Thứ Bảy, 04/06/2022 10:26

Sống một mình giữa bão giá: 'Lâu rồi mới trải qua cảm giác cạn tiền'

Huyền Như (25 tuổi, Hà Nội) lựa chọn thuê nhà sống một mình vì thích riêng tư. Song khi giá cả leo thang, cô thừa nhận sẽ tiết kiệm được nhiều và bớt áp lực hơn nếu có bạn ở chung.

người trẻ chi tiêu thời bão giá ảnh 1

Chuyển vào TP.HCM lập nghiệp được 2 năm rưỡi, phần lớn thời gian Ngọc Huyền (25 tuổi, nhân viên ngành Truyền thông) sống một mình vì muốn có không gian riêng, hợp với tính cách không thích chung đụng nhiều người.

Ở độ tuổi hiện tại, Huyền đánh giá mức lương của cô dần ổn định, đủ chi trả sinh hoạt phí thông thường và để dành được một khoản nhỏ tiết kiệm hoặc đầu tư mỗi tháng nếu chịu khó “co kéo” chi trả.

Tuy nhiên, trong 2 tháng qua, Huyền tốn một khoản khá lớn cho việc sửa nhà. “Trước kia, mình để dành được một khoản kha khá song đến nay gần như còn rất ít. Lâu rồi mới trải qua cảm giác cạn tiền, mình không tránh khỏi thấy stress, lo lắng”, cô cho biết.

Cộng với giá cả leo thang, bài toán chi tiêu cũng vì thế mà phải tính toán lại. Huyền cho biết trước kia, cô có thể tiêu xông xênh vài khoản, đôi khi lạm chi. Nhưng giờ, việc vạch rõ một ngày chỉ được tiêu chừng này, khoản này không được vượt quá giới hạn đặt ra trở nên cần thiết.

Câu chuyện của Huyền cũng là tình trạng chung của nhiều người trẻ sống một mình ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM trong lúc mọi chi phí đều đi lên.

Giải lại bài toán chi tiêu

Huyền tính toán chi tiêu hàng tháng theo tỷ lệ 50-30-20 trên tổng thu nhập, với phần lớn nhất dành cho các khoản cố định, 30% dành để phục vụ nhu cầu cá nhân và số còn lại để cho hiếu hỷ, sinh nhật bạn bè.

“Sống một mình đồng nghĩa với mọi chi tiêu từ lớn đến nhỏ nhất đều phải tự chịu trách nhiệm, ví dụ như tiền mua nước rửa bát, nước lau nhà, giấy vệ sinh đều phải tự bỏ ra, khác hẳn so với lúc có sẵn khi còn ở với gia đình”, Huyền nhận xét.

người trẻ chi tiêu thời bão giá ảnh 2

Dù cắt giảm chi tiêu, nhiều người vẫn phải mua những mặt hàng không thể thiếu như nước rửa bát, bột giặt, giấy vệ sinh... Ảnh: Việt Linh.

Trước giờ, Huyền quản lý phần tiền điện, nước khá ổn. Nhưng tiền ăn khó cắt giảm thêm. Nguyên nhân là cô có xu hướng đầu tư ăn uống ngon hơn khi sống một mình vì quan trọng chuyện chăm sóc bản thân và đảm bảo sức khỏe.

Vào cuối tháng, cô chọn bớt đi ăn hàng, hạn chế gọi đồ ăn trên ứng dụng, tự chạy xe thay vì gọi xe ôm công nghệ, mua cà phê về tự pha.

Ngoài ra, lý do khác khiến Huyền chủ trương tiết kiệm hơn là bởi muốn dành tiền cho các khóa học ngắn hạn nâng cao chuyên môn, điều cô cho là thiết yếu nếu muốn làm việc tốt hơn.

Theo Huyền, vật giá leo thang hiện vẫn ở trong mức bản thân tự xoay xở được. Công ty xa nhà 16 km nhưng cô được phép làm việc từ xa, chỉ cần đến văn phòng 2 buổi/tuần. Hàng tháng, cô cố dành ra 1-2 triệu đồng "đút lợn".

“Thay vì dè xẻn, thắt lưng buộc bụng quá mức, mình thiên về tìm cách có thêm thu nhập hơn như nhận job bên ngoài. Điều mình quan trọng hiện tại là duy trì sự thoải mái về tinh thần, tránh quá áp lực chuyện tiền nong dẫn đến ảnh hưởng những thứ khác”, Huyền cho biết.

Có tính cách hướng nội, Huyền Như (25 tuổi, quận Cầu Giấy) chọn thuê trọ ở một mình trong một năm qua vì sự riêng tư giúp cô tập trung vào công việc. Đổi lại là mọi chi phí chỉ có mình cô cáng đáng.

người trẻ chi tiêu thời bão giá ảnh 3

Huyền Như cắt giảm một số chi tiêu không cần thiết và đặt mục tiêu tiết kiệm mỗi tháng. Ảnh: NVCC.

Theo Như, cô hiện chưa phải nuôi thêm ai, gia đình không yêu cầu gửi tiền về nên vẫn có thể tự chủ mọi khoản. Nhưng cô thừa nhận nếu ở chung với người khác sẽ tiết kiệm được hơn rất nhiều, từ tiền nhà đến tiền ăn uống vì có thêm người san sẻ cùng.

Giữa lúc bão giá, từ ăn hàng 7/7 ngày, cô chuyển sang tự nấu nướng.

"Mình thường mua thực phẩm theo tuần và chia ra thành từng bữa. Việc này giúp tiết kiệm và buộc mình có động lực vào bếp hơn. Ngoài ra, mình sẽ cố gắng đi chợ vào sáng sớm, lựa được đồ tươi mà giá rẻ hơn giá siêu thị", Như cho biết.

