Thứ Hai, 27/06/2022 21:11

Vụ cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi: Cựu giám đốc tự nhận 'có công' giữ lại 106 tỷ đồng

Khi xét hỏi, bị cáo Hoàng Việt Hưng (cựu Giám đốc Ban quản lý dự án cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi) cho rằng, anh ta là người giữ lại số tiền lớn 106 tỷ đồng cho dự án, cương quyết không thực hiện thanh toán cho tư vấn giám sát.

Sau gần một ngày công bố lại bản án sơ thẩm, cuối giờ chiều 27/6, HĐXX TAND cấp cao tại Hà Nội xét hỏi 19 bị cáo có đơn kháng cáo trong vụ án sai phạm tại Dự án cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi.

Trả lời đầu tiên, bị cáo Hoàng Việt Hưng (cựu Giám đốc Ban quản lý dự án cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi) đề nghị tòa xem xét khoản tiền mà bị cáo đang phải chịu trách nhiệm.

Theo lời khai của Hưng, anh ta giữ chức vụ Giám đốc Ban quản lý dự án từ ngày 14/5/2014 - 7/9/2017. Giai đoạn này, Hưng thay mặt chủ đầu tư quản lý tổng thể dự án.

Liên quan đến chất lượng công trình, bị cáo Hưng cho biết, trong thời gian phụ trách dự án, bị cáo có đi cùng đoàn của Cục Giám định và quản lý chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT) nên hiểu rõ nội dung văn bản chỉ đạo của Bộ này. Theo đó, văn bản của Bộ GTVT chỉ nêu về việc tăng cường nghiên cứu, kiểm tra chất lượng mỏ đá và bị cáo Hưng cho biết có tham gia cuộc họp ngày 21/7/2017, có ký vào biên bản nghiệm thu cơ sở, nhưng bị cáo không phê duyệt những nội dung liên quan đến chất lượng nhà thầu.

19 bị cáo tại tòa phúc thẩm.

Giữ lại 106 tỷ đồng cho dự án?

Còn về số thiệt hại trong vụ án, bị cáo Hưng đề nghị HĐXX xem xét lại khoản bồi thường mà bị cáo đang bị quy kết; đồng thời cho rằng, chính anh ta là người giữ lại số tiền 106 tỷ đồng cho dự án, cương quyết không thực hiện thanh toán cho tư vấn giám sát. Việc giữ tiền này, bị cáo nói có đủ tài liệu để chứng minh.

Bị cáo Hưng khai lý do từ chối thanh toán là vì, lúc này, dư luận báo chí nêu nhiều vấn đề và Cơ quan điều tra đang vào cuộc xác minh nên bị cáo không làm thủ tục hoàn tất hồ sơ, quyết giữ lại số tiền, không thanh toán cho tư vấn giám sát.

Theo truy tố, Hoàng Việt Hưng trong thời gian giữ chức vụ Giám đốc Ban quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đã chấp thuận bản vẽ thi công, chấp thuận vật liệu nguồn; ký Biên bản nghiệm thu cơ sở ngày 21/7/2017 và các hồ sơ thanh toán (IPC), gây thiệt hại và phải chịu trách nhiệm đối với số tiền 811 tỷ đồng.

Đến lượt mình, bị cáo Lê Nhiều (Phó giám đốc Ban quản lý dự án cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, cựu Giám đốc gói thầu số 1, số 2, số 3B) không trình bày nhiều, chỉ mong được tòa phúc thẩm lưu tâm đến những tình tiết gia đình bị cáo có công với cách mạng. Bị cáo đã nộp thêm tài liệu thể hiện bản thân có đóng góp cho dự án để mong được xem xét giảm nhẹ hơn mức án 4 năm 6 tháng tù mà cấp sơ thẩm tuyên.

Bản cáo trạng cáo buộc ông Lê Nhiều trực tiếp ký các tài liệu để tổ chức thi công, nghiệm thu; chấp thuận bản vẽ thi công; chấp thuận vật liệu nguồn; biên bản chuyển giai đoạn, nghiệm thu đối với các lớp vật liệu.

Ngoài ra, ngày 21/7/2017, với tư cách là Phó giám đốc Ban quản lý dự án kiêm Giám đốc gói thầu số 1, số 2 và 3B, bị cáo Nhiều đã ký biên bản cuộc họp Hội đồng nghiệm thu cơ sở của chủ đầu tư, kết luận các hạng mục thi công dự án đúng hồ sơ thiết kế, chất lượng đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, nhất trí nghiệm thu để đưa công trình vào sử dụng. Khi tuyên án, HĐXX sơ thẩm xác định hành vi của Lê Nhiều cùng đồng phạm đã gây thiệt hại và phải chịu trách nhiệm với số tiền 207 tỷ đồng.

Các bị cáo còn lại khi xét hỏi cũng xin tòa phúc thẩm xem xét, đánh giá những tình tiết liên quan đến hoàn cảnh gia đình, tự nguyện nộp tiền khắc phục hậu quả... từ đó, hủy các lệnh kê biên tài sản và giảm nhẹ án.

Tháng 12/2021, TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm, tuyên phạt 35 bị cáo các mức án từ 24 tháng tù treo đến 8 năm 6 tháng tù giam; 1 bị cáo được HĐXX xem xét miễn xử lý trách nhiệm hình sự.

Theo bản án sơ thẩm, dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi do VEC làm chủ đầu tư, có tổng chiều dài toàn tuyến là hơn 139km, từ TP Đà Nẵng - TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi. Đây là công trình trọng điểm quốc gia, chi phí đầu tư hơn 34.500 tỷ đồng, song chủ đầu tư, các đơn vị thi công đã không tuân thủ đúng yêu cầu kỹ thuật, dẫn đến sau một thời gian vận hành khai thác, 65km đường giai đoạn I, từ TP Đà Nẵng - TP Tam Kỳ, xảy ra hỏng hóc, gây mất an toàn giao thông.

Dù chất lượng dự án không đảm bảo, các bị cáo vẫn ký nghiệm thu đưa vào sử dụng và thanh toán cho đơn vị thi công hơn 811 tỷ đồng.

Hoàng An

Tiền phong

Các tin tức khác

>   Cần sớm di dời bến cũ để 'cứu' Bến xe Miền Đông mới (26/06/2022)

>   Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu được áp dụng các cơ chế, chính sách đặc biệt (25/06/2022)

>   Nhận diện "vùng trũng" thị trường bất động sản Bình Dương (27/06/2022)

>   Sẽ có tiêu chuẩn quốc gia đối với loại hình nhà ở riêng lẻ (23/06/2022)

>   Tân Uyên tập trung hoàn thiện quy hoạch, sẵn sàng lên thành phố (23/06/2022)

>   Điều chỉnh quy hoạch phá nát hạ tầng: Sửa sai thế nào? (21/06/2022)

>   Gỡ điểm nghẽn về đất đai trong cổ phần hóa doanh nghiệp (19/06/2022)

>   Cấp bách làm đường sắt TP.HCM - Cần Thơ để đột phá kinh tế toàn vùng (17/06/2022)

>   Quốc hội đồng ý đầu tư 3 dự án cao tốc phía Nam với tổng mức đầu tư hơn 84 ngàn tỷ (16/06/2022)

>   Thu hút ''đại bàng'', các khu công nghiệp cần có hệ sinh thái dịch vụ đồng bộ (10/06/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật