Đẩy nhanh xây dựng cao tốc động lực Nam Trung Bộ - Tây Nguyên
Cùng với việc đẩy nhanh công tác chuẩn bị xây dựng, các địa phương đã quy hoạch các cụm công nghiệp, logistics, chợ đầu mối trên tuyến cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột nhằm khai thác các tiềm năng khi tuyến đường này đi vào hoạt động.
Hai tỉnh Khánh Hòa và Đắk Lắk đang khẩn trương phối hợp với các bộ ngành, đơn vị liên quan chuẩn bị các điều kiện để khởi công xây dựng tuyến cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột sau khi dự án được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư giai đoạn 1.
Khai thác tiềm năng của cao tốc
Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột dài 117,5 km, điểm đầu tại nút giao giữa Quốc lộ 26B và Quốc lộ 1 (khu vực cảng Nam Vân Phong, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa), điểm cuối giao cắt với đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía Đông TP Buôn Ma Thuột tại km12+450 (thuộc địa phận xã Hòa Đông, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk).
Dự án có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 gần 22.000 tỉ đồng. Theo kế hoạch, năm 2022 các địa phương triển khai các bước chuẩn bị đầu tư, năm 2023 khởi công và hoàn thành, đưa vào khai thác đồng bộ năm 2027.
Cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột nhằm kết nối vùng Tây Nguyên với duyên hải Nam Trung Bộ, phát huy hiệu quả các dự án đã và đang đầu tư, kết nối các trung tâm kinh tế, cảng biển, đáp ứng nhu cầu vận tải. Bên cạnh đó, tạo dư địa, động lực không gian phát triển vùng Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Phạm Ngọc Nghị (đeo khẩu trang) cùng đoàn công tác khảo sát thực tế tuyến cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột Ảnh: CAO NGUYÊN
|
Tại chuyến khảo sát mới đây, ông Phạm Ngọc Nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, đã yêu cầu đơn vị tư vấn khẩn trương khảo sát cụ thể để sớm cắm mốc tuyến. Khi hoàn thành cắm mốc, tỉnh sẽ bàn giao và các huyện phải chịu trách nhiệm trước tỉnh nếu xảy ra việc có tổ chức, cá nhân xây dựng công trình, trồng cây trên khu vực có dự án đi qua với mục đích chờ bồi thường. Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cũng yêu cầu các sở, ngành và địa phương liên quan phải đẩy nhanh việc thực hiện thủ tục cấp phép mỏ vật liệu để đáp ứng việc thi công, khẩn trương hoàn thiện công tác nhân sự phục vụ dự án.
Ông Lê Đình Chiến, Phó chủ tịch UBND huyện Ea Kar, cho biết cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột đi qua địa bàn khoảng 15 km. Huyện đã thực hiện nhiều công việc chuẩn bị cho việc thi công như điều chỉnh đường tránh ngập của tỉnh, chuẩn bị đường đấu nối vào cao tốc, khái toán bồi thường, giải phóng mặt bằng. Huyện cũng đã phối hợp quy hoạch bãi đào đắp đất với diện tích hơn 200 ha, chuẩn bị các điều kiện khai thác các mỏ đá để thi công. Huyện cũng đã vận động người dân nơi dự kiến cao tốc chạy qua không trồng cây cối, xây dựng công trình, chống trục lợi từ dự án. "Nhằm khai thác các tiềm năng, lợi thế, huyện cũng đã quy hoạch Cụm Công nghiệp Ea Ô với diện tích 75 ha, khu logistics 50 ha, chợ đầu mối trên các tuyến đường đấu nối vào cao tốc" - ông Chiến cho biết thêm.
Chuẩn bị vốn đối ứng
UBND tỉnh Khánh Hòa cũng vừa có văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) góp ý Đề án thực hiện đường bộ cao tốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong văn bản này, tỉnh Khánh Hòa có đề nghị cập nhật lại tuyến cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột. Theo đó, 2 tỉnh Khánh Hòa, Đắk Lắk đã thống nhất tuyến cao tốc trên dài 117,5 km nhưng trong đề án của Bộ GTVT tuyến cao tốc này chỉ mới dài 105 km.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Khánh Hòa cũng vừa có văn bản gửi Bộ Kế hoạch - Đầu tư và Bộ GTVT về việc cam kết làm chủ đầu tư và bố trí vốn địa phương tham gia đầu tư Dự án thành phần đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột với mức 50% chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng của đoạn tuyến đi qua địa phận tỉnh từ Km 0+00 đến Km 32+00. Đến nay, HĐND tỉnh Khánh Hòa đã thông qua Nghị quyết về việc cam kết phân bổ nguồn vốn ngân sách địa phương tham gia thực hiện dự án thành phần cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột với số tiền dự kiến là 348,5 tỉ đồng (bảo đảm đạt tối thiểu 50% kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng đoạn đi qua địa phận tỉnh Khánh Hòa). Số vốn phân bổ chính thức sẽ thực hiện theo hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và báo cáo nghiên cứu khả thi được cấp thẩm quyền phê duyệt.
Riêng diện tích đất rừng bị dự án cao tốc nói trên chiếm dụng là hơn 471 ha (tỉnh Đắk Lắk khoảng 408 ha và tỉnh Khánh Hòa khoảng 62 ha). Trong đó, diện tích có rừng cần chuyển đổi mục đích sử dụng khoảng 219 ha (tỉnh Đắk Lắk khoảng 176,7 ha và tỉnh Khánh Hòa khoảng 42,6 ha). Hiện UBND tỉnh Khánh Hòa đã có tờ trình gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định hồ sơ, tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng đối với diện tích rừng này.
Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, vừa có buổi làm việc với Ban Quản lý Dự án 6 (Bộ GTVT) và đề nghị đơn vị này sớm xác định ranh giới tuyến để có số liệu chính xác, cụ thể về đất rừng, đất trồng lúa 2 vụ, từ đó có phương án chuyển đổi phục vụ dự án; nghiên cứu khu vực tái định cư, bãi đổ thải, vật liệu phục vụ dự án, lên phương án giải phóng mặt bằng bảo đảm đúng các quy định.
Đầu tư cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành
Thủ tướng Chính phủ vừa yêu cầu Bộ GTVT đẩy nhanh thủ tục và hướng dẫn các nhà đầu tư để sớm khởi công cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) theo phương thức đối tác công tư (PPP), hoàn thành trong năm 2025. Dự án dài 140 km được quy hoạch với quy mô 6 làn xe, tốc độ thiết kế 80-100 km/giờ với tổng mức đầu tư dự kiến hơn 26.000 tỉ đồng. Khi đưa vào sử dụng sẽ mở ra cơ hội giúp kết nối giao thông liên vùng Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và TP HCM, tạo động lực để Đắk Nông và Bình Phước phát triển nhanh, bền vững. Hiện tỉnh Bình Phước cam kết cân đối 3.000 tỉ đồng, tỉnh Đắk Nông cân đối 1.000 tỉ đồng. Tập đoàn Vingroup và Ngân hàng Techcombank được Bộ GTVT chấp thuận lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng.
|
Cao Nguyên Kỳ Nam
Người lao động
|