Khai thác dầu thô 4 tháng đạt 3,63 triệu tấn vượt 23% kế hoạch
Khai thác dầu thô 4 tháng đạt 3,63 triệu tấn, vượt 23% kế hoạch và bằng 41% kế hoạch cả năm nay; sản xuất đạm 4 tháng đạt 625.400 tấn, vượt 9% kế hoạch 4 tháng và tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bảo dưỡng giàn khoan trên biển. (Ảnh: Vietnam+)
|
Khai thác dầu thô 4 tháng của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đạt 3,63 triệu tấn, vượt 23% kế hoạch 4 tháng và bằng 41% kế hoạch cả năm nay.
Theo PVN, với sự quyết liệt, chủ động trong quản trị, điều hành, sự nỗ lực cao trong toàn hệ thống, trong 4 tháng qua, tập đoàn tiếp tục duy trì tốt nhịp độ sản xuất kinh doanh, hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu về sản xuất kinh doanh.
Cụ thể, khai thác dầu thô 4 tháng đạt 3,63 triệu tấn, vượt 23% kế hoạch và bằng 41% kế hoạch cả năm nay. Sản xuất đạm 4 tháng đạt 625.400 tấn, vượt 9% kế hoạch 4 tháng và tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái.
Với việc hoàn thành vượt mức nhiều chỉ tiêu sản xuất kinh doanh, tổng doanh thu toàn tập đoàn 4 tháng qua ước đạt 292.600 tỷ đồng, vượt 62% kế hoạch, bằng 52% kế hoạch cả năm và tăng 62% so với cùng kỳ năm ngoái. Nộp ngân sách toàn tập đoàn 4 tháng qua ước đạt 41.800 tỷ đồng, vượt 73% kế hoạch, bằng 65% kế hoạch cả năm nay và tăng 55% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong tháng 4/2022, việc triển khai đầu tư trong toàn tập đoàn tiếp tục được tập trung, đặc biệt tại các dự án trọng điểm. Hàng tuần, các lãnh đạo cao nhất của PVN thường xuyên tổ chức các buổi làm việc trực tiếp tại các công trường dự án như Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, dự án nâng cấp mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất, Dự án kho cảng LNG Sơn Mỹ, nhà máy nhiệt điện Long Phú 1; nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1…
Theo Tổng Giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng, mặc dù đạt được những kết quả khả quan trong 4 tháng đầu năm nhưng những khó khăn vẫn còn ở phía trước như các bất ổn của kinh tế thế giới, thị trường trong và ngoài nước, các vấn đề địa chính trị tiếp tục ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của PVN.
Vì vậy, để hoàn thành các nhiệm vụ sản xuất kinh doanh đã đề ra, PVN tiếp tục cập nhật, đánh giá, dự báo tình hình kinh tế vĩ mô và thị trường để cập nhật, điều chỉnh trong phương án quản trị điều hành của tập đoàn, đặc biệt trong vấn đề cung-cầu, bất ổn về giá và làn sóng lạm phát.
PVN sẽ giữ mục tiêu của tăng trưởng, mục tiêu sản lượng sản xuất, khai thác dầu, tối đa các sản phẩm chế biến để tận dụng cơ hội thị trường; tận dụng hệ thống mở rộng thị phần các sản phẩm khí.
Tập đoàn tập trung quản trị danh mục đầu tư trực tiếp và gián tiếp; tập trung chỉ đạo thúc đẩy các dự án trọng điểm, hoàn chỉnh các báo cáo nghiên cứu cơ hội đầu tư cho các dự án chiến lược của tập đoàn, đồng thời tạo điều kiện, hỗ trợ cho các đơn vị thành viên tham gia vào các dự án này; tiếp tục đẩy mạnh, hiện thực hóa các chuỗi liên kết; triển khai đồng bộ công tác chuyển đổi số; đẩy mạnh chương trình nghiên cứu khoa học dài hạn trong từng lĩnh vực, đặc biệt coi CO2 là tài nguyên để tập trung nghiên cứu, tận dụng, đồng bộ với dịch chuyển năng lượng./.
Anh Nguyễn
Vietnam+
|