Thứ Hai, 16/05/2022 16:50

Nhà đầu tư Mỹ "đau đầu" tìm kênh đầu tư thay thế khi cổ phiếu giảm sâu

Nhà đầu tư hiện tỏ ra bối rối không biết bỏ tiền vào đâu khi hầu hết tài sản trên thị trường tài chính đều nhuốm sắc đỏ.

S&P 500 giảm 16% so với đầu năm 2022, đánh dấu khởi đầu năm tồi tệ nhất kể từ năm 1970, theo dữ liệu từ Dow Jones Market. Không chỉ cổ phiếu, các tài sản khác cũng đang giảm.

Vàng, vốn thường được xem là kênh trú ẩn an toàn, nay cũng lao dốc xuống dưới mốc 1,800 USD/oz. Một kênh trú ẩn truyền thống khác là trái phiếu cũng không thoát khỏi đà giảm. Việc cổ phiếu và trái phiếu cùng giảm đang phản ánh nỗi lo lắng của nhà đầu tư.

Ngay cả thị trường tiền kỹ thuật cũng đang lao dốc không phanh, với giá Bitcoin có lúc giảm hơn 50% trong năm 2022.

“Tài sản nào cũng giảm” là tình cảnh mà các nhà đầu tư đều đang phải đối mặt sau nhiều năm thị trường dường như chỉ có đi lên. Điều này diễn ra trong bối cảnh lạm phát đang tăng nóng và các NHTW đang đẩy nhanh quá trình thắt chặt tiền tệ. Ngoài ra, một số chuyên gia e sợ kinh tế Mỹ sẽ suy thoái nếu Fed nâng lãi suất quá nhanh.

Nhiều trader chia sẻ họ đang lùng sục các kênh đầu tư khác trong bối cảnh thị trường cổ phiếu giảm sâu. Tuy nhiên, các kênh đầu tư thay thế hiện cũng đang giảm bớt sức hấp dẫn trong thời gian gần đây.

Việc chuyển sang tiền mặt – một chiến lược thường thấy trong bối cảnh biến động mạnh – cũng không ổn khi lạm phát trên mốc 8%. Đầu tư vào bất động sản cũng không xong vì lãi suất vay thế chấp đang ngày càng tăng và giá nhà ở đang dao động quanh mức kỷ lục.

Một số chuyên gia cho rằng lựa chọn duy nhất cho nhà đầu tư lúc này là hãy ngồi yên.

“Nhà đầu tư đang bị tê liệt trước diễn biến hiện nay”, Greg Swenson, đối tác sáng lập của ngân hàng đầu tư Brigg Macadam, cho hay. “Thậm chí khi bán ra, họ cũng không biết tái đầu tư vào đâu”.

Một số nhà đầu tư vẫn tiếp tục giữ cổ phiếu vì cho rằng họ rồi cũng sẽ được tưởng thưởng xứng đáng vì sự kiên định của mình. Những nhà đầu tư này thậm chí còn mua thêm trong những ngày giảm mạnh. Trong khi đó, những nhà đầu tư khác nắm giữ vì không nghĩ ra một kênh đầu tư nào tốt hơn.

Một phân tích gần đây từ Bank of America chỉ ra dòng vốn rút ra từ các quỹ cổ phiếu vẫn còn tương đối nhỏ. Ngân hàng này ước tính cứ mỗi 100 USD rót vào thị trường từ đầu năm 2021, thì tới nay chỉ có 4 USD được rút ra. Đây là con số dựa trên dữ liệu tính tới ngày 11/05 từ EPFR, vốn theo dõi động thái từ các nhà đầu tư nhỏ lẻ và tổ chức ở các quỹ ETF và quỹ tương hỗ.

Điều này hàm ý rằng nhà đầu tư vẫn chưa hoảng loạn, nhưng cũng cho thấy cổ phiếu vẫn còn có thể giảm thêm. Trong đợt bán tháo vì Covid-19 vào đầu năm 2020, các nhà đầu tư rút ra 61 USD trên mỗi 100 USD đã đầu tư trước đó, theo dữ liệu từ Bank of America. Trong bối cảnh khủng hoảng tài chính, tình hình còn tệ hơn: Nhà đầu tư rút tới 113 USD trên mỗi 100 USD họ bỏ vào.

