Thứ Ba, 07/06/2022 07:15

Thái Lan muốn mua gạo Việt Nam

Nếu các công ty Việt Nam thâm nhập vào thị trường Thái Lan và khai thác thành công phân khúc sản phẩm gạo chế biến sẽ nâng được vị thế hạt gạo nước ta.

Nhiều công ty của Việt Nam cho biết dù Thái Lan rất mạnh về gạo và nằm trong nhóm nước đứng đầu thế giới về xuất khẩu gạo nhưng họ đang muốn mua gạo từ nước ta. Đây là tín hiệu tốt để gạo Việt có cơ hội thâm nhập mạnh vào thị trường Thái Lan cũng như nhiều thị trường khó tính khác.

Người Thái thích ăn gạo Việt

Bà Huỳnh Mộng Thúy, Trưởng Phòng kinh doanh Công ty TNHH Gạo Hoa Sen (Lotus Rice), thông tin: Mới đây, bà có dịp đến Thái Lan để tìm hiểu về thị trường và nhận thấy tại một số siêu thị, gạo của Việt Nam vẫn chưa hiện diện. Khó khăn của nhà xuất khẩu Việt khi bán gạo sang Thái Lan là do tính tương đồng về sản phẩm và mức thuế cao 50%. Đặc biệt, gạo Thái Lan nổi tiếng thế giới về chất lượng, giá cả tốt, tổ chức quảng bá hiệu quả.

Hiện chưa có nhiều công ty Việt nghiên cứu, đầu tư, chế biến sâu để mang lại giá trị gia tăng cho hạt gạo. Ảnh: TU

“Tuy nhiên, thực tế một số công ty Thái Lan đã nhập khẩu gạo của Việt Nam nhưng chỉ với sản phẩm gạo đặc thù rồi chế biến lại, tung ra thị trường dưới thương hiệu riêng của mình. Thị trường Thái Lan có thế mạnh về gạo nhưng sau dịch COVID-19, người dùng hướng đến sản phẩm tốt cho sức khỏe, giàu dinh dưỡng. Vì vậy, hiện nay nhà nhập khẩu Thái Lan rất tha thiết muốn mua gạo chất lượng cao cấp của Việt Nam như gạo hữu cơ đạt tiêu chuẩn EU, USDA…” - bà Thúy phân tích.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Lotus Rice cũng nhận xét người dân Thái Lan chuộng các sản phẩm được “công nghệ hóa” nhưng vẫn đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng, sự tiện lợi, nhanh gọn lẹ. Ví dụ tại Thái Lan có những sản phẩm từ gạo được chế biến thành món ăn nhanh như cơm ăn liền được tẩm vị sầu riêng, vị chuối. Sau khi cho vào lò vi sóng vài phút có thể dùng ngay.

Cùng nhìn nhận trên, ông Lê Bá Linh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Pacific Foods, khẳng định Thái Lan lâu nay vẫn mua gạo và nước mắm của Việt Nam về chế biến lại theo công thức của họ. Ngược lại, các nhà xuất khẩu Việt lại e ngại khi nghĩ rằng người dân Thái Lan không ưa chuộng sản phẩm Việt Nam nên không đi xúc tiến, quảng bá sản phẩm. Song gần đây, một số công ty Việt Nam đã mạnh dạn tiếp cận thị trường Thái Lan.

“Thị trường Thái Lan muốn tiêu thụ gạo cao cấp của Việt Nam là cơ hội cho các nhà xuất khẩu Việt. Thái Lan cũng mua gạo để xuất đi các nước khác khi những thị trường đó có nhu cầu ăn gạo cao cấp của Việt Nam” - chủ tịch Pacific Foods khẳng định.

Gạo Việt tự tin cạnh tranh gạo Thái Lan

Ông Nguyễn Thành Huy, phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan, nhận định: Tiềm năng của thị trường gạo tại Thái Lan còn khá lớn. Ngành du lịch là một trong những yếu tố thúc đẩy mức tiêu thụ tăng khi Thái Lan dự báo năm nay đón 5 triệu lượt khách và sang năm đón 20 triệu lượt khách.

Tuy nhiên, các công ty Việt cần nghiên cứu các nhóm sản phẩm mà người Thái Lan quan tâm là gạo chất lượng cao, gạo hữu cơ, thực phẩm chế biến sẵn từ gạo... “Người Thái Lan ưa chuộng các sản phẩm gạo hạt mềm, giàu dinh dưỡng, mùi hương đặc trưng, dễ dàng chế biến, tiết kiệm thời gian…” - ông Huy gợi ý.

Tổng giám đốc Cỏ May Group Phạm Minh Thiện nói hiện gạo của công ty đã xuất khẩu sang Úc, Hàn Quốc, Pháp… Tất cả đều mang thương hiệu Cỏ May với giá bán đều trên 1.000 USD/tấn. Cơ hội để gạo Việt xuất hiện ở thị trường Thái Lan là có nhưng sẽ cạnh tranh rất khốc liệt.

Thái Lan xuất khẩu và bán được gạo cho thị trường Việt Nam thì

các công ty Việt cũng làm được.

“Gạo Long Châu của chúng tôi có thể cạnh tranh bán bằng giá với gạo Thái Lan. Tuy nhiên, tôi lo ngại về sự đón nhận của thị trường nên chỉ dám bán với giá thấp hơn gạo Thái Lan” - ông Thiện thừa nhận.

Tương tự, đại diện Lotus Rice nói hiện nay các công ty Việt đi sau Thái Lan khi chỉ dừng lại ở việc chế biến gạo thành món ăn nhanh với cơm chiên dương châu, cơm kim chi. Vì vậy, nếu gạo Việt thâm nhập vào thị trường bán lẻ Thái Lan và khai thác thành công phân khúc sản phẩm gạo chế biến sẽ nâng giá trị gạo Việt. Thái Lan xuất khẩu và bán được gạo cho thị trường Việt Nam thì các công ty Việt cũng làm được.

Tuy vậy, nhiều công ty gạo khuyến nghị muốn xuất khẩu sang Thái Lan, các công ty Việt nên đa dạng hóa về quy cách sản phẩm, tăng tính sáng tạo nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng và phù hợp với đời sống hiện tại. Cụ thể, người dùng Thái Lan không có nhiều thời gian nấu ăn nên họ thường mua sản phẩm ăn liền. Mặt khác, các công ty Việt cần chú trọng nhiều hơn nhằm đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn chất lượng gạo để xuất khẩu thuận lợi.

Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu thuộc Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), cho biết những năm qua gạo là mặt hàng nông sản chính của Việt Nam được xuất khẩu sang khu vực ASEAN. Sản phẩm gạo của Việt Nam được xuất khẩu chủ yếu sang Philippines, Malaysia, Singapore, Indonesia, Brunei. Cơ cấu gạo xuất khẩu của Việt Nam đang tiếp tục chuyển dịch theo hướng gia tăng các loại gạo thơm, gạo đặc sản, gạo japonica, gạo trắng phẩm cấp cao với giá bán và giá trị gia tăng cao hơn.

“Tôi cho rằng ngành gạo cần rà soát nhu cầu nhập khẩu của từng thị trường. Trong đó cần xác định rõ những thị trường tiêu thụ gạo phẩm cấp thường với giá rẻ, thị trường tiêu thụ gạo cao cấp và gạo thơm để có giải pháp phù hợp” - bà Thủy nói.•

Không dám mạo hiểm vì suốt ngày lo “cơm áo gạo tiền”

Tổng giám đốc Cỏ May Group Phạm Minh Thiện nhìn nhận việc người Thái Lan muốn ăn gạo ngon của Việt Nam là tín hiệu đáng mừng cho gạo Việt. Tuy nhiên, hiện chưa có nhiều công ty Việt nghiên cứu, đầu tư, chế biến sâu để mang lại giá trị gia tăng cho cây lúa, hạt gạo.

Đại đa số công ty Việt đều làm lúa để lấy gạo, xây nhà máy để làm ra hạt gạo rồi bán đến tay khách hàng. “Ngay cả Công ty Cỏ May cũng loay hoay với việc làm sao đảm bảo chất lượng hạt gạo, chống mối, chống mọt…” - ông Thiện nói.

Vị lãnh đạo Cỏ May Group cũng thừa nhận các công ty Việt suốt ngày lo “cơm áo gạo tiền”, không đủ thời gian và công sức để tìm hướng phát triển mới cho thị trường gạo. Mặt khác, việc đổi mới sáng tạo chưa chắc đã thành công, chưa kể để làm được đòi hỏi phải có nguồn vốn lớn nhưng khả năng của các công ty Việt chưa mạnh nên rất rủi ro. Vì vậy, nếu có sự đồng hành của cơ quan nhà nước để thấy sự rủi ro được chia sẻ nhiều thì các công ty Việt sẽ mạnh dạn đầu tư, đổi mới, tìm thị trường mới.

TÚ UYÊN

Pháp luật TPHCM

Các tin tức khác

>   Buộc thôi việc Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc (06/06/2022)

>   Giảm thiệt hại từ đứt gẫy chuỗi cung ứng (06/06/2022)

>   Thủ tướng Phạm Minh Chính: Việt Nam không chọn nền kinh tế đóng (05/06/2022)

>   Kinh tế Việt Nam đang trở lại quỹ đạo tăng trưởng nhanh (05/06/2022)

>   Muốn kinh tế thành công thì hãy làm như bóng đá (05/06/2022)

>   Các sàn TMĐT khắc phục điểm yếu của năm 2021 ra sao? (04/06/2022)

>   Vẫn còn vướng cơ chế cho doanh nghiệp vay vốn để phục hồi (04/06/2022)

>   Chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài của Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 có gì mới? (04/06/2022)

>   Sớm có phương án xử lý dứt điểm 7 trạm BOT "treo" nhiều bất cập (03/06/2022)

>   DDG lên kế hoạch lợi nhuận 2022 tăng 70%, phát hành cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 18% (03/06/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật