Giới đầu tư lo chứng khoán Mỹ chưa chạm đáy
Giới đầu tư đang nghiên cứu một loại chỉ số để tìm manh mối xem chứng khoán Mỹ có thể trượt dốc thêm bao nhiêu nữa. Một số dấu hiệu cho thấy đà sụt giảm vẫn chưa thể kết thúc.
Chứng khoán Mỹ liên tục trượt dốc nhưng có thể chưa chạm đáy. (Ảnh: Reuters)
|
Ngày 12/5, chỉ số S&P 500 tiếp tục mức giảm gần 20% so với mốc đỉnh điểm hồi tháng 1, trước khi phục hồi vào cuối tuần này, tiến gần đỉnh của thị trường gấu, trong bối cảnh đang có nhiều lo ngại rằng tình trạng lạm phát kéo dài sẽ khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục tăng lãi suất. Chỉ số nghiêng về công nghệ Nasdaq Composite còn giảm nhiều hơn, với mức 24,5% tính đến thời điểm này.
Bất chấp sự sụt giảm lớn như vậy, nhiều chỉ số được theo dõi rộng rãi chưa cho thấy sự hoảng loạn lan rộng, sự biến động quá lớn và bi quan hoàn toàn như đã xuất hiện trong những lần thị trường chạm đáy trước đây.
Thực tế là cổ phiếu đã tăng trong ngày 13/4, với một số công ty được yêu thích trong giai đoạn đại dịch như ARK Innovation ETF tăng với tỷ lệ 2 con số.
“Tôi không nghĩ chúng ta sẽ ra khỏi rừng rậm trong thời gian ngắn. Kỳ vọng của các nhà đầu tư đang được thiết lập lại đáng kể”, Mark Hackett, trưởng bộ phận nghiên cứu đầu tư tại hãng Nationwide, nhận định.
Chỉ số biến động Cboe – được coi là “thước đo mức độ sợ hãi của Phố Wall” – đang dao động quanh mốc 30, trong khi mức trung bình dài hạn là gần 18. Các mức đáy của thị trường trước đây thường tương ứng với chỉ số Cboe 37, và chỉ số này lên tới trên 80 vào tháng 3/2020 khi COVID-19 đang diễn biến nghiêm trọng. Sau đó, S&P 500 tăng hơn gấp đôi so với đáy nhờ gói kích thích chưa từng có tiền lệ của Fed.
Randy Frederick, phó chủ tịch giao dịch và phái sinh của hãng Charles Schwab ở Texas, đang nghĩ đến một mức tăng Cboe lên trên 40 trong thời gian tới, khi nỗi hoảng sợ thực sự xuất hiện.
“Nếu tôi chưa thấy sự hoảng sợ….điều đó có thể do thị trường chưa xuống đáy”, Frederick nói với Reuters.
Ngày 13/5, các nhà phân tích của hãng BofA Global Research chia sẻ danh sách kiểm tra đầu cơ, cho thấy rằng dù một số chỉ số, như lượng tiền mặt của nhà đầu tư, xuống đến mức nghiêm trọng, nhưng những chỉ số khác chưa lên đến mức như đỉnh điểm của các đợt bán tháo trước đây.
Trong tuần tới, giới đầu tư sẽ tập trung vào báo cáo doanh thu của các nhà bán lẻ lớn như Walmart và Home Depot, cùng với báo cáo doanh thu bán lẻ hằng tháng của Mỹ.
Tâm lý thị trường cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi kỳ vọng của các nhà đầu tư về mức độ quyết liệt của Fed trong thời gian còn lại của năm. Ngân hàng trung ương Mỹ đã tăng lãi suất cơ bản thêm 75 điểm kể từ tháng 3 và báo hiệu có thể tăng 50 điểm nữa trong 2 cuộc họp sắp tới.
“Tôi nghĩ bạn phải chờ ít nhất 2 hoặc 3 lần tăng với mức 50 điểm nữa trước khi có thể thấy bất kỳ dấu hiệu thực sự nào cho thấy mọi người đang quay lại”, Robert Pavlik, nhà quản lý danh mục đầu tư cấp cao của hãng quản lý tài sản Dakota Wealth Management, nhận định.
Bình Giang
Tiền phong
|