Thứ Sáu, 03/06/2022 09:42

Hậu Covid-19, các sàn TMĐT giữ chân người dùng ra sao?

Sang năm 2022, các sàn TMĐT đang phải tính cách đẩy mạnh hoạt động kinh doanh, thu hút thêm người dùng khi Covid-19 không còn là chất xúc tác.

Dưới tác động của Covid-19, hình thức mua hàng trực tuyến trên sàn thương mại điện tử (TMĐT) đã có cơ hội bứt phá mạnh mẽ. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tính riêng trong năm 2021, lĩnh vực TMĐT tại Việt Nam vẫn giữ mức tăng trưởng hai con số bất chấp sự sụt giảm của nhiều ngành kinh tế.

Từ đầu đại dịch đến nửa đầu năm 2021, Việt Nam đã có thêm 8 triệu người tiêu dùng kỹ thuật mới, lan rộng cả sang những khu vực ngoài thành phố lớn. Đặc biệt, khoảng 99% người tiêu dùng mong muốn tiếp tục sử dụng các dịch vụ trực tuyến trong tương lai.

Việc phải ở nhà, hạn chế tiếp xúc với cộng đồng buộc người dân phải tìm đến những phương thức mua hàng mới. Bên cạnh sự thuận tiện, đơn giản khi thao tác, hàng hóa và giá cả đa dạng, việc các sàn TMĐT đồng loạt triển khai nhiều chương trình khuyến mãi trong giai đoạn dịch bệnh cũng là yếu tố quan trọng giúp mua sắm trực tuyến trở nên hấp dẫn và ngày càng gắn bó với người tiêu dùng.

Các sàn TMĐT giữ chân người dùng ảnh 1

Các sàn TMĐT đều chứng kiến sự bùng nổ trong bối cảnh đại dịch.

Vai trò của 'sale'

Theo đại diện Shopee, năm 2021 có ý nghĩa chuyển đổi đặc biệt với ngành TMĐT. Điều này cho thấy người dùng có xu hướng chuyển sang các nền tảng trực tuyến để vừa đáp ứng nhu cầu thiết yếu hàng ngày, vừa phục vụ mục đích tương tác và giải trí.

Kể từ quý I- IV/2021, lưu lượng truy cập website trung bình của Shopee tăng 25,2 triệu lượt, tương đương 28%. Đây cũng là sàn TMĐT có thị phần lớn nhất tại thị trường Việt Nam, bỏ xa các đối thủ khác như Lazada, Tiki hay Sendo.

Vào giai đoạn cuối năm, các chiến dịch sale ngày đôi đã trở thành thời điểm mua sắm yêu thích của người dùng. Trong 3 ngày hội 9.9, 11.11, 12.12, Shopee ghi nhận hơn 1.000 nhà bán hàng địa phương trên phạm vi khu vực có doanh số vượt 100.000 USD.

Các nhà bán hàng lần đầu tiên tham gia kinh doanh trên nền tảng trực tuyến cũng chứng kiến sự tăng trưởng đáng kể. Riêng vào ngày 11/11, doanh số của những nhà bán hàng mới trên Shopee đã tăng gấp 18 lần so với mức trung bình của ngày thường.

“Ở thị trường Việt Nam, với chiến dịch 11.11 vào năm ngoái, Hà Nội dẫn đầu hoạt động mua sắm trực tuyến, tiếp đến là TP.HCM và Đồng Nai. Cũng trong ngày 12.12, Hà Nội là địa phương có hoạt động mua sắm sôi nổi nhất, đỉnh điểm là 550.000 mặt hàng được bán ra chỉ trong một giờ”, đại diện Shopee chia sẻ.

Các sàn TMĐT giữ chân người dùng ảnh 2

Hàng loạt chương trình sale ngày đôi được sàn TMĐT triển khai.

Theo một nghiên cứu mới đây của Lazada và Milieu Insight, 73% người tiêu dùng dùng Đông Nam Á coi mua sắm trực tuyến là một phần trong cuộc sống hàng ngày, tăng mạnh so với con số gần 60% từ 2 năm trước. Đặc biệt, 67% người dùng đồng ý rằng các lễ hội mua sắm lớn trong năm với nhiều ưu đãi hấp dẫn có vai trò quan trọng tác động đến hành vi mua sắm.

Tại Việt Nam, Lazada cho biết thời gian sử dụng ứng dụng trung bình của người dân dịp lễ hội mua sắm cao điểm tăng hơn 50% so với thường ngày.

Các chiến dịch quảng cáo, khuyến mãi đã giải tỏa áp lực buồn chán khi phải ở trong nhà quá lâu và áp lực phải cắt giảm chi tiêu để đảm bảo kinh tế gia đình ổn định.

Đại diện Lazada

Tại hệ thống gian hàng chính hãng LazMall, sàn ghi nhận hơn 4.000 thương hiệu tham gia lễ hội mua sắm 9.9. Bên cạnh đó, tăng trưởng doanh thu và số lượng đơn hàng trong chiến dịch 12.12 năm 2021 cao gấp 2 lần so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, số lượng người mua hàng vào năm 2021 đã tăng lên gấp 3 lần so với năm 2020.

Chia sẻ với chúng tôi, sàn TMĐT Tiki cho biết thói quen mua sắm online của người dùng được hình thành do nhiều yếu tố, nhưng dễ thấy 3 yếu tố ảnh hưởng mạnh nhất là sức hút của các chiến dịch “Ngày số đôi”, sự chuyển dịch nhu cầu mua sắm qua online do hệ quả của đại dịch Covid-19 và các chương trình khuyến mãi, dịch vụ mới của sàn. Ví dụ với Tiki là TikiNGON giao nhanh 1H, các Club Yêu bếp, Nghiện nhà…

Trong chiến dịch sale 11.11, Tiki ghi nhận doanh số bán hàng tăng gấp 9 lần, tổng số đơn hàng tăng gấp 3 lần, doanh thu trong 2 khung giờ sale đầu tiên tăng 30 lần. Ngoài ra, đơn hàng thanh toán không tiền mặt cũng tăng khoảng 6 lần.

Hậu Covid, mua sắm trên sàn TMĐT có còn hấp dẫn?

Bước sang năm 2022, bối cảnh thị trường bắt đầu có sự thay đổi khi Covid-19 đang dần biến mất và không còn là cú hích đối với TMĐT nữa. Dẫu vậy, lĩnh vực TMĐT đã có nền móng tốt khi xây dựng được số lượng khách hàng khổng lồ lẫn thói quen mua sắm, thanh toán online.

Tuy nhiên, trong giai đoạn hậu đại dịch, việc duy trì, phát huy tối đa những kết quả tích cực, giúp lĩnh vực TMĐT tăng tốc và sớm đạt mục tiêu đang là bài toán cần các sàn TMĐT giải đáp.

Hiện nay, hầu hết sàn TMĐT đều triển khai kế hoạch gia tăng tính tương tác giữa sàn, người bán và người mua thông qua công nghệ livestream, kho trò chơi hoặc nội dung giải trí.

Theo Báo cáo Toàn cảnh ngành Thương mại điện tử năm 2021 của Lazada Việt Nam, tổng doanh thu thông qua LazLive trong Quý III/2021 đã tăng hơn 8 lần so với cùng kỳ năm 2020, thậm chí đạt mức kỷ lục 700 triệu đồng chỉ trong vòng 2 giờ phát trực tiếp tại Lễ hội mua sắm 9.9.

Các sàn TMĐT giữ chân người dùng ảnh 5

Livestream đang là hình thức tiếp cận khách hàng được đông đảo nhà bán hàng sử dụng. Ảnh minh họa: SCMP.

Do đó, trong thời gian tới, Lazada sẽ tiếptục duy trì các chương trình khuyến mãi hàng tuần, hàng tháng cũng như các lễ hội mua sắm hàng năm lớn. Dự kiến, sàn sẽ cho ra mắt trang dành riêng cho các sản phẩm phục vụ mùa hè như thời trang, đồ điện tử, đồ gia dụng, voucher du lịch, ăn uống bên cạnh những sản phẩm đa dạng khắp ngành hàng.

“Khi cuộc sống của người dân gần như trở lại bình thường thì nhu cầu tiêu dùng sẽ ngày càng nâng cao hơn, đặc biệt là đối với các trải nghiệm tại các ‘điểm chạm’ với sàn”, đại diện Lazada cho biết.

Sau 2 năm chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh, Đại hội âm nhạc Lazada Supershow cũng sẽ được tổ chức trở lại với hình thức trực tiếp, đi kèm nhiều chương trình mua sắm ưu đãi khác.

Không chỉ giới hạn ở hoạt động mua sắm, người dùng có xu hướng tìm kiếm trải nghiệm mang tính cá nhân hóa, tương tác, giải trí.

Đại diện Shopee

Trong năm ngoái, Shopee cho biết người dùng trên toàn khu vực đã dành tổng cộng 400 triệu giờ để xem Shopee Live. Trong khi đó, các trò chơi trong ứng dụng ghi nhận hơn 40 tỷ lượt.

Tương tự, sàn đã làm việc với các đối tác để giúp thương hiệu và người bán Việt Nam tăng cường sự hiện diện trên nền tảng TMĐT thông qua các tính năng trên.

Song song, sàn vẫn tiếp tục tung ra các đợt sale nhằm thu hút người dùng và kích cầu, gần đây nhất là chương”15.3 - Siêu Hội Tiêu Dùng”, “4.4 - Gì Cũng rẻ”, “5.5 - Siêu Hội Hoàn Xu”. Bên cạnh đó, nền tảng còn chạy một số chiến dịch sale vào nửa đêm nhằm đón đầu xu hướng mua sắm đêm khuya.

Minh Khánh

ZING

Các tin tức khác

>   Đại biểu Quốc hội đề xuất tạm hoãn tăng học phí trong năm học tới (02/06/2022)

>   Bộ trưởng Bộ GD&ĐT giải trình về tăng giá sách giáo khoa, học phí (02/06/2022)

>   Trung Quốc đối diện khủng hoảng thất nghiệp ở người trẻ (01/06/2022)

>   Nở rộ lừa đảo tuyển cộng tác viên cho sàn thương mại điện tử (31/05/2022)

>   Chẳng lẽ 'nhà giàu đứt tay đáng lo hơn ăn mày đổ ruột'? (30/05/2022)

>   Nhóm lao động nào đang nhận lương cao nhất? (30/05/2022)

>   Mới chỉ có khoảng 10,000 người trong tổng số gần 4 triệu lao động đã nhận hỗ trợ tiền thuê nhà (28/05/2022)

>   Mua sắm ở Mỹ thời lạm phát: Giàu đi Macy’s, nghèo vào Walmart (27/05/2022)

>   Chật vật co kéo chi phí theo giá xăng (26/05/2022)

>   Lương tối thiểu theo giờ không đủ sống: Chỉ bằng 1/10 của nhiều nước (26/05/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật