Chu kỳ thắt chặt tiền tệ toàn cầu 'khởi động'
Theo một phân tích của tờ Financial Times, các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới đang đảo ngược lập trường chính sách tiền tệ nới lỏng trước đó với làn sóng thắt chặt chính sách rộng rãi nhất trong hơn 20 năm qua nhằm kiềm chế lạm phát đang tăng với tốc độ chưa từng có trong nhiều thập kỷ.
Nhân viên ngân hàng kiểm đồng đôla Mỹ tại Ngân hàng KEB Hana ở Seoul, Hàn Quốc ngày 20/3/2020. Ảnh: YONHAP/TTXVN
|
Làn sóng thắt chặt trở lại
Phân tích của Financial Times từ số liệu của các ngân hàng trung ương cho thấy các nhà hoạch định chính sách trên toàn thế giới đã công bố hơn 60 đợt nâng lãi suất chỉ trong ba tháng qua, con số lớn nhất kể từ ít nhất là đầu năm 2000. Số liệu này cho thấy sự đảo ngược nhanh chóng và rộng rãi về mặt địa lý khỏi lập trường chính sách tiền tệ nới lỏng đã được áp dụng kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và được thúc đẩy hơn nữa trong thời kỳ đại dịch COVID-19. Lãi suất đã dao động gần các mức thấp nhất từ trước đến nay ở hầu hết các nền kinh tế phát triển trong suốt 10 năm qua, và ở một số nơi lãi suất thậm chí còn ở vùng âm.
Sự thay đổi chính sách đột ngột này diễn ra trong bối cảnh lạm phát đã chạm mức cao nhất trong hàng chục năm qua ở nhiều nước, do giá lương thực và năng lượng tăng mạnh kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine hồi tháng Hai.
Tại cuộc họp vào ngày 15/6, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm - mức tăng mạnh nhất kể từ năm 1994 trong nỗ lực kiềm chế lạm phát phi mã. Với động thái chính sách mới nhất này, Fed đã nâng lãi suất thêm 1,5 điểm phần trăm tính từ đầu năm đến nay và đưa lãi suất chuẩn lên khoảng 1,5-1,75%. Thêm vào đó, Fed đã báo hiệu sẽ còn nhiều đợt tăng lãi suất mạnh không kém từ nay tới cuối năm.
Tuy nhiên, có quan ngại rằng động thái tăng lãi suất quá nhanh và mạnh của Fed có thể sẽ đẩy nền kinh tế lớn nhất thế giới vào suy thoái.
Trong khi đó, Ngân hàng trung ương Anh (BoE) đã nâng lãi suất năm lần kể từ tháng 12 năm ngoái, lên 1,25%, mức lãi suất chủ chốt cao nhất kể từ tháng 1/2009, trong bối cảnh dự báo lạm phát tại Vương quốc Anh có thể lên đến 11% trong năm nay. Thị trường đang dự đoán lãi suất của BoE sẽ ở mức trên 2% vào cuối năm nay, nhưng triển vọng kinh tế ngày càng yếu của Anh đang khiến các nhà hoạch định chính sách của nước này thận trọng hơn.
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng cho biết họ sẽ nâng lãi suất vào tháng Bảy, lần tăng đầu tiên kể từ năm 2011 với mức tăng 0,25 điểm phần trăm, và sẽ tiến hành đợt tương tự vào tháng Chín với quy mô phụ thuộc vào triển vọng lạm phát trong trung hạn. Hiện thị trường đặt cược vào khả năng ECB sẽ tăng lãi suất thêm 143 điểm cơ bản đến cuối năm nay, có nghĩa là lãi suất đang ở mức -0,5% của ECB sẽ sớm ra khỏi vùng âm.
Ngân hàng trung ương nhiều nước khác như Thụy Sỹ, Na Uy, Philippines và Mexico gần đây đều đã nâng lãi suất, đồng thời dự báo quá trình thắt chặt chính sách tiền tệ vẫn sẽ chưa dừng lại.
Mặc dù vậy, lãi suất ở nhiều nước hiện vẫn đang thấp so với các mức tiêu chuẩn trong lịch sử, và nhiều chuyên gia kinh tế cảnh báo các đợt nâng lãi suất gần đây chỉ là khởi đầu cho một chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ trên toàn cầu.
Bà Jennifer McKeown, chuyên gia cấp cao của công ty nghiên cứu Capital Economics, dự đoán trong số 20 ngân hàng trung ương lớn trên thế giới, 16 ngân hàng có thể sẽ nâng lãi suất trong sáu tháng tới. Quá trình thắt chặt chính sách được dự đoán sẽ diễn ra nhanh nhất tại Mỹ và Anh. Các thị trường hiện dự báo lãi suất chính sách tại Khu vực sử dụng đồng tiền chung euro (Eurozone), Canada, Australia và New Zealand sẽ tăng ít nhất 100 điểm cơ bản tính đến cuối năm nay hoặc đầu năm sau.
Linh hoạt trong chính sách
Bất chấp việc nhiều ngân hàng trung ương lớn khác trên thế giới đang thắt chặt tiền tệ để đối phó với lạm phát, Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) ngày 17/6 đã quyết định giữ nguyên chính sách tiền tệ siêu lỏng bằng việc duy trì lãi suất ngắn hạn ở mức âm 0,1% và tiếp tục chương trình mua vào tài sản để duy trì lãi suất trái phiếu chính phủ của Nhật Bản (JGB) kỳ hạn 10 năm ở mức khoảng 0%.
Theo giới phân tích, nguyên nhân chủ yếu khiến BoJ đi ngược xu hướng thắt chặt tiền tệ trên thế giới là do ngân hàng trung ương này muốn hỗ trợ đà phục hồi vẫn còn mong manh của nền kinh tế Nhật Bản.
So với các nền kinh tế chủ chốt khác trong khu vực, đà phục hồi sau đại dịch của nền kinh tế Nhật Bản khá chậm và không bền vững. Trong năm quý gần nhất, có tới ba quý nền kinh tế này tăng trưởng âm. Trong phiên họp thường kỳ tháng Tư, BoJ đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản trong năm nay từ 3,8% xuống còn 2,9%.
Một lý do khác khiến BoJ giữ nguyên lãi suất cơ bản là vì lo ngại lạm phát ở Nhật Bản có thể sẽ giảm trở lại nếu họ thắt chặt tiền tệ. Kể từ tháng Mười năm ngoái, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cơ bản đã liên tục tăng nhưng trước khi đạt mức 2,1% trong tháng 4/2022, mức tăng cao nhất của CPI chỉ là 0,8%. Tính chung cả tài khóa 2021 (kết thúc vào tháng 3/2022), CPI cơ bản chỉ tăng 0,1%. Vì vậy, BoJ muốn giữ nguyên chính sách tiền tệ siêu lỏng để đảm bảo lạm phát tăng ổn định ở mức 2%, qua đó đưa Nhật Bản thoát khỏi tình trạng thiểu phát, vốn đã ám ảnh nước này trong nhiều thập kỷ qua.
Phát biểu tại một sự kiện mới đây ở Tokyo, Thống đốc BoJ Haruhiko Kuroda khẳng định thắt chặt tiền tệ không phải là giải pháp “phù hợp” đối với BoJ trong bối cảnh nền kinh tế nước này vẫn đang trong quá trình hồi phục từ dịch COVID-19 và việc giá cả hàng hóa leo thang đang làm tăng áp lực suy thoái.
Bên cạnh Nhật Bản, một nền kinh tế lớn khác cũng đi ngược xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ trên toàn cầu là Trung Quốc. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC tức ngân hàng trung ương) ngày 20/5 cho biết lãi suất cho vay trên thị trường (LPR) kỳ hạn 5 năm, mà nhiều ngân hàng lấy làm cơ sở cho lãi suất thế chấp của mình, đã giảm từ 4,6% xuống 4,45%. LPR kỳ hạn một năm không thay đổi ở mức 3,7%.
Quyết định trên được đưa ra nhằm “hỗ trợ” những người mua nhà và các nhà phát triển bất động sản đang mắc nợ trong bối cảnh nền kinh tế nước này đang tăng trưởng chậm lại do các biện pháp hạn chế được triển khai nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 hoành hành ở các thành phố lớn.
Ngoài ra, sau khi nâng lãi suất mạnh trong năm ngoái và khi bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Ngân hàng trung ương Nga (BoR) đã cắt giảm lãi suất ba lần trong những tháng gần đây, khi nền kinh tế nước này phục hồi nhanh hơn dự kiến, sau khi phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt liên quan đến tình hình tại Ukraine. Trong lần gần đây nhất, BoR đã hạ lãi suất từ 11% xuống 9,5%, khi lạm phát tăng chậm lại và mức độ sụt giảm các hoạt động kinh tế trong tháng Tư không mạnh như dự kiến.
BoR cho biết sẽ cân nhắc việc có tiếp tục cắt giảm lãi suất trong năm nay hay không, khi lạm phát đã giảm từ mức cao nhất trong gần 20 năm và nền kinh tế đứng trước nguy cơ suy giảm.
Khánh Ly
TTXVN
|