Làm sao để thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt chuẩn?
Theo PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia tài chính, để thị trường trái phiếu doanh nghiệp sớm đạt chuẩn, việc ban hành quy định thế nào để phù hợp với quy định chung là điều rất quan trọng.
Nhiều quy định được sửa đổi
Ngày 11/7, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã ký ban hành Nghị quyết 86/NQ-CP của Chính phủ về phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, huy động nguồn lực phát triển kinh tế-xã hội. Trong đó, tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, giám sát quá trình phát hành, phân phối, lưu ký, đầu tư, mua bán trái phiếu doanh nghiệp (TPDN). Đặc biệt, chấn chỉnh việc sử dụng vốn sau phát hành TPDN của doanh nghiệp phát hành, đảm bảo minh bạch, đúng mục đích, tuân thủ đúng các quy định pháp luật, qua đó bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, thúc đẩy huy động vốn trung và dài hạn.
Thị trường TPDN vẫn được xem là là kênh dẫn vốn quan trọng cho nền kinh tế, giúp giảm dần áp lực cung ứng vốn từ tín dụng ngân hàng (ảnh minh họa, từ internet)
|
Khẩn trương hoàn thiện và phát triển nền tảng cơ sở hạ tầng hiện đại để thúc đẩy thị trường trái phiếu lành mạnh bền vững, tổ chức thị trường giao dịch trái phiếu riêng lẻ, nâng cao chất lượng công bố thông tin, chất lượng báo cáo tài chính đối với các công ty phát hành. Tách bạch rõ giữa trái phiếu phát hành ra công chúng và phát hành riêng lẻ.
Có thể thấy, thị trường TPDN vẫn được xem là kênh dẫn vốn quan trọng cho nền kinh tế, giúp giảm dần áp lực cung ứng vốn từ tín dụng ngân hàng hay hình thức huy động vốn từ thị trường chứng khoán. Sau những sự cố trên thị trường vừa qua, các cơ quan chức năng đã có nhiều động thái điều chỉnh thị trường bao gồm Thông tư 16 và dự thảo sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP, mục tiêu tập trung vào việc bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư và củng cố các quy tắc trong việc phát hành trái phiếu, hướng tới thị trường phát triển bền vững.
Ông Nguyễn Minh Tuấn - CEO AFA Capital đánh giá, nếu chia thị trường trái phiếu doanh nghiệp thành ba nhóm gồm bất động sản, ngân hàng và tất cả những ngành khác, thì bất động sản chiếm tỷ lệ 40%, ngân hàng chiếm 40% và toàn bộ các ngành khác là 20%. Một tỷ lệ rất đáng quan tâm nữa là TPDN phát hành riêng lẻ trên toàn thị trường chiếm 93,3%. Điều này cho thấy, gần 100% thị trường từ trước đến nay phát hành riêng lẻ, trong khi hình thức này chỉ dành cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp và nhóm 100 nhà đầu tư.
Tuy nhiên, sau sự kiện Tân Hoàng Minh xảy ra, có ba điểm nhấn quan trọng trên thị trường TPDN đáng quan tâm đó là, khối lượng phát hành trái phiếu giảm; giá trị trái phiếu bất động sản giảm mạnh từ tháng 4/2022; và khối lượng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ giảm trong khi TPDN công chúng tăng.
Vậy khi thị trường đột ngột không phát hành nữa sẽ dẫn đến hậu quả như thế nào, đặc biệt trong 6 tháng cuối năm 2022? Trả lời cho câu hỏi này, ông Tuấn lưu ý, vấn đề pháp lý sẽ có xu hướng thắt chặt với dự thảo thay đổi Nghị định 153 theo hai hướng: quy định đối với tổ chức phát hành và quy định với nhà đầu tư. Kết hợp cùng bối cảnh lãi suất có thể tăng, cộng thêm rủi ro đáo hạn, nhất là với nhóm bất động sản.
Về hướng của dự thảo sửa đổi sẽ tập trung vào một số điểm chính yếu như: Thứ nhất, nguyên tắc phát hành và sử dụng vốn trái phiếu là sẽ không phát hành để góp vốn mua cổ phần, mua trái phiếu của doanh nghiệp khác, hoặc cho doanh nghiệp khác vay vốn. Như vậy, mục đích phát hành trái phiếu phải hết sức rõ ràng trong dự án kinh doanh.
Thứ hai, việc xếp hạng tín nhiệm đối với doanh nghiệp phát hành trở thành bắt buộc trong một số trường hợp như phát hành cho nhà đầu tư chuyên nghiệp là cá nhân, phát hành trái phiếu không có tài sản đảm bảo, không có bảo lãnh thanh toán và kết quả kinh doanh năm liền trước năm phát hành lỗ, hoặc lỗ lũy kế tính đến năm phát hành.
Thứ ba, trách nhiệm của doanh nghiệp phát hành là phải cam kết mua lại trái phiếu trước hạn khi thay đổi mục đích sử dụng vốn và vi phạm pháp luật về phát hành trái phiếu doanh nghiệp, vi phạm phương án phát hành trái phiếu.
Riêng điểm này, ông Phan Lê Thành Long, chuyên gia tài chính đánh giá, điều này là không dễ vì tiền không thể phân ra “đồng nào mua mắm đồng nào mua tương”. Ví dụ, một doanh nghiệp phát hành hai trái phiếu cho hai dự án, nhưng khi tiền cùng vào tài khoản thì trở thành tiền chung của doanh nghiệp. Song có thể hiểu, đây là cơ sở pháp lý để xử lý việc yêu cầu mua lại trái phiếu trước hạn khi có sự vụ xảy ra. “Nhìn tổng quan, câu chuyện môi trường pháp lý sẽ được thắt chặt ở cả bên mua - bên bán trong bối cảnh lãi suất có xu hướng tăng, thì việc phát hành trái phiếu sẽ khó hơn do phải có một mức lợi tức cao hơn để thu hút nhà đầu tư”.
Xây dựng cơ chế phù hợp
Vị CEO AFA Capital phân tích thêm, nhìn lại năm 2020-2021, lãi suất huy động tại ngân hàng ở khoảng 4,5-5%/năm, thì lãi suất TPDN khoảng 10%, riêng các doanh nghiệp bất động sản là 12% với phần bù rủi ro từ 5-7%. Đến nay, nếu lãi suất huy động ở quanh mức 7%, thì lãi suất TPDN sẽ khoảng 15%. Để thấy rằng, trong môi trường chung về vĩ mô như vậy, sẽ rất khó để huy động một lượng tiền lớn vào thị trường tài chính từ đám đông.
Để thị trường phát triển lành mạnh, có hiệu quả thực sự, chúng ta cần tạo ra nhiều sản phẩm hơn nữa, từ đó thu hút các nhà đầu tư cá nhân tham gia. Ảnh: TTO
|
“Còn một điểm rất quan trọng nữa đó là trái phiếu đến hạn, có nguy cơ gây ra rủi ro hệ thống ở mức cao, khi toàn bộ khả năng tái cơ cấu sẽ gặp khó trong bối cảnh phát hành mới bị kiểm soát chặt chẽ hơn, giá cao hơn, mà những khoản nợ đến hạn lại chủ yếu rơi vào 3 năm 2022, 2023 và 2024. Riêng nhóm bất động sản năm 2022 có tỷ lệ 47% giá trị TPDN đến hạn, năm 2023 tỷ lệ này là 53% và năm 2024 là 41%. Trong vòng ba năm tới, rất nhiều các doanh nghiệp sẽ phải lo vốn để trả lại những gì đã vay, trong khi bất động sản đang gặp nhiều vấn đề căng thẳng”, ông Tuấn cho biết.
Về giải pháp hỗ trợ thị trường TPDN sớm đạt chuẩn, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia tài chính cho rằng, việc ban hành quy định thế nào để phù hợp với quy định chung là điều rất quan trọng. Trong đó, cần phải chú trọng phát triển thị trường OTC, quy định điều kiện bán chứng khoán lần đầu và quy định về mua đi bán lại của các doanh nghiệp niêm yết. Đây là những điều cần thiết nhằm tạo ra dòng chảy vốn tốt hơn. Chính việc mua đi bán lại sẽ tạo thuận lợi cho các thành phần tham gia cũng như cơ quan giám sát.
Đến nay, Nghị định 153 tiếp tục lần sửa thứ 5 nhưng vẫn còn có nhiều vấn đề. Ví dụ như: Thứ nhất, quy định công ty mẹ không được phát hành trái phiếu doanh nghiệp để sau đó tài trợ cho công ty con trong hoạt động. Điều này không hợp lý và cần phải xem xét vì nhiều công ty con mới thành lập, khả năng tài chính yếu, tín nhiệm thấp trên thị trường, thì công ty mẹ phát hành và chuyển vốn cho công ty con là hợp lý. Do đó, nên có những quy định rộng rãi hơn để các tập đoàn lớn có thể làm việc này một cách đơn giản.
Thứ hai, có quy định về xếp hạng tín nhiệm, đây là một khía cạnh cần phải nghiên cứu, xem xét đầy đủ, mặc dù xếp hạng tín nhiệm là rất cần thiết. Tại Việt Nam, vì rất nhiều nhà đầu tư có nhận thức chưa đầy đủ và thiếu hiểu biết về thị trường, nên cần thiết phải có một bên thứ ba đứng ra, giúp các nhà đầu tư phân tích được tình hình tài chính doanh nghiệp, phân tích được rủi ro và lợi nhuận.
Thứ ba, về mục đích phát hành, cũng như yêu cầu giám sát là một trong những vấn đề cần có cơ chế hợp lý hơn.
Cuối cùng, để thị trường phát triển lành mạnh, có hiệu quả thực sự, chúng ta cần tạo ra nhiều sản phẩm hơn nữa, từ đó thu hút các nhà đầu tư cá nhân tham gia trên cơ sở đa dạng hóa và giảm thiểu rủi ro. Thị trường TPDN chỉ thực sự trở thành kênh dẫn vốn trực tiếp nếu có sự tham gia của các nhà đầu tư cá nhân. Bên cạnh các quy định về công khai, minh bạch thông tin, cũng như các quy định về an toàn tài chính, thì việc phát triển của các sản phẩm tài chính có mức lãi suất hấp dẫn, đồng thời mức độ rủi ro hợp lý là rất cần thiết.
Diễm Ngọc
Diễn Đàn Doanh Nghiệp
|