Cuối tháng 4/2022, khoảng 59% nhà đầu tư nhỏ lẻ dự báo thị trường chứng khoán sẽ giảm trong 6 tháng tới, theo khảo sát của Hiệp hội Nhà đầu tư Nhỏ lẻ Mỹ (AAII). Đây là tỷ lệ cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008-2009. Tuy nhiên, trong cùng tháng đó, cổ phiếu chiếm 70% danh mục của họ, cũng gần mức cao nhất kể từ năm 2018.

Nhà đầu tư đang bị giằng co giữa 2 mong muốn: Một kênh an toàn để bỏ tiền và mong muốn có lãi.

Chẳng hạn như quỹ thị trường tiền tệ. 7 trong số 11 tuần kể từ khi Nga tiến công vào Ukraine, nhà đầu tư rút ròng tổng cộng 186 tỷ USD khỏi các quỹ thị trường tiền tệ, theo EPFR. Trong 4 tuần còn lại, họ rót ròng tổng cộng 132 tỷ USD.

Al Catella đã ngừng kiểm tra tài khoản chứng khoán vì nghĩ rằng tốt hơn là không nên biết. Ông Catella thích các cổ phiếu có cổ tức cao như Chevron và Lockheed – vốn có hiệu suất dương trong năm nay. Tuy nhiên, danh mục của ông có khả năng cũng bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đà giảm của cổ phiếu Comcast và JPMorgan Chase.

Ông muốn tiền của mình phải sinh lời, nhưng giờ lại không biết bỏ tiền vào đâu. “Tôi hơi lo ngại về việc gia nhập thị trường vào thời điểm này”, ông Catella – một luật sư 84 tuổi – cho biết.

Hồi tháng 1/2022, giữa lúc thị trường cổ phiếu bắt đầu giảm, ông Catella đã chuyển dần danh mục sang trái phiếu. Tuy nhiên, giờ thì ông cảm thấy hối hận vì thành tích của trái phiếu cũng không khả quan trong năm nay.

“Họ nói trái phiếu là kênh phòng hộ tốt, nhưng dường như chúng chẳng giúp ích gì cho tôi cả”, ông nói.

“Thị trường vẫn còn khả năng giảm thêm”, Charlie McElligott, Chiến lược gia vĩ mô tại Nomura Securities International, cho hay. “Chẳng có nơi nào để trú ẩn tại thời điểm này”.

Florian Ielpo, Trưởng bộ phận vĩ mô tại Lombard Odier Investment Managers, cho biết nhóm của ông đã bắt đầu giảm tỷ trọng đầu tư từ tháng 1/2022. Hiện nay, 70% danh mục của công ty Lombard đang là tiền mặt vì không tìm thấy kênh đầu tư thay thế tại thời điểm này. Bên cạnh tiền mặt, quỹ Lombard cũng có một số khoản đầu tư nhỏ vào hàng hóa, cổ phiếu, trái phiếu và các chiến lược theo xu hướng khác.

“Chúng tôi đang tìm công cụ để đa dạng hóa”, ông Ielpo nhận định. “Hiện một số công cụ đa dạng hóa danh mục đã không còn hiệu quả nữa”.

Vũ Hạo (Theo WSJ)

FILI

Các tin tức khác

>   Cổ phiếu dầu khí đang là ''hàng hot'' ở Phố Wall (16/05/2022)

>   Sau khi bị “thổi bay” 11.000 tỉ đô la, cơn suy sụp của chứng khoán toàn cầu có thể chưa kết thúc (16/05/2022)

>   Elon Musk đang tính toán gì với Twitter? (15/05/2022)

>   Giới đầu tư lo chứng khoán Mỹ chưa chạm đáy (14/05/2022)

>   Vì sao chứng khoán Mỹ rớt thảm trong giai đoạn vừa qua? (14/05/2022)

>   Phố Wall khởi sắc, Nasdaq Composite vọt 3%, Dow Jones tăng hơn 400 điểm (14/05/2022)

>   Chứng khoán thế giới hồi phục mạnh, Dow Jones tăng hơn 500 điểm (13/05/2022)

>   Chứng khoán châu Á hồi phục mạnh, Nikkei 225 tăng gần 700 điểm (13/05/2022)

>   S&P 500 bốc hơi 7.000 tỷ USD từ đầu năm (13/05/2022)

>   Dow Jones giảm 6 phiên liên tiếp (13/05/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật