Phải có lộ trình dỡ bỏ room tín dụng
Trao đổi với chúng tôi xung quanh chuyện room tín dụng, TS. HỒ QUỐC TUẤN, Đại học Bristol (Anh) cho biết thực ra trên thế giới có những giai đoạn xảy ra các cuộc khủng hoảng, NHTW các nước như Nhật Bản, Trung Quốc, các nước Bắc Âu, Australia, Croatia… cũng đã từng sử dụng công cụ cấp hạn mức tín dụng cho từng NH. Tuy nhiên, khi hệ thống NH phát triển, cơ chế này đã được dỡ bỏ.
Ảnh minh họa
|
Bài học chung khi sử dụng hạn mức tín dụng, nhiều khoản vay sẽ chuyển thành khoản vay phi NH nên khó kiểm soát hơn, vì khi vay NH có những quy định về an toàn vốn và nhiều quy định khác. Một điểm nữa khi sử dụng công cụ này, họ cũng thấy mục đích đạt được không rõ ràng, đưa ra hạn mức cụ thể không đơn giản.
PHÓNG VIÊN: - Nhưng thưa ông, NHNN cho rằng nếu như Việt Nam bỏ hạn mức tín dụng thì các NH sẽ chạy đua TTTD dẫn đến tăng lãi suất để huy động và cho vay, ảnh hưởng đến vĩ mô?
TS. HỒ QUỐC TUẤN: - Điều đó không đúng. Vì khi xảy ra dịch Covid-19 và kể cả trước dịch, các NHTW khi áp dụng tiêu chuẩn Basel cho hệ thống NH, họ cũng không ngây thơ cho rằng chỉ cần như vậy sẽ khống chế được tất cả. Do đó, họ phối hợp các tiêu chuẩn quản lý chung với công cụ kiểm tra sức chịu đựng (stress test). Khi nhìn thấy rủi ro của nền kinh tế và không muốn tín dụng tăng quá mạnh, hay để kiểm soát lạm phát trong mức mong muốn, họ đặt những trường hợp đó vào công cụ stress test và chạy ra mức an toàn vốn của NH.
Bản thân công cụ đó sẽ tính ra được một hạn mức tín dụng ẩn trên cơ sở định lượng, khách quan, minh bạch và theo tính thị trường hơn. Có nghĩa là NHTW không phải đưa ra hạn mức tín dụng mang tính hành chính, mà đưa ra kịch bản, trong đó hàm chứa giả định về tốc độ TTTD.
Chẳng hạn, NHTW muốn TTTD ở mức 14% để kiểm soát lạm phát, thì mang hạn mức này vào trong stress test và phát tín hiệu ra thị trường về các chỉ tiêu tăng trưởng. Với stress test như vậy, nếu các NH không đạt được tỷ lệ an toàn vốn, NH bắt buộc phải tăng vốn hoặc dừng cho vay.
Khi áp dụng như vậy, ban đầu NHTM có thể đưa ra kế hoạch TTTD cho chính họ rất cao, nhưng sau vài lần chạy stress test, họ sẽ hiểu được không thể tăng cao như mong muốn vì sẽ đụng vào bức tường stress test, và sẽ phải tự điều chỉnh kế hoạch kinh doanh phù hợp.
Với cách làm như vậy, NHNN sẽ không cần đặt vấn đề hành chính để tạo ra cơ chế xin - cho. Bản thân các NHTM sẽ dần quen với việc lên kế hoạch trước, vì như đã nói, họ sẽ nhìn thấy nếu TTTD quá nhanh sẽ đụng vào bức tường stress test.
Đồng thời, chính NH sẽ chủ động kế hoạch, thay vì cứ cho vay rồi dừng lại đợi NHNN tháo gỡ như chờ hạn mức tín dụng như hiện nay. Để dễ hiểu, cứ hình dung như trên một đường cao tốc xe đang chạy, không thể đơn thuần dùng một vật cản nào đó và hy vọng xe không chạy. Chúng ta cần điều chỉnh hệ số để tốc độ chạy được kiểm soát.
- Nếu áp dụng phương pháp stress test, các NHTM có quy mô nhỏ chịu ảnh hưởng thế nào, thưa ông?
- Cách cấp hạn mức tín dụng hiện nay là chia bánh cho đều, NH nhỏ vẫn có hạn mức tín dụng để vận hành. Thí dụ, NH có sức khỏe tốt được cấp hạn mức 14%, NH sức khỏe kém hơn cũng được 5-7%. Khi chạy stress test, các NH nhỏ có thể không đạt chỉ tiêu và không tăng được tín dụng, thậm chí phải giảm quy mô tài sản. Nhưng đó là điều phải chấp nhận vì việc phân bổ vốn trong nền kinh tế là điều cực kỳ quan trọng.
Một NH có thể TTTD đến 20% nhưng lại không được cấp đủ hạn mức, trong khi NH khác không thể TTTD vẫn được cấp hạn mức tín dụng, tức là phân bổ vốn không hiệu quả. Các NH yếu vẫn tiếp tục yếu vì họ vẫn còn có thể có hạn mức TTTD.
Theo tôi, bỏ hạn mức tín dụng là cần thiết, tuy nhiên không phải bỏ ngay mà có phải lộ trình. Chẳng hạn NHNN đưa ra thông báo trong vòng 5 năm sẽ bỏ hạn mức tín dụng.
Trong 5 năm đó, NHNN cho NHTM biết cách làm stress test và giải quyết các điểm yếu của NH, giải quyết NH yếu kém cũng như có quy định về việc thanh tra số liệu, nếu NH cung cấp số liệu không chính xác phải chịu trách nhiệm thế nào. Muốn tiến tới xóa bỏ phải có lộ trình vì nếu không có lộ trình cụ thể để làm thì không ai làm.
- Xin cảm ơn ông!
TS. TRẦN DU LỊCH, chuyên gia kinh tế: Trước đây, cơ chế cấp hạn mức tín dụng cho các NHTM dự kiến thực hiện trong lộ trình không quá dài. Thế nhưng, có nhiều “sự cố” dẫn đến việc quản lý theo hành chính và thực hiện duy trì quá lâu. Hiện NHNN đang có lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, đây là điều cần phải làm để bảo đảm an toàn, giảm dần gánh nặng vốn trung và dài hạn của NHTM, san sẻ cho các kênh huy động trực tiếp, trong đó trái phiếu doanh nghiệp là một kênh. Còn nếu vẫn để NHTM đảm đương vai trò cả vốn ngắn hạn, trung và dài hạn, đồng nghĩa với việc NH cứ chạy theo tín dụng và tiếp tục “nuôi rủi ro”.
|
TS. CẤN VĂN LỰC, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia: NHNN cần dỡ bỏ cơ chế cấp room tín dụng và quản lý TTTD thông qua hệ số an toàn vốn (CAR) của các NH. Cơ chế cấp hạn mức TTTD này chỉ nên là giải pháp tạm thời trong 1-2 năm nữa. Song trong thời gian sử dụng tạm thời, để các NH không bị gián đoạn hoạt động kinh doanh, NHNN xem xét cấp hạn mức theo từng tháng hoặc mở thêm hạn mức khi NH có nhu cầu thay cho việc gom lại một đợt rồi cấp thêm room.
|
Yên Lam
SGĐTTC
|