Thứ Năm, 05/05/2022 10:44

Nhật Bản, Indonesia và loạt quốc gia châu Á cân nhắc áp dụng tuần làm việc 4 ngày

Các doanh nghiệp và Chính phủ trên khắp châu Á đang thận trọng thử nghiệm ý tưởng tuần làm việc 4 ngày trong bối cảnh thời gian làm việc kéo dài nhưng kém năng suất đang ảnh hưởng tới sức khỏe tinh thần và thể chất của người lao động...

Nhật Bản, Indonesia và loạt quốc gia châu Á cân nhắc áp dụng tuần làm việc 4 ngày

Nhật Bản nổi tiếng với văn hóa làm việc kiệt sức - Ảnh: Nikkei Asia

Theo Nikkei Asia, Nhật Bản - nơi từ lâu được biết đến với văn hóa làm việc gây kiệt quệ về thể chất lẫn tinh thần của người lao động - đang là quốc gia dẫn đầu xu hướng này ở châu Á.

Xu hướng mới mẻ tại châu Á

Một số doanh nghiệp hàng đầu của Nhật đã công bố kế hoạch giảm số ngày làm việc trong tuần. Tập đoàn Hitachi hồi tháng 4 cho biết sẽ áp dụng tuần làm việc 4 ngày với khoảng 15.000 nhân viên của mình trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2023. Cũng trong tháng này, hãng phát triển game Game Freak - nổi tiếng với loạt game Pokemon - thông báo đã áp dụng cơ chế làm việc 4 ngày/tuần với một số nhân viên. Các tên tuổi lớn khác như Panasonic Holdings và NEC cũng đang cân nhắc cơ chế tương tự.

Cũng tại châu Á, nhiều quốc gia cũng đang dần hướng tới tuần làm việc ngắn ngày hơn. Tại Indonesia, công ty cho vay ngang hàng Alami đã thực hiện cơ chế tuần làm việc 4 ngày từ năm ngoái nhằm cải thiện sức khỏe tinh thần và năng suất làm việc của nhân viên.

Sớm hơn nữa, công ty giáo dục Eduwill của Hàn Quốc đã áp dụng cơ chế tương tự từ năm 2019. Đây là công ty đầu tiên trong ngành giáo dục tại Hàn Quốc thực hiện cơ chế này.

Trong khi đó, Ấn Độ cũng đang chuẩn bị thực hiện 4 tiêu chuẩn về lao động trong năm nay, trong đó có sự thay đổi về giờ làm và mức lương. Theo các tiêu chuẩn này, người lao động có thể lựa chọn làm việc 4 ngày/tuần, dù tổng số làm việc mỗi tuần vẫn không đổi so với cơ chế hiện tại – tức gần 48 giờ.

Những động thái này diễn ra trong bối cảnh đại dịch Covid-19 khiến các doanh nghiệp cũng như người lao động thay đổi suy nghĩ về cách tiếp cận công việc. Nhiều khảo sát tại châu Á cho thấy tuần làm việc ngắn hơn là một trong những thay đổi được người lao động mong muốn nhất.

Nhiều quốc gia châu Á đang thúc đẩy việc rút ngắn tuần làm việc - Ảnh: JPT

Hãng nhân sự khổng lồ Nhật Bản Persol Holdings gần đây đã thực hiện khảo sát khoảng gần 1.000 người lao động về chính sách mà họ mong muốn nhất. Theo đó, tỷ lệ lớn nhất, 23,5% người được hỏi, nói rằng họ muốn áp dụng cơ chế tuần làm việc 3-4 ngày/tuần.

Một báo cáo của Milieu Insight hồi tháng 2 cũng cho thấy xu hướng tương tự tại châu Á với 78% người tham gia khảo sát ở Việt Nam và 69% ở Indonesia bày tỏ khát khao mãnh liệt về tuần làm việc ngắn hơn.

Làm việc quá độ nhưng năng suất thấp

Tuy nhiên, đại dịch và tác động của nó tới phong cách làm việc chỉ là một phần của câu chuyện.  Việc các nước thúc đẩy việc áp dụng tuần làm việc ngắn hơn một phần bắt nguồn từ những phản ứng dữ dội với thời gian làm việc được đánh giá là “siêu dài” tại châu Á.

