Giảm hơn 700 điểm, Dow Jones rớt mốc 30,000 điểm
Chỉ số Dow Jones giảm mạnh và rớt ngưỡng 30,000 điểm trong ngày 16/06 khi nhà đầu tư lo ngại cách tiếp cận quyết liệt hơn của Fed với lạm phát sẽ đẩy nền kinh tế rơi vào suy thoái.
Trước đó, Dow Jones đã tăng mạnh trong ngày 15/06 sau khi Fed thực hiện đợt tăng lãi suất mạnh nhất kể từ năm 1994, nhưng sau đó đã xoá sạch đà tăng trong ngày kế đó.
Tính tới lúc 21h30 ngày 16/06 (giờ Việt Nam), chỉ số Dow Jones giảm 710 điểm (tương đương 2.3%), S&P 500 sụt 3% và Nasdaq Composite lao dốc 3.6%. Trước khi bước vào ngày 16/06, các chỉ số Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq đã giảm tương ứng 4.5%, 5.7% và 5.6% trong tuần này.
S&P 500 và Nasdaq Composite đều rơi vào thị trường con gấu, giảm tương ứng 23% và 33% so với mức cao kỷ lục. Trong khi đó, Dow Jones đã giảm 19% so với mức cao kỷ lục xác lập vào ngày 05/01/2022.
Ở châu Âu, các chỉ số cũng đang lao dốc từ 2% đến 3%, trong đó Stoxx 600 giảm 2.4%.
“Đây là lúc chúng ta thoát khỏi thế giới giả tạo với những đợt bơm thanh khoản khổng lồ, nơi mọi nhà đầu tư đã quen với lãi suất 0% và nơi chúng ta thực hiện các điều ngu xuẩn khi đầu tư vào những phần không nên đầu tư hoặc đầu tư vào nền kinh tế theo cách không hợp lý”, Mohamed El-Erian, Cố vấn đầu tư tại Allianz, cho biết trên chương trình “Squawk Box” của CNBC trong ngày 16/06. “Chúng ta đang thoát khỏi cơ chế đó và con đường sẽ rất gập ghềnh”.
Dow Jones lần đầu vượt ngưỡng 30,000 điểm vào tháng 11/2020. Điều này diễn ra khi sự xuất hiện của vắc-xin trị Covid-19 và các gói kích thích khổng lồ từ Fed châm ngòi cho đà tăng mạnh và đẩy các chỉ số lập kỷ lục mới.
Măc dù 30,000 điểm không nhất thiết là ngưỡng kỹ thuật của Dow Jones, nhưng những ngưỡng tròn chẵn thường được xem là ngưỡng tâm lý cho thị trường.
Dữ liệu ngày 16/06 càng cho thấy sự giảm tốc đáng kể của hoạt động kinh tế. Số nhà ở mới khởi công giảm 14% trong tháng 5, vượt xa dự báo giảm 2.6% của các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Dow Jones. Chỉ số Philadelphia Fed Business Index giảm xuống âm 3.3 điểm trong tháng 6, lần giảm đầu tiên kể từ tháng 5/2020.
Trong ngày 15/06, Fed đã nâng lãi suất 75 điểm cơ bản lên 1.5%-1.75%, mức cao nhất kể từ trước khi dịch Covid-19 bắt đầu từ tháng 3/2020.
“Rõ ràng mức tăng 75 điểm cơ bản là lớn bất thường và tôi không kỳ vọng những lần tăng lãi suất mạnh như hôm nay diễn ra thường xuyên trong tương lai”, Chủ tịch Fed Jerome Powell phát biểu trong cuộc họp báo. Ông dự báo lãi suất có thể tiếp tục tăng thêm 5 điểm cơ bản hoặc 75 điểm cơ bản trong kỳ họp tới.
Chứng khoán Mỹ sau đó tăng mạnh hơn sau khi ông Powell cho biết việc nâng lãi suất 50 hoặc 75 điểm cơ bản “dường như khả thi nhất” tại cuộc họp tháng 7. Tuy nhiên, ông lưu ý quyết định sẽ được thống nhất trong “từng phiên họp” và Fed “sẽ tiếp tục truyền tải những ý định của mình một cách minh bạch nhất có thể”, ông nói.
Theo dự báo của các thành viên, lãi suất chuẩn của Fed sẽ khép năm 2022 ở mức 3.4%, tức tăng 1.5 điểm phần trăm so với ước tính tháng 3/2022. Ủy ban sau đó kỳ vọng nâng lãi suất lên 3.8% trong năm 2023, cao hơn 1 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng 3/2022.
Vũ Hạo (Theo CNBC)
FILI
|