IATA: Hàng không dự kiến phục vụ 70-80 triệu lượt khách năm nay
Theo IATA, năm 2022 dự kiến 70-80 triệu lượt hành khách thông qua các cảng hàng không của Việt Nam. Trong đó, khách quốc tế ước đạt khoảng 10 triệu lượt, còn lại là nội địa.
Trong khuôn khổ Diễn đàn phát triển đường bay châu Á 2022 (Routes Asia), ngày 7/6 đã diễn ra chương trình "Vietnam Case Study".
Tại sự kiện, ông Đinh Việt Sơn, Phó cục trưởng Hàng không Việt Nam, thông tin ảnh hưởng của dịch bệnh khiến lượng khách quốc tế đến Việt Nam bằng đường hàng không giảm mạnh.
Ngành hàng không 'ngủ đông' do dịch bệnh
Theo đánh giá của Hiệp hội các hãng hàng không quốc tế (IATA) sản lượng hành khách thông qua các cảng hàng không của Việt Nam đạt 116,5 triệu lượt hành khách (41,7 khách quốc tế và 74,8 triệu khách nội địa) vào năm 2019.
Đến năm 2020, lượng khách giảm còn 65,3 triệu lượt hành khách (7,2 triệu khách quốc tế và 58,1 triệu khách nội địa). Một năm sau, khách quốc tế đến nước ta bằng đường hàng không chỉ còn 30,3 triệu hành khách (530.000 khách quốc tế và 29,7 triệu khách nội địa).
Các đại biểu trao đổi bên lề Diễn đàn phát triển đường bay châu Á 2022. Ảnh: Đoàn Nguyên.
|
Đại diện IATA cho hay việc Chính phủ dỡ bỏ các hạn chế về đi lại nội địa và quốc tế, năm 2022 dự kiến đạt 70-80 triệu lượt hành khách thông qua các cảng hàng không của Việt Nam. Trong đó, khách quốc tế ước đạt khoảng 10 triệu lượt, còn lại là nội địa.
Ông Sơn cũng nhắc lại những con số thống kê trên và cho rằng 2 năm qua dịch Covid-19 đã tác động nghiêm trọng đến ngành hàng không, kéo theo là những thiệt hại rất lớn về kinh tế, trong đó có du lịch.
IATA dự báo có khoảng 4 tỷ hành khách đi lại bằng đường hàng không vào năm 2024, tăng 3% so năm 2019. Đối với hoạt động vận tải hàng không quốc tế, mức độ hồi phục sẽ chậm hơn so với nội địa, chủ yếu phụ thuộc vào việc nới lỏng dần hoặc xóa bỏ các hạn chế đi lại ở nhiều thị trường.
"Với thị trường quan trọng là Trung Quốc vẫn đang duy trì các biện pháp hạn chế đi lại nên khả năng châu Á - Thái Bình Dương sẽ là khu vực chậm chân trong quá trình phục hồi và dự báo phải đến năm 2024 mới đạt mức 97% so năm 2019", ông Sơn thông tin.
Phó cục trưởng Hàng không Việt Nam, cho rằng các hãng hàng không Việt Nam cũng như quốc tế đã khôi phục phần lớn đường bay đến các thị trường truyền thống, tuy nhiên số lượng hãng tham gia thị trường cũng như tần suất khai thác còn hạn chế.
Nguyên nhân là lượng khách quốc tế vẫn chủ yếu là khách công vụ, thăm thân, kinh doanh và khách du lịch (bao gồm cả khách inbound và khách outbound). Nguồn khách chính của ngành hàng không vẫn còn rất hạn chế.
"Hạn chế này có thể thấy rõ khi các thị trường du lịch lớn của Việt Nam như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan vẫn chưa được kích hoạt trong khi các thị trường tại châu Âu, đặc biệt là thị trường khách Nga bị đóng băng từ tháng 2/2022 đến nay", ông Sơn nói
Khôi phục các đường bay để phát triển du lịch
Ông Sơn nhiều lần nhấn mạnh việc phục hồi ngành hàng không là yếu tố then chốt để thúc đẩy phát triển du lịch.
"Hàng không và du lịch có mối quan hệ rất mật thiết. Ngành hàng không phục hồi, đồng nghĩa với việc mở rộng địa lý và tăng về quy mô khai thác, qua đó cung cấp các sản phẩm dịch vụ đa dạng, phù hợp với mục đích, nhu cầu của người sử dụng, đặc biệt là khách du lịch", ông Sơn nhấn mạnh.
Về giải pháp, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho biết ngành hàng không Việt Nam đã triển khai hàng loạt dự án nâng cấp kết cấu hạ tầng. Trong đó, quan trọng nhất là các dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn tại các Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất hoàn thành trong tháng 4.
Ngành hàng không đang tăng cường khôi phục các đường bay để đưa khách quốc tế đến Việt Nam. Ảnh: Đoàn Nguyên.
|
Cùng với đó, các hãng hàng không đã và đang khai thác trở lại các đường bay quốc tế kết nối Đà Nẵng với Thái Lan, Singapore, Kuala Lumpur (Malaysia), Seoul và Daegu (Hàn Quốc). Đầu tháng 7, sẽ có đường bay nối Tokyo (Nhật Bản), thêm các hãng mới và tăng tần suất trên các đường bay hiện có. Cục Hàng không Việt Nam vẫn đang tiếp nhận các đề xuất khai thác trở lại các đường bay quốc tế đi/đến Đà Nẵng từ các hãng hàng không Việt Nam và nước ngoài.
Bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc Trung tâm xúc tiến du lịch Đà Nẵng, cho biết năm 2019, Đà Nẵng đón 31 chuyến bay trực tiếp quốc tế với hơn 500 chuyến bay mỗi tuần. Tuy nhiên, ảnh hưởng đại dịch khiến các đường bay bị gián đoạn, dẫn đến ngành du lịch đóng băng.
"Ngành du lịch Đà Nẵng đang kết nối trực tiếp (thông qua chuyến bay thường xuyên hoặc chuyến bay thuê chuyến) đến thị trường tiềm năng để tạo thuận lợi cho việc khởi động những thị trường này, như Ấn Độ, Indonesia…", bà An nói.
Đoàn Nguyên
ZING
|