Tại Nhật, “karoshi” – từ dùng để chỉ văn hóa “làm việc đến chết” – là vấn đề nhức nhối kéo dài suốt nhiều thập kỷ. Các số liệu chính phủ cho thấy trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2021, có hơn 2.800 khiếu nại đòi bồi thường liên quan tới “karoshi”, tăng 43% so với 10 năm trước.

Vấn đề này một lần nữa thổi bùng làn sóng phản đối kịch liệt trong dư luận Nhật Bản khi một nhân viên 24 tuổi của hãng quảng cáo Dentsu tự tử sau khi làm việc kiệt sức ngoài giờ hành chính vào năm 2015.

Các nước láng giềng của Nhật như Trung Quốc và Hàn Quốc cũng được biết đến với văn hóa làm việc quá sức.

Trung Quốc có văn hóa làm việc “996”, phổ biến trong ngành công nghệ, trong đó người lao động làm việc từ 9h sáng tới 9h tối, 6 ngày/tuần. Còn ở Hàn Quốc, giờ làm việc bình quân năm 2020 của người lao động là 1.908 tiếng – mức cao nhất châu Á và cao hơn mức bình quân 221 tiếng của các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).

Cùng với giờ làm việc gây kiệt sức, nhiều quốc gia châu Á cũng vật lộn với tình trạng năng suất lao động thấp.

Theo một báo cáo năm 2021 của Tổ chức Năng suất châu Á (APO), ngoài Singapore, nhiều quốc gia châu Á theo sau các nước phương Tây về năng suất lao động. Năng suất lao động bình quân tại 10 nước thành viên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) thấp hơn 81% so với Mỹ.

Tuy nhiên, giới phân tích nhận định rằng chỉ các doanh nghiệp hành động là chưa đủ mà cần có sự vào cuộc của các Chính phủ.

Ở phương Tây, doanh nghiệp bắt buộc phải sắp đặt khoảng thời gian nghỉ giữa các ca làm việc và phải trả mức lương ngoài giờ hào phóng. Tuy nhiên, ví dụ ở Nhật Bản, mức lương ngoài giờ chỉ là lương cơ bản cộng thêm khoảng 25% - thấp hơn nhiều so với ở Mỹ hoặc Anh.

“Giờ làm thêm ở Nhật là món hời với các doanh nghiệp”, Yoshie Komuro, CEO hãng tư vấn Work Life Balance tại Tokyo, nhận xét đồng thời kêu gọi các chính phủ nên thúc đẩy doanh nghiệp “đánh giá năng suất lao động của nhân viên một cách hiệu quả”.

Tuy nhiên, không phải mọi chính phủ đều đồng tình với ý tưởng tuần làm việc ngắn ngày hơn. Tại Trung Quốc, Bộ Nhân lực và An sinh Xã hội năm ngoái đã “dội gáo nước lạnh” vào đề xuất áp dụng tuần làm việc 4,5 ngày (36 giờ) của các nhà làm luật.

"Không có cơ sở thực tế nào cho việc cắt ngắn hơn nữa giờ làm việc”, Bộ này nói, cho rằng việc này làm gia tăng chi phí và tạo gánh nặng cho doanh nghiệp. Bộ này nói rằng bên sử dụng lao động sẽ phải trả 150-300% mức lương cơ bản cho thời gian làm việc ngoài giờ của nhân viên.

Hoài Thu

VnEconomy

Các tin tức khác

>   Hỗ trợ công nhân tiền thuê nhà trọ: Sau hơn 1 tháng chưa giải ngân được đồng nào (05/05/2022)

>   Bùng phát thực phẩm nhà làm: Mua - bán dựa trên 'niềm tin'! (04/05/2022)

>   Người Nhật không còn tiền để 'mua sắm trả thù' (03/05/2022)

>   Trầm cảm, mất ngủ vì nghiện giao dịch coin (03/05/2022)

>   Giá cước xe công nghệ ở TP.HCM: Tăng nhanh, giảm chậm (29/04/2022)

>   TP.HCM cấm xe nhiều tuyến đường để tổ chức bắn pháo hoa lễ 30.4 - 1.5 (28/04/2022)

>   Cách tránh 'bẫy' combo du lịch dịp lễ 30/4 (28/04/2022)

>   Nhân viên văn phòng Hàn Quốc sốc vì chi phí tăng (28/04/2022)

>   Dù TP.HCM có 6 tuyến metro, 70% người dân vẫn chọn đi xe máy (27/04/2022)

>   Bộ Y tế cho phép tạm dừng khai báo y tế tại các cửa khẩu từ ngày 27/4 (27/04/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật