Chứng khoán toàn cầu còn chưa chạm đáy?
Nhiều chiến lược gia có quan điểm bi quan về chứng khoán toàn cầu, cho rằng thị trường sẽ còn xấu đi trước khi có thể tốt lên...
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
|
Nhà đầu tư nổi tiếng, tỷ phú Ray Dalio đã đúng khi đặt cược vào sự giảm giá của cổ phiếu ở châu Âu và thị trường chứng khoán toàn cầu vẫn còn chặng đường gập ghềnh phía trước. Đây là nhận định mà ông Beat Wittman, chiến lược gia của công ty tư vấn Porta Advisors có trụ sở ở Zurich, đưa ra trong một cuộc trao đổi với hãng tin CNBC.
Công ty quản lý quỹ phòng hộ Bridgewater Associates của ông Dalio đang có trạng thái ít nhất 6,7 tỷ USD bán khống (short) cổ phiếu châu Âu – theo dữ liệu của công ty Breakout Point.
“Tôi nghĩ là ông ấy đúng ở mặt này của câu chuyện, và thật là thú vị khi chứng kiến đâu là những chiến lược mang lại kết quả tốt nhất trong năm nay”, ông Wittmann nói với hãng tin CNBC.
“Về cơ bản, đây là chiến lượng định lượng dựa trên xu hướng. Không có gì đáng ngạc nhiên, chiến lược này đang cho kết quả rất tốt. Trong khi đó, chiến lược giá xuống-giá lên (short-long) khá thảm hoạ, và dĩ nhiên, chiến lược giá lên là dở nhất. Tôi nghĩ ở thời điểm hiện tại, ông ấy đang đúng với chiến lược đầu tư của mình”, ông Wittman nhận định về chiến lược của ông Dalio.
Chỉ số Stoxx 600 của thị trường chứng khoán châu Âu đã giảm hơn 16% từ đầu năm đến nay, nhưng mức giảm này vẫn còn khiêm tốn nếu so với mức giảm hơn 23% của chỉ số S&P 500 của thị trường chứng khoán Mỹ trong cùng khoảng thời gian.
Tuy nhiên, vị trí gần kề của châu Âu với cuộc chiến tranh Nga-Ukraine, cộng thêm khủng hoảng năng lượng và những thách thức kinh tế vĩ mô toàn cầu gồm lạm phát cao và những vấn đề về chuỗi cung ứng, đã khiến nhiều nhà phân tích hạ triển vọng thị trường chứng khoán khu vực.
Không chỉ đặt cược vào sự đi xuống của chứng khoán châu Âu, Bridgewater còn có quan điểm bi quan về kinh tế toàn cầu và có sự chuẩn bị cho tình trạng bán tháo trên thị trường trái phiếu kho bạc Mỹ, cổ phiếu Mỹ, và trái phiếu doanh nghiệp ở cả Mỹ và châu Âu.
Ông Wittmann cũng có quan điểm bi quan tương tự về chứng khoán toàn cầu, cho rằng thị trường sẽ còn xấu đi trước khi có thể tốt lên.
“Tôi không nghĩ là các chỉ số đã ở gần đáy. Và chúng ta cung không thể so sánh những đợt suy giảm bình quân của thị trường trong suốt 40 năm qua, khi về cơ bản chúng ta có một xu hướng thiểu phát (disinflation) kể từ thời Paul Volcker”, vị chuyên gia nói.
Ông Volcker là Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) từ năm 1979 đến năm 1987, là người tăng mạnh lãi suất để “hãm phanh” lạm phát cao trong thập niên 1970 và đầu thập niên 1980, nhưng tác dụng phụ của việc tăng lãi suất này là tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ tăng vọt lên mức khoảng 11% vào năm 1981.
“Chúng ta đang có một môi trường vĩ mô thực sự phức tạp, với lạm phát ngoài tầm kiểm soát. nếu nhìn vào thực tế trên thị trường Mỹ, chúng ta thấy lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ dài hạn đang là 3,5%, thất nghiệp dưới 4%, và lạm phát trên 8%, có nghĩa là lãi suất thực hầu như không xê dịch”, ông Wittman nói.
“Nếu nhìn vào các chỉ báo rủi ro như chỉ số biến động, chênh lệch tín dụng, tỷ lệ vỡ nợ… tất cả đều chưa đi được một nửa quãng đường để hình thành mức đáy chuẩn của một thị trường giá xuống. Vì thế, sự bán tài sản sẽ tiếp diễn”.
Nhiều cổ phiếu công nghệ, cổ phiếu meme và tiền ảo đã bị bán tháo dữ dội kể từ khi các ngân hàng trung ương chuyển sang lập trường chính sách tiền tệ cứng rắn để kiểm soát lạm phát. Tuy nhiên, ông Wittmann nói rằng thị trường tài chính nói chung sẽ còn đi xuống.
“Tôi cho rằng những chỉ báo quan trọng vẫn chưa đạt tới ngưỡng cho thấy đã đến lúc mua vào. Bởi vậy, nỗi đau sẽ còn tiếp tục”, ông cảnh báo.
Bình Minh
VnEconomy
|