Thứ Ba, 28/06/2022 20:18

Các ngân hàng trung ương châu Á chi hàng tỷ USD bảo vệ tỷ giá đồng nội tệ

“Họ biết rằng họ không thể bảo vệ được đồng tiền của mình khỏi suy yếu so với USD, nhưng họ có thể làm cho sự sụt giảm đó trở nên mượt mà hơn”...

Sau nhiều năm xây dựng dự trữ ngoại hối, các ngân hàng trung ương ở châu Á đang phải rút dự trữ để hỗ trợ tỷ giá cho đồng nội tệ trước một đồng USD ngày càng mạnh lên do chính sách tiền tệ thắt chặt quyết liệt của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Theo hãng tin Bloomberg, dữ liệu công bố vào tuần trước cho thấy dự trữ ngoại hối của Thái Lan giảm còn 221,4 tỷ USD vào thời điểm ngày 17/6, mức thấp nhất trong hơn 2 năm. Số liệu hàng tháng cũng cho thấy dự trữ của Indonesia giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 11/2020. Dự trữ của Hàn Quốc và Ấn Độ chạm đáy của hơn 1 năm, trong khi dự trữ của Malaysia giảm mạnh nhất kể từ năm 2015.

“Một số nước phải dùng dự trữ ngoại hối để ổn định tỷ giá khi đồng nội tệ biến động mạnh”, nhà quản lý danh mục Rajeev De Mello thuộc GAMA Asset Management nhận định. “Họ biết rằng họ không thể bảo vệ được đồng tiền của mình khỏi suy yếu so với USD, nhưng họ có thể làm cho sự sụt giảm đó trở nên mượt mà hơn”.

Mức tăng/giảm dự trữ ngoại hối so với thời điểm ngày 30/6/2017 của một số nền kinh tế mới nổi ở châu Á tính đến ngày 17/6/2022. Đơn vị: %.

Với bài học từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997, các ngân hàng trung ương đã tích luỹ USD nhằm mục đích bảo vệ đồng nội tệ trong những giai đoạn thị trường biến động mạnh.

Năm nay, khi sự cứng rắn của Fed đã đưa tỷ giá đồng USD tăng bùng nổ, các ngân hàng trung ương đã đảo ngược việc gom USD của những năm trước đó. Thái Lan và Indonesia là hai trong số những nước đã cam kết triển khai các biện pháp nhằm giảm bớt sự biến động tỷ giá. Ngân hàng Trung ương Philippines (BKP) cho biết sẽ để thị trường quyết định tỷ giá của đồng Peso so với USD nhưng sẽ can thiệp để giảm bớt sự biến động.

Tuy nhiên, đồng tiền của các nền kinh tế mới nổi ở châu Á khó có thể sớm ổn định. Tỷ giá của các đồng tiền này sẽ tiếp tục đương đầu với áp lực giảm mạnh khi cán cân tài chính của các nước này xấu đi và tâm lý thận trọng với rủi ro gia tăng trong bối cảnh Fed liên tục thắt chặt chính sách tiền tệ - theo nhận định của ngân hàng Goldman Sachs. Fed đã phát tín hiệu có thêm một đợt nâng lãi suất mạnh tay vào tháng 7, và các nhà giao dịch đang đặt cược vào sự trở lại của bước nhảy 0,75 điểm phần trăm. Đây là bước nhảy lãi suất mạnh nhất kể từ năm 1994 mà Fed đã áp dụng trong cuộc họp tháng 6.

Ở thời điểm hiện tại, tỷ giá của nhiều đồng tiền trong khu vực đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm. Đồng Peso Philippines ngày 27/6 giảm xuống mức đáy kể từ năm 2005, trong khi đồng Rupee của Ấn Độ rớt xuống mức thấp kỷ lục vào tuần trước.

“Các ngân hàng trung ương ở châu Á thường có xu hướng ‘dựa vào gió’, tức là dùng dự trữ ngoại hối để can thiệp nhằm giảm bớt sự biến động của tỷ giá hối đoái”, nhà nghiên cứu kinh tế châu Á Frederic Neumann của HSBC Holdings nhận định. “Nhưng để xu hướng mất giá của các đồng tiền trong khu vực đảo ngược, sẽ cần thêm nhiều yếu tố, đặc biệt là một sự suy yếu trên diện rộng của đồng USD. Điều này chỉ có thể bắt đầu khi giới đầu tư nhìn thấy rõ sự kết thúc chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ của Fed”.

Đến nay, ngân hàng trung ương các nền kinh tế mới nổi ở khu vực châu Á vẫn kiềm chế “chạy đua” lãi suất với Fed vì lo ngại việc nâng lãi suất có thể gây tổn hại đến tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh các điều kiện kinh tế toàn cầu xấu đi. Ngoài ra, lạm phát tại các nền kinh tế này nhìn chung vẫn trong tầm kiểm soát.

Tuần trước, Ngân hàng Trung ương Indonesia giữ nguyên lãi suất ở mức 3,5%, không nằm ngoài dự báo của giới phân tích. Đầu tháng này, Ngân hàng Trung ương Thái Lan cũng duy trì lãi suất ở mức thấp kỷ lục 0,5%. Giới phân tích dự báo Ngân hàng Trung ương Malaysia phải đến tháng 9 năm nay hoặc thậm chí muộn hơn mới nâng lãi suất.

Bình Minh

VnEconomy

Các tin tức khác

>   Quốc gia đầu tiên trên thế giới tăng lãi suất lên 200% (28/06/2022)

>   Hàng nghìn người Trung Quốc có thể mất trắng tiền gửi ngân hàng (28/06/2022)

>   Vàng thế giới giảm nhẹ dù đồng USD suy yếu (28/06/2022)

>   Dầu tăng chờ tin từ cuộc họp G7 (28/06/2022)

>   Nga tuyên bố vẫn thực hiện trách nhiệm trả nợ theo quy định (27/06/2022)

>   Việc Nga vỡ nợ nước ngoài sẽ có tác động như thế nào? (27/06/2022)

>   Nga thanh toán lợi suất trái phiếu Eurobond bằng đồng ruble (25/06/2022)

>   Vàng thế giới khởi sắc khi đồng USD giảm và lo ngại suy thoái (25/06/2022)

>   Dầu tăng hơn 3 USD nhưng vẫn ghi nhận 2 tuần giảm liên tiếp (25/06/2022)

>   Elon Musk sợ Tesla phá sản (24/06/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật