Mỹ lo “sốt vó” khi EU ra lệnh cấm bảo hiểm cho tàu chở dầu Nga
Mỹ lo ngại rằng lệnh cấm cung cấp bảo hiểm cho các tàu chở dầu Nga có thể khiến giá dầu thô thế giới tiếp tục tăng cao. Nước này đang phải vật lộn với lạm phát 8,6% - mức cao nhất trong 40 năm trở lại đây – trong khi chuẩn bị bước vào cuộc bầu cử giữa kỳ vào cuối năm nay...
Một tàu chở dầu của Nga đậu ở cửa sông Forth, Scotland - Ảnh: Getty Images
|
Vào cuối tháng 5, Liên minh châu Âu (EU) và Anh đã thống nhất ban hành lệnh cấm các doanh nghiệp châu Âu cung cấp bảo hiểm cho các tàu chở dầu của Nga.
Đây là một trong những biện pháp thuộc gói trừng phạt thứ 6 của EU đối với Nga nhằm phản ứng với cuộc chiến tranh do Moscow khởi xướng ở Ukraine.
Tuy nhiên, lo ngại rằng biện pháp này có thể khiến giá dầu thô toàn cầu tăng cao hơn, Mỹ đang thúc giục EU tìm cách giảm bớt tác động của lệnh cấm.
Theo Financial Times, lệnh cấm này đã được EU ban hành thành luật và có thể trì hoãn trước khi được đưa vào thực thi. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo khối phản đối việc điều chỉnh lệnh cấm. Còn Anh dù đồng ý xem xét tác động của lệnh cấm này nhưng chưa đưa ra các biện pháp của riêng mình.
Mối quan ngại của Washington cũng là nỗi lo của giới phân tích về việc lệnh cấm bảo hiểm có thể khiến nhiều tàu chở dầu không thể vận chuyển dầu thô của Nga bởi sự thống trị của châu Âu trong lĩnh vực bảo hiểm.
Phía Mỹ cũng đang tìm các phương án để đảm bảo rằng lệnh cấm này sẽ không đẩy giá dầu thô lên cao. Tuy nhiên, một số đề xuất như cho phép cung cấp bảo hiểm với tàu dầu có giá trị dưới một mức giới hạn nhất định hoặc áp thuế đối với đầu nhập khẩu không nhận được sự đồng tình của các nhà lãnh đạo châu Âu.
Ở Mỹ, chính quyền Tổng thống Joe Biden đang phải vật lộn với lạm phát 8,6% - mức cao nhất trong 40 năm trở lại đây – trong khi nước này chuẩn bị bước vào cuộc bầu cử giữa kỳ vào cuối năm nay. Đây là những yếu tố khiến Washington nhạy cảm với vấn đề này.
“Họ lo sợ rằng giá cả sẽ leo thang”, một quan chức châu Âu nhìn nhận lập trường của Mỹ. “Washington đang gây áp lực với các đối tác trong nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) về vấn đề này”.
Giá đầu thô Brent đã tăng từ mức khoảng 100 USD/thùng vào đầu tháng 5 lên khoảng 120 USD/thùng. Theo các nhà phân tích, nguyên nhân cho sự tăng giá này chính là lệnh cấm bảo hiểm của EU và Anh đối với các tàu chở dầu Nga.
Đầu tháng này, Wendy Sherman, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ, cho biết đã có “rất nhiều cuộc thảo luận” về cách thực hiện lệnh cấm bảo hiểm để không “vô tình làm tăng thêm chi phí dầu và khí đốt cho người dân”.
Bà Sherman nhấn mạnh rằng việc này vẫn đang được thực hiện với “các cuộc thảo luận rất căng thẳng giữa Mỹ và châu Âu để thực hiện lệnh cấm theo cách thực sự mang tính xây dựng – đó là khiến Nga bị tổn thương chứ không phải làm tổn thương châu Âu hay phần còn lại của thế giới”.
Mỹ lo ngại lệnh cấm bảo hiểm của EU và Anh sẽ đẩy giá dầu lên cao, làm tăng giá xăng dầu trong bối cảnh cuộc bầu cử giữa kỳ đang kề cận - Ảnh: Shutterstock
|
Trong khi đó, các quan chức EU nói rằng chủ đề này đã được đề cập tại các cuộc thảo luận cấp G7 và có thể sẽ được đưa ra các cuộc họp của các bộ trưởng tài chính EU trong tuần này.
Lệnh cấm bảo hiểm là một phần trong gói lệnh trừng phạt thứ sáu của EU đối với Nga, trong đó trọng tâm là lệnh cấm nhằm vào dầu được vận chuyển theo đường biển. Dầu vận chuyển qua đường ống từ Nga và EU được miễn trừ tạm thời.
EU đã thúc đẩy các biện pháp cấm vận của mình sau khi đạt một thỏa thuận với Anh rằng nước này cũng sẽ thực hiện biện pháp tương tự, trong đó đảm bảo rằng thị trường bảo hiểm Lloyd's tại London – trung tâm của bảo hiểm hàng hải toàn cầu - duy trì các tiêu chuẩn tương tự.
Theo các nhà lãnh đạo doanh nghiệp trong lĩnh vực bảo hiểm, lệnh cấm bảo hiểm đã giải quyết được lỗ hổng của lệnh cấm vận chuyển dầu mỏ Nga theo đường biển của EU bởi Nga có thể chỉ cần chuyển hướng vận chuyển dầu sang các khu vực khác trên thế giới.
Tuy nhiên, trong một báo cáo vào cuối tuần trước, Olivier Blanchard, cựu kinh tế trưởng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nhận định lệnh cấm bảo hiểm của EU-Anh là “ý tưởng tồi tệ” và cần được cân nhắc lại.
“Các tàu chở dầu sẽ hoàn toàn không thể vận chuyển được dầu mỏ của Nga. Hậu quả là – có thể là hậu quả rất lớn – làm giảm lượng dầu xuất khẩu của Nga. Tất nhiên Nga sẽ mất đi doanh thu vì việc này, nhưng châu Âu và Mỹ có thể sẽ chịu tác động lớn do giá dầu thế giới tăng đáng kể”, ông Blanchard phân tích.
Tuy vậy, các quan chức EU cho biết khối này sẽ không rút lại lệnh cấm bảo hiểm – đã được ban hành thành luật vào ngày 3/6. Trong khi đó, Anh chưa có quan điểm rõ ràng về vấn đề này và chưa đưa ra các biện pháp thực thi lệnh cấm của riêng mình, và chính phủ của Thủ tướng Boris Johnsson cũng lo ngại về việc giá dầu tăng.
Đức Anh
VnEconomy
|