Chứng khoán thế giới đỏ rực, Dow Jones tương lai sụt 500 điểm
Thị trường chứng khoán các nước từ châu Á cho tới Mỹ đều lao dốc trong ngày 13/06, giữa lúc nỗi lo về lạm phát bao trùm.
Tính tới lúc 15h (giờ Việt Nam), hợp đồng tương lai Dow Jones giảm 517 điểm (tương đương 1.65%), S&P 500 sụt 2.02%, còn hợp đồng Nasdaq 100 lao dốc 2.43%. Đà lao dốc nối dài bầu không khi bi quan từ cuối tuần trước (10/06), trong đó Dow Jones sụt gần 900 điểm.
Chứng khoán Mỹ vừa trải qua một năm đầy khó khăn vì nỗi lo suy thoái cùng với giá tiêu dùng. S&P 500 sụt 18.3% từ đầu năm, còn Dow Jones lao dốc 13.6% và Nasdaq Composite sụt 27.5%.
Sắc đỏ cũng lây lan sang các khu vực khác. Tại châu Á, chỉ số Nikkei 225 sụt 836 điểm (tương đương 3.01%), Hang Seng lao dốc 3.36%, còn Kospi “bốc hơi” 3.52%. Ở châu Âu, chỉ số Stoxx 600 giảm 1.4%, còn FTSE MIB hạ 2.13%.
Đà lao dốc diễn ra sau khi dữ liệu lạm phát tháng 5/2022 gây hoảng sợ cho giới đầu tư. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 8.6% trong tháng 5/2022, cao hơn dự báo tăng 8.3% của các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Dow Jones. Loại trừ giá thực phẩm và năng lượng, CPI lõi tăng 6%, cao hơn đôi chút so với ước tính 5.9% của các chuyên gia kinh tế. So với tháng trước, CPI tổng thể tăng 1%, còn CPI lõi tăng 0.6%.
“Nhiều chuyên gia nghĩ rằng lạm phát đã đạt đỉnh”, Greg McBride, Trưởng bộ phận phân tích tài chính tại Bankrate, cho hay. “Bất kỳ hy vọng nào cho rằng Fed sẽ chậm lại quá trình nâng lãi suất sau cuộc họp tháng 6-7/2022 dường như là vô vọng. Lạm phát tiếp tục đi lên và hy vọng tạo đỉnh đã tan vỡ một lần nữa”.
Báo cáo lạm phát được công bố hôm 10/6 là một “chất xúc tác” tiêu cực đối với các thị trường, vốn đang trong bầu không khí ảm đạm vì nỗi lo lạm phát và suy thoái. Điều này cũng làm dấy lên những tranh cãi về khả năng Fed tăng lãi suất 75 điểm phần trăm, và tiếp tục nâng lãi suất quyết liệt hơn sau đó.
“Báo cáo CPI tháng 5 đập tan hy vọng lạm phát đã đạt đỉnh. Dù vậy, chúng tôi vẫn kỳ vọng lạm phát sẽ sớm đạt đỉnh. Báo cáo này cũng cũng thúc đẩy Fed diều hâu hơn và rủi ro suy thoái cao hơn”, Ed Yardeni, Chủ tịch của Yardeni Research, cho hay.
Trong khi đó, tâm lý tiêu dùng tháng 6/2022 của Đại học Michigan giảm xuống mức kỷ lục, điều này cũng góp phần đẩy nhanh làn sóng bán tháo của trái phiếu.
“Tâm lý của nhà đầu tư lẫn người tiêu dùng đều trở xấu”, ông nói, đồng thời nói thêm Yardeni Research dự báo xác suất xảy ra suy thoái nhẹ hiện ở mức 45%, cao hơn dự báo trước đó là 40%.
Vũ Hạo (Theo CNBC)
FILI
|