Thứ Hai, 27/06/2022 13:27

Việc Nga vỡ nợ nước ngoài sẽ có tác động như thế nào?

Việc Nga lần đầu tiên vỡ nợ nước ngoài trong hơn một thế kỷ được cho là sẽ không có ảnh hưởng lớn tới thị trường tài chính toàn cầu.

Thời kỳ ân hạn cho khoản thanh toán lãi suất trái phiếu, vốn đến hạn vào ngày 27/5, đã kết thúc vào hôm 26/6. Do không thể trả tiền vào mốc thời gian này, Nga đã rơi vào tình trạng vỡ nợ về mặt kỹ thuật. Tuy nhiên, theo AP, có thể mất thời gian để xác nhận tình trạng vỡ nợ.

Tháng trước, Bộ Tài chính Mỹ đã chấm dứt khả năng Moscow trả các khoản nợ hàng tỷ USD cho các nhà đầu tư quốc tế thông qua ngân hàng của Washington. Đáp lại, Bộ Tài chính Nga cho biết họ sẽ trả các khoản nợ bằng đồng ruble.

Nga đã chỉ trích phương Tây đẩy nước này vào tình trạng “vỡ nợ nhân tạo” vì họ có tiền để trả nợ, nhưng các lệnh trừng phạt đã đóng băng dự trữ ngoại tệ của nước này ở nước ngoài.

Tim Ash, nhà phân tích cấp cao tại BlueBay Asset Management (Anh), cho biết việc vỡ nợ “rõ ràng là không nằm ngoài tầm kiểm soát của Nga” và các lệnh trừng phạt đang ngăn nước này trả nợ.

Nga lần đầu vỡ nợ ảnh 1

Nga chưa từng vỡ nợ nước ngoài kể từ sau cuộc cách mạng năm 1917. Ảnh: Reuters.

Nga nợ bao nhiêu?

Nga nợ khoảng 40 tỷ USD có liên quan trái phiếu nước ngoài. Trước khi bắt đầu “chiến dịch quân sự”, Nga có khoảng 640 tỷ USD dự trữ ngoại tệ và vàng, phần lớn được giữ ở nước ngoài và hiện bị đóng băng.

Nga chưa từng vỡ nợ nước ngoài kể từ sau cuộc cách mạng Bolshevik vào năm 1917. Nga từng vỡ nợ trong nước vào cuối những năm 1990, nhưng có thể phục hồi sau đó với sự trợ giúp của viện trợ quốc tế.

Các nhà đầu tư đã dự tính về việc Nga sẽ vỡ nợ trong nhiều tháng. Các hợp đồng bảo hiểm những khoản nợ của Nga đã đánh giá 80% khả năng vỡ nợ trong nhiều tuần.

Nhà đầu tư có thể làm gì?

Cách chính thức để tuyên bố vỡ nợ là nếu 25% trái chủ trở lên nói rằng họ không nhận được tiền của mình. Một khi điều đó xảy ra, tất cả trái phiếu nước ngoài khác của Nga cũng được cho là bị vỡ nợ, và các trái chủ sau đó có thể yêu cầu tòa án phán quyết để thực thi việc thanh toán.

Trong trường hợp thông thường, các nhà đầu tư và chính phủ vỡ nợ sẽ thương lượng, trong đó trái chủ được trao trái phiếu mới có giá trị thấp hơn. Tuy nhiên, điều đó ít nhất giúp họ được bồi thường một phần.

Tuy nhiên, các lệnh trừng phạt đã ngăn cản việc giao dịch với Bộ Tài chính Nga, và không ai biết khi nào xung đột ở Ukraine kết thúc hay những trái phiếu bị vỡ nợ có thể có giá trị bao nhiêu.

Trong trường hợp này, tuyên bố vỡ nợ và khởi kiện “có thể không phải là lựa chọn khôn ngoan nhất”, Jay S. Auslander, một luật sư hàng đầu tại công ty Wilk Auslander ở New York, nói. Không thể đàm phán với Nga và có quá nhiều điều chưa biết, vì vậy các chủ nợ có thể quyết định chờ đợi.

Khi một quốc gia vỡ nợ, đất nước đó có thể bị cắt khỏi việc vay nợ trên thị trường trái phiếu cho đến khi khoản vỡ nợ được giải quyết, và các nhà đầu tư lấy lại niềm tin vào khả năng và sự sẵn sàng chi trả của chính phủ. Tuy nhiên, Nga đã bị cắt đứt khỏi các thị trường vốn phương Tây, do đó, việc vay vốn trở lại dù sao cũng là một chặng đường dài.

Điện Kremlin vẫn có thể vay bằng đồng ruble trong nước, nơi chủ yếu dựa vào các ngân hàng Nga để mua trái phiếu.

Tác động của việc Nga vỡ nợ là gì?

Các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với “chiến dịch quân sự” tại Ukraine đã khiến các công ty nước ngoài rút khỏi Nga, cũng như làm gián đoạn mối quan hệ thương mại - tài chính của nước này với phần còn lại của thế giới. Vỡ nợ sẽ là một dấu hiệu của sự gián đoạn đó.

Các nhà phân tích đầu tư đang thận trọng tính toán rằng việc Nga vỡ nợ sẽ không có tác động đến thị trường tài chính và các tổ chức toàn cầu như vụ trước đó vào năm 1998.

Lúc bấy giờ, việc Nga vỡ nợ trái phiếu bằng đồng ruble trong nước đã khiến Washington phải vào cuộc và khuyến khích các ngân hàng bảo lãnh cho một quỹ phòng hộ lớn của Mỹ. Theo họ, sự sụp đổ của quỹ này có thể có thể làm rung chuyển hệ thống tài chính và ngân hàng rộng lớn hơn.

Người nắm giữ trái phiếu, chẳng hạn đầu tư vào thị trường trái phiếu mới nổi - có thể bị thua lỗ nghiêm trọng. Tuy nhiên, Nga chỉ đóng một vai trò nhỏ trong chỉ số trái phiếu thị trường mới nổi, từ đó hạn chế thiệt hại cho những nhà đầu tư.

Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế Kristalina Georgieva cho biết trong khi xung đột tại Ukraine đang khiến giá lương thực và năng lượng tăng trên toàn thế giới, việc vỡ nợ đối với trái phiếu chính phủ sẽ “chắc chắn không liên quan về mặt hệ thống”.

Vân Đinh

ZING

Các tin tức khác

>   Nga thanh toán lợi suất trái phiếu Eurobond bằng đồng ruble (25/06/2022)

>   Vàng thế giới khởi sắc khi đồng USD giảm và lo ngại suy thoái (25/06/2022)

>   Dầu tăng hơn 3 USD nhưng vẫn ghi nhận 2 tuần giảm liên tiếp (25/06/2022)

>   Elon Musk sợ Tesla phá sản (24/06/2022)

>   Na Uy thực hiện đợt nâng lãi suất mạnh nhất trong 20 năm (24/06/2022)

>   Vàng thế giới giảm khi đồng USD tăng (24/06/2022)

>   Dầu tiếp tục giảm do lo ngại Fed nâng lãi suất sẽ làm giảm nhu cầu (24/06/2022)

>   Bán mạnh chứng khoán, giới đầu tư chuyển sang tích trữ USD (23/06/2022)

>   Vàng thế giới khởi sắc do lo ngại suy thoái (23/06/2022)

>   Dầu WTI  giảm 3% do lo ngại kinh tế Mỹ suy thoái (23/06/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật