Thứ Sáu, 10/06/2022 21:56

Lạm phát Mỹ tăng mạnh 8.6%, đập tan hy vọng lạm phát đã tạo đỉnh

Lạm phát Mỹ tăng mạnh trong tháng 5/2022 lên mức cao nhất kể từ tháng 12/1981, Cục Thống kê Lao động Mỹ cho biết trong ngày 10/06. Điều này đã đập tan hy vọng của giới đầu tư rằng lạm phát đã tạo đỉnh.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 8.6% trong tháng 5/2022, cao hơn dự báo tăng 8.3% của các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Dow Jones. Loại trừ giá thực phẩm và năng lượng, CPI lõi tăng 6%, cao hơn đôi chút so với ước tính 5.9% của các chuyên gia kinh tế. So với tháng trước, CPI tổng thể tăng 1%, còn CPI lõi tăng 0.6%.

Chi phí liên quan tới nhà ở, giá xăng và giá thực phẩm góp phần lớn vào đà tăng mạnh của CPI.

Giá năng lượng tăng 3.9% so với tháng trước, nâng tổng mức tăng từ đầu năm lên 34.6%. Trong đó, giá nhiên liệu tăng 16.9% so với tháng trước và tăng 106.7% trong giai đoạn 12 tháng.

Chi phí nhà ở – chiếm 1/3 tỷ trọng CPI – tăng 0.6% so với tháng trước, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 3/2004. Mức tăng 12 tháng của chi phí nhà ở là 5.5%, mạnh nhất kể từ tháng 2/1991. Bên cạnh đó, giá thực phẩm tăng thêm 1.2% trong tháng 5 và tăng 10.1% trong 12 tháng.

Giá cả leo thang đang bào mòn sức mua của người lao động. Tiền lương thực – loại trừ lạm phát – giảm 0.6% trong tháng 4/2022, mặc dù thu nhập trung bình hàng giờ tăng 0.3%. Trong giai đoạn 12 tháng, thu nhập thực bình quân hàng giờ giảm 3%.

Thị trường lập tức phản ánh tiêu cực với báo cáo lạm phát, với chỉ số Dow Jones giảm hơn 800 điểm, trong khi lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ tăng vọt.

“Thật khó để tỏ ra không thất vọng khi nhìn vào dữ liệu lạm phát tháng 5”, John Leer, Chuyên gia kinh tế trưởng tại Morning Consult, cho hay. “Chúng ta vẫn chưa thoát khỏi vùng nguy hiểm”.

Một vài khoản tăng mạnh nhất là giá vé máy bay (tăng 12.6% so với tháng trước), xe hơi đã qua sử dụng (1.8%) và các sản phẩm liên quan tới sữa (2.9%). Giá xe hơi cũ được xem là chỉ báo về đà tăng của lạm phát và đã giảm trong giai đoạn tháng 2-4/2020. Vì vậy, đà tăng trong tháng 5 phát đi một điềm báo chẳng lành.

Số liệu lạm phát mới nhất đập tan hy vọng lạm phát có thể đã đạt đỉnh và càng làm dấy lên nỗi lo sợ nền kinh tế Mỹ sắp rơi vào suy thoái.

Báo cáo lạm phát trên được đưa ra khi Fed vẫn đang trong giai đoạn đầu của quá trình nâng lãi suất để chống lạm phát. Báo cáo tháng 5 có thể làm gia tăng khả năng Fed nâng lãi suất 50 điểm cơ bản nhiều lần trong thời gian tới.

“Rõ ràng, chẳng có gì tốt trong báo cáo này cả”, Julian Brigden, Chủ tịch của MI2 Partners, cho hay. “Chẳng có gì mang lại sự giải tỏa cho Fed và họ khó lòng mà nâng lãi suất chậm lại”.

Thị trường đang kỳ vọng Fed tiếp tục thắt chặt tiền tệ đến hết năm nay và thậm chí kéo dài sang năm 2023. Fed hiện giữ lãi suất ở phạm vi 0.75%-1% và có thể nâng lên 2.75%-3% vào cuối năm nay, theo dự báo của CME Group.

Vũ Hạo (Theo CNBC)

FILI

Các tin tức khác

>   Bộ trưởng Tài chính Mỹ: Không có dấu hiệu nền kinh tế rơi vào suy thoái (10/06/2022)

>   Chỉ số giá sản xuất của Trung Quốc giảm tốc trong tháng 5 (10/06/2022)

>   EU cấm bán xe xăng và diesel từ năm 2035 (10/06/2022)

>   Mỹ thừa nhận doanh thu năng lượng của Nga tăng sau các lệnh trừng phạt (10/06/2022)

>   ECB bắt đầu nâng lãi suất từ tháng 7, có thể nâng 50 điểm cơ bản vào tháng 9 (09/06/2022)

>   Ba dấu hiệu cho thấy lạm phát toàn cầu đang trên đà đi xuống (09/06/2022)

>   Cấm vận khiến Nga thiệt hại 15 năm thành tựu kinh tế (09/06/2022)

>   Mỹ giảm nhập khẩu trong tháng 4 (09/06/2022)

>   “Giá dầu đang là nỗi ám ảnh của Fed” (09/06/2022)

>   Đâu là thành phố đắt đỏ nhất thế giới? (09/06/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật