Thứ Hai, 20/06/2022 09:37

Đức mở lại các nhà máy nhiệt điện than khi nguồn cung khí từ Nga suy giảm

Đức tuyên bố sẽ khởi động lại các nhà máy nhiệt điện than và cung cấp chính sách khuyến khích các công ty giảm tiêu thụ khí thiên nhiên, đánh dấu bước đi mới trong cuộc chiến kinh tế giữa châu Âu và Nga.

Đức công bố các biện pháp trên trong ngày 19/06 sau khi Nga cắt nguồn cung tới châu Âu hồi tuần trước để đáp trả lại các biện pháp trừng phạt từ châu Âu.

Động thái này nhằm làm giảm lượng tiêu thụ khí gas và chuyển lượng khí gas sang các cơ sở dự trữ, với mục đích đảm bảo Đức có đủ dự trữ để vượt qua mùa đông năm nay.

Việc Nga dần dần giảm nguồn cung khí đốt đã làm dấy lên nguy cơ thiếu nhiên liệu nếu châu Âu không có đủ dự trữ trong mùa đông. Điều này cũng sẽ tăng giá nhiên liệu, qua đó gây áp lực lên các nền kinh tế đang chật vật với lạm phát cao và lãi suất ngày càng tăng.

Nord Stream – kênh vận chuyển nhiên liệu từ Nga sang châu Âu – ghi nhận sự sụt giảm mạnh của nguồn cung khí gas.

“Rõ ràng chiến lược của ông Putin là khiến chúng ta hoảng loạn, đẩy giá lên cao và gây chia rẽ chúng ta. Chúng ta sẽ không cho phép điều đó xảy ra. Chúng tôi sẽ tự bảo vệ mình một cách kiên quyết, chính xác và thận trọng”, Robert Habeck, Bộ trưởng Kinh tế Đức, cho hay.

Tập đoàn năng lượng Nga Gazprom giải thích việc lưu lượng khí đốt qua đường ống Nord Stream bị giảm là do sửa chữa, song giới chức Liên minh châu Âu (EU) tin rằng Moscow thực tế đang muốn trừng phạt các đồng minh của Ukraine.

Đức nhập khẩu 35% khí thiên nhiên từ Nga, giảm từ mức 55% trong giai đoạn trước khi chiến tranh Nga-Ukraine nổ ra. Nước này dùng phần lớn khí thiên nhiên để sưởi ấm và sản xuất, theo ước tính của Chính phủ Đức. Năm 2021, hoạt động sản xuất điện từ khí thiên nhiên chiếm 15% tổng công suất điện của Đức, ông Habeck cho biết. Vị quan chức này nói thêm tỷ trọng khí trong sản xuất điện nhiều khả năng sẽ giảm trong năm nay.

 

"Thật cay đắng nhưng đây là điều cần làm để giảm tiêu thụ khí đốt", ông Robert Habeck nói.

Một đạo luật gồm các biện pháp mới sẽ được thông qua trong những tuần tới, ông cho biết thêm. Bộ trưởng Habeck nhấn mạnh việc tăng cường sử dụng than chỉ là "tạm thời" do tình hình ngày càng "xấu đi" trên thị trường khí đốt.

Cùng ngày, Áo cũng đưa ra quyết định tương tự. Chính phủ Áo cho biết sẽ làm việc với tập đoàn Verbund, doanh nghiệp cung cấp điện chính của nước này, để vận hành trở lại nhà máy nhiệt điện than Mellach ở thành phố cùng tên.

 

Vũ Hạo (Theo WSJ)

FILI

Các tin tức khác

>   Giá xăng ngày mai tiếp tục lập kỷ lục mới? (20/06/2022)

>   Tạm giữ khẩn cấp 9 người liên quan đến vụ sản xuất hàng triệu lít xăng dầu giả (19/06/2022)

>   Bộ Tài chính đề xuất giảm thêm 1,000 đồng/lít thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu (19/06/2022)

>   Doanh nghiệp Thái Lan góp tiền cùng chính phủ bình ổn giá xăng, dầu (18/06/2022)

>   Mỹ lo “sốt vó” khi EU ra lệnh cấm bảo hiểm cho tàu chở dầu Nga (17/06/2022)

>   Dầu WTI tăng 2% (17/06/2022)

>   Bộ Công Thương nói gì về đề xuất bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu? (16/06/2022)

>   Giá xăng có thể về 23.000 đồng/lít nhờ bỏ thuế? (16/06/2022)

>   Quỹ bình ổn xăng dầu hoạt động ra sao trong 12 kỳ tăng giá? (16/06/2022)

>   Dầu giảm 2% khi Fed nâng lãi suất (16/06/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật