm 94,5% so với tổng khối lượng phát hành.
Theo Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam, tháng 6/2022 là một trong những tháng có số lượng DN phát hành trái phiếu nhiều nhất kể từ đầu năm, với 44 đợt phát hành TPDN riêng lẻ, giá trị 30.120 tỷ đồng. Trong đó, nhóm ngân hàng thương mại đứng đầu về giá trị phát hành, lãi suất phát hành trung bình 5,16 %/năm.
Các ngân hàng có khối lượng phát hành nhiều nhất gồm: Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (10.655 tỷ đồng), Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (7.000 tỷ đồng) và Ngân hàng TMCP Quân đội (2.730 tỷ đồng). Tiếp theo, nhóm DN tài chính với khối lượng phát hành 1.245 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ, có lãi suất trung bình 7,23%/năm. Trong đó, Công ty Tài Chính TNHH Ngân Hàng Việt Nam Thịnh Vượng SMBC chiếm phần lớn với 1.000 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 2 năm.
Hiệp Hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam cho biết, lũy kế từ đầu năm tới nay, nhóm ngân hàng đang dẫn đầu về giá trị phát hành đã phát hành với tổng giá trị 80.466 tỷ đồng, tương đương 48,9% tổng giá trị phát hành. Đa số các DN đều phát hành kỳ hạn ngắn (từ 1 đến 3 năm). Nhóm DN bất động sản cũng phát hành trái phiếu với trị giá 42.583 tỷ đồng. Trong đó, Công ty Cổ phần Đầu Tư và Phát Triển Eagle Side (3.930 tỷ đồng)”.
Đánh giá về thị trường TPDN, TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia cho biết, với tốc độ tăng trưởng thị trường như hiện nay, đến năm 2028, thị trường TPDN có thể lên tới 12 triệu tỷ đồng. Và TPDN có thể thay thế vốn trung dài hạn của ngân hàng.
“Với khối lượng lớn TPDN như hiện nay, trong quản lý vận hành thị trường, cơ quan chức năng nhất định không để vỡ nợ trái phiếu. Điều này rất nguy hiểm, vì có thể dẫn tới sự đổ vỡ của cả thị trường bất động sản, chứng khoán và ngân hàng”, ông Nghĩa cảnh báo.
Nhiều bất thường
Trước sự tăng trưởng trở lại của thị trường TPDN, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc vừa yêu cầu đơn vị trực thuộc theo dõi sát danh sách DN, tổ chức có dấu hiệu bất thường trong phát hành TPDN. Các yếu tố bất thường của DN cần theo sát như: để nhiều công ty con trong cùng hệ sinh thái của DN phát hành; phát hành với lãi suất cao, có dư nợ lớn so với vốn chủ sở hữu...
Cảnh báo tới nhà đầu tư, Bộ Tài chính nêu rõ, trên thị trường TPDN riêng lẻ hiện nay, phần lớn tài sản đảm bảo là bất động sản và các chương trình, dự án, chứng khoán hoặc kết hợp các loại tài sản (bất động sản, chứng khoán). Tài sản đảm bảo được DN phát hành nêu tại bản công bố thông tin, nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ về điều kiện của tài sản đảm bảo, chất lượng, giá trị của tài sản đảm bảo và cam kết về bảo đảm của DN phát hành.
“Nhà đầu tư lưu ý, đối với tài sản đảm bảo là dự án, tài sản hình thành trong tương lai hoặc cổ phiếu, khi thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản có nhiều biến động, giá trị tài sản đảm bảo có thể bị sụt giảm và không đủ để thanh toán gốc, lãi trái phiếu”, Bộ Tài chính cảnh báo đồng thời lưu ý với nhà đầu tư, rủi ro của trái phiếu là rủi ro của DN phát hành. Việc tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán phân phối chào mời mua TPDN không có nghĩa là các tổ chức này đảm bảo an toàn cho việc mua trái phiếu. Các tổ chức này chỉ là DN cung cấp dịch vụ, hưởng phí dịch vụ từ DN phát hành mà không chịu trách nhiệm về việc thẩm định, đánh giá tình hình tài chính và khả năng trả nợ của DN phát hành. Do đó, tổ chức này không có trách nhiệm về việc DN có hoàn trả gốc và lãi trái phiếu khi đến hạn hay không.
Cùng với đó, nhà đầu tư phải lưu ý, tổ chức bảo lãnh phát hành không có bất kỳ nghĩa vụ nào với nhà đầu tư. Việc bảo lãnh phát hành trái phiếu chỉ là việc tổ chức bảo lãnh có cam kết với DN phát hành, để phân phối số trái phiếu.
Trước cảnh báo của Bộ Tài chính về thị trường TPDN, TS Cấn Văn Lực cho rằng, giải pháp tốt nhất cho thị trường hiện nay là cơ quan chức năng sớm ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định 153 về phát hành trái phiếu riêng lẻ. Các quy định sẽ theo hướng chặt chẽ hơn, sẽ góp phần tạo hành lang pháp lý để DN tiếp tục phát hành trái phiếu.
Ngọc Linh
Tiền phong
|