Với nhu cầu cá nhân như đồ make up, dưỡng da, Như chọn tiết chế, không mua các món không cần thiết. Với những đồ bắt buộc phải có như sữa rửa mặt, kem chống nắng, cô chịu khó chờ đến ngày săn sale.

"Mức giảm giá không nhiều nhưng bớt được đồng nào cũng tốt. Giống như giá xăng, mỗi lần tăng chỉ vài trăm đồng nhưng nếu so sánh với thời điểm nửa năm trước, số tiền phải bỏ ra đã là một sự khác biệt lớn", cô cho hay.

người trẻ chi tiêu thời bão giá ảnh 4

Chuyển từ ăn uống ngoài hàng sang tự nấu nướng là cách phổ biến người trẻ lựa chọn để tiết kiệm chi tiêu.

"Mình luôn đặt mục tiêu phải tiết kiệm được mỗi tháng, dù ít hay nhiều", cô bày tỏ.

Theo Như, việc tránh tiêu đến những đồng cuối cùng giúp bản thân cảm thấy yên tâm, không rơi vào cảnh bị động và phải vay mượn tạm người khác, nhất là khi số đông đều đang đau đầu vì sinh hoạt phí. Mặt khác, cô đang cân nhắc đến chuyện tìm thêm người ở cùng nếu giá cả vẫn chưa có dấu hiệu chững lại.

Tìm cách kiếm thêm thu nhập

Làm công việc giao hàng nên điều đầu tiên Đăng Quang (sinh năm 1992, Hà Nội) cảm nhận được giá cả tăng cao, nhất là giá xăng, là việc đi lại ngày càng tốn kém.

Trước đây, anh chỉ cần đổ 80.000-90.000 đồng là đầy bình, nay con số đó tăng lên thành 120.000 đồng. Bên cạnh đó, Quang quan sát thấy một số nhu yếu phẩm thường ngày cũng tăng lên.

Giá xăng tăng trực tiếp khiến chi phí duy trì công việc shipper của Đăng Quang cũng cao thêm. Ảnh: NVCC.

“Mình sống một mình từ khi xuống Hà Nội học, đến nay cũng hơn 10 năm, một phần vì tính cách thích yên tĩnh, phần khác do muốn tránh xung đột không mong muốn trong sinh hoạt”, Quang chia sẻ.

Vì sống một mình, Quang thường ăn ngoài và hay lựa chọn các hàng quán bình dân.

Theo anh, giá cả những nơi này khá bình ổn nên chuyện ăn uống may mắn không bị đội lên.

Quang cũng không có thói quen tới quán bar, pub hay thú vui tốn kém.

“Nói chung, mình khá dễ sống nên mức thu nhập nào cũng cảm thấy không quá chật vật. Điều duy nhất mình lo là những khi ốm đau bệnh tật sẽ khó xoay xở”, Quang cho hay.

Vũ Thùy (sinh năm 1996, kiến trúc sư) cũng nhận định vật giá đang ngày một tăng, khiến không chỉ những người lao động trẻ, sống một mình như cô bị ảnh hưởng mà nhiều tầng lớp khác.

Ngoài công việc chính, Vũ Thùy kinh doanh để kiếm thêm thu nhập. Ảnh: NVCC.

Sống gần công ty, giá xăng tăng không quá ảnh hưởng đến việc đi lại nhưng Thùy bắt đầu phải chi thêm tiền cho việc ăn uống ở công ty và ăn ngoài.

“Giá các suất ăn ở công ty có tăng lên đôi chút, nếu mình muốn ăn thêm sẽ phải chi thêm tiền. Giá ship trên các ứng dụng giao đồ ăn cũng như vậy".

Đối với nữ kiến trúc sư, ngoài công việc chính, cô cố gắng kiếm thêm thu nhập từ một số nguồn khác để đáp ứng nhu cầu chi tiêu.

“Mình thấy giá cả cứ ngày một đi lên khiến cuộc sống ở thành phố lớn của nhiều bạn trẻ thêm chật vật.

Mình nghĩ những người không có mức thu nhập khá, ổn định sẽ cần quản lý tiền bạc hiệu quả, phải chắt bóp hơn một chút mới vượt qua được giai đoạn này”, Thùy bày tỏ.

Trà My - Ánh Hoàng

ZING

Các tin tức khác

>   Hậu Covid-19, các sàn TMĐT giữ chân người dùng ra sao? (03/06/2022)

>   Đại biểu Quốc hội đề xuất tạm hoãn tăng học phí trong năm học tới (02/06/2022)

>   Bộ trưởng Bộ GD&ĐT giải trình về tăng giá sách giáo khoa, học phí (02/06/2022)

>   Trung Quốc đối diện khủng hoảng thất nghiệp ở người trẻ (01/06/2022)

>   Nở rộ lừa đảo tuyển cộng tác viên cho sàn thương mại điện tử (31/05/2022)

>   Chẳng lẽ 'nhà giàu đứt tay đáng lo hơn ăn mày đổ ruột'? (30/05/2022)

>   Nhóm lao động nào đang nhận lương cao nhất? (30/05/2022)

>   Mới chỉ có khoảng 10,000 người trong tổng số gần 4 triệu lao động đã nhận hỗ trợ tiền thuê nhà (28/05/2022)

>   Mua sắm ở Mỹ thời lạm phát: Giàu đi Macy’s, nghèo vào Walmart (27/05/2022)

>   Chật vật co kéo chi phí theo giá xăng (26/05/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật