Lợi nhuận các công ty châu Á giảm lần đầu tiên trong 7 quý
Lợi nhuận trong tháng 3 của các công ty châu Á đã bị giảm lần đầu tiên trong bảy quý, do nhu cầu chậm lại vì những đợt phong tỏa ở Trung Quốc và tỷ suất lợi nhuận giảm vì chi phí đầu vào tăng.
Theo phân tích của Reuters về 1,500 công ty vốn hóa lớn và trung bình hàng đầu châu Á theo giá trị vốn hóa thị trường và những công ty được ít nhất 3 nhà phân tích đề cập đến, lợi nhuận tích lũy của các công ty này đã giảm 3.2% trong quý tháng 3 so với cùng kỳ năm ngoái.
Và đó là lần giảm đầu tiên kể từ tháng 6/2020. Dữ liệu cũng cho thấy biên lãi ròng trung bình của các công ty trên ở mức 5.86%, thấp nhất trong 7 quý.
“Giá hàng hóa cao hơn đang tác động đến tỷ suất lợi nhuận, vì các công ty gặp khó trong việc chuyển chi phí đầu vào cao hơn sang người tiêu dùng của họ”, Herald van der Linde, người đứng đầu bộ phận chiến lược cổ phần, khu vực châu Á Thái Bình Dương tại HSBC, cho biết.
Sự sụt giảm lợi nhuận diễn ra khi các nhà đầu tư từ bỏ cổ phần trong khu vực do lo ngại rằng các công ty có thể không đủ khả năng đương đầu với lãi suất tăng và mức lạm phát tăng vọt.
Hoạt động kinh doanh và tiêu thụ của Trung Quốc chậm lại trong quý đầu tiên do sự bùng phát trở lại của các ca nhiễm COVID-19, điều này cũng ảnh hưởng đến các công ty trong khu vực xuất khẩu sang quốc gia châu Á này.
Dữ liệu cho thấy các công ty Malaysia và Hàn Quốc, mà phần lớn doanh thu là từ Trung Quốc, đã chứng kiến thu nhập quý đầu tiên của họ giảm lần lượt là 18.3% và 18.9%.
Toyota Motor báo cáo lợi nhuận kinh doanh quý giảm 33%, đồng thời cảnh báo rằng chi phí nguyên liệu thô tăng chưa từng có có thể cắt giảm 1/5 lợi nhuận cả năm của họ trong bối cảnh căng thẳng chuỗi cung ứng đang ảnh hưởng đến ngành công nghiệp xe hơi.
Lenovo, nhà sản xuất máy tính cá nhân lớn nhất thế giới đã báo cáo mức tăng trưởng doanh thu quý chậm nhất trong bảy quý do nhu cầu đối với máy tính cá nhân của họ suy yếu.
Một số nhà phân tích cho rằng lãi suất tăng sẽ ảnh hưởng nhiều hơn đến lợi nhuận và tỷ suất lợi nhuận của công ty trong những tháng tới.
Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc đã nâng lãi suất 3 lần trong năm nay, trong khi Ngân hàng trung ương Ấn Độ tăng hai lần, trong nỗ lực chống lạm phát và ngăn chặn dòng tiền chảy ra nước ngoài.
“Chúng tôi kỳ vọng các Ngân hàng Trung ương sẽ thắt chặt khi áp lực lạm phát tiếp tục. Chi phí đi vay cao hơn chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy”, Zhikai Chen, người đứng đầu mảng cổ phiếu châu Á tại BNP Paribas Asset Management, cho biết.
Tuy nhiên, ông nói thêm rằng tác động tài chính đó sẽ có thể kiểm soát được vì các doanh nghiệp châu Á, đặc biệt là những doanh nghiệp từng bị ảnh hưởng nặng nề trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, hiện có tỷ lệ đòn bẩy hợp lý.
Theo dữ liệu, lợi nhuận của các công ty châu Á dự kiến chỉ tăng 6.7% vào năm 2022, mức thấp nhất trong 3 năm, và các nhà phân tích vẫn tin rằng sự chậm lại của Trung Quốc sẽ kéo dài thêm một thời gian.
“Trong ngắn hạn, chúng tôi cho rằng tăng trưởng kinh tế chậm lại, đòn bẩy hoạt động giảm dần và tác động của giá cả đầu vào tăng (đặc biệt là dầu) có thể sẽ tác động đến biên lợi nhuận nhiều hơn trong năm 2022”, Amman Patel, chiến lược gia đầu tư tại Credit Suisse, cho biết.
Nhã Thanh (Theo IBTimes)
FILI
|