Gánh nặng nợ phình to khi Trung Quốc tìm cách giải cứu nền kinh tế
Trung Quốc có thể phải gánh thêm nợ để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Các đợt phong tỏa liên tiếp đang làm suy yếu triển vọng kinh tế của nước này.
Theo CNBC, những tuần qua, bất chấp ảnh hưởng từ các đợt bùng phát Covid-19 mới, Trung Quốc vẫn phát đi tín hiệu rằng sẽ giữ nguyên mục tiêu tăng trưởng 5,5% trong năm nay.
Theo các nhà phân tích của ANZ Research, giới chức Trung Quốc cam kết đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP trong năm nay, bất chấp những rủi ro từ tình trạng gián đoạn do Covid-19 và căng thẳng địa chính trị.
Theo truyền thông nhà nước, tại cuộc họp của Bộ Chính trị Trung Quốc diễn ra hôm 29/4, các quan chức cam kết sẽ hỗ trợ nhiều hơn cho nền kinh tế nhằm đáp ứng mục tiêu tăng trưởng năm 2022.
Các biện pháp hỗ trợ bao gồm đầu tư cơ sở hạ tầng, cắt giảm thuế, những biện pháp thúc đẩy tiêu dùng và các chương trình hỗ trợ khác cho doanh nghiệp.
Bắc Kinh cam kết sẽ hỗ trợ nhiều hơn cho nền kinh tế nhằm đáp ứng mục tiêu tăng trưởng năm 2022 trong bối cảnh làn sóng Covid-19 mới. Ảnh: Reuters.
|
Gánh nặng nợ
Các tổ chức nước ngoài dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm nay sẽ thấp hơn đáng kể so với mục tiêu 5,5%. Hoạt động sản xuất đã lao dốc trong tháng 4. Theo giới quan sát, việc gia tăng hỗ trợ nền kinh tế đồng nghĩa với việc Trung Quốc sẽ phải gánh thêm nợ.
"Để đạt được mục tiêu tăng trưởng 5,5%, Trung Quốc có thể phải gánh thêm nợ", nhà kinh tế cấp cao Betty Wang và chiến lược gia cấp cao Zhaopeng Xing của ANZ Research nhận định.
Nói với CNBC, ông Andrew Tilton - nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Goldman Sachs - nhận định Trung Quốc sẽ tăng chi tiêu cho cơ sở hạ tầng.
Nhưng theo ông Tilton, các hạn chế liên quan đến Covid-19 được áp đặt ở mọi nơi là trở ngại lớn đối với nỗ lực tăng chi tiêu cơ sở hạ tầng của Trung Quốc.
"Các hạn chế được áp đặt ở mọi nơi trên đất nước, ngay cả tại những khu vực chưa ghi nhận bất cứ ca nhiễm nào", ông nói thêm.
Theo ông Tilton, Trung Quốc có thể chọn cách phát hành trái phiếu đặc biệt của chính quyền địa phương. Đó là những trái phiếu được phát hành bởi các đơn vị do chính quyền địa phương và khu vực thành lập, nhằm tài trợ cho những dự án cơ sở hạ tầng công cộng.
Sau một năm kìm kẹp, chính phủ cũng khuyến khích các tổ chức tài chính hỗ trợ những tập đoàn địa ốc.
Việc vay nợ nhiều hơn để thúc đẩy tăng trưởng sẽ là một bước lùi với Bắc Kinh. Trước khi đại dịch bùng phát, nước này đang tìm cách cắt giảm bom nợ vốn đã phình to.
Chính phủ Trung Quốc đã nhắm vào lĩnh vực bất động sản bằng cách đưa ra "3 lằn ranh đỏ". Những quy định này nhằm hạ đòn bẩy trong một ngành công nghiệp đã phát triển quá nóng.
Nhưng điều đó đã dẫn tới cuộc khủng hoảng nợ vào cuối năm ngoái, sau khi China Evergrande - tập đoàn bất động sản lớn thứ 2 Trung Quốc - và các công ty khác bắt đầu vỡ nợ.
Kinh tế chao đảo
Tuần trước, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã kêu gọi nỗ lực "toàn lực" để xây dựng cơ sở hạ tầng. Nước này đang chật vật duy trì tăng trưởng kinh tế kể từ khi làn sóng Covid-19 mới bùng phát.
Số ca nhiễm Covid-19 tại Trung Quốc tương đối thấp, nhưng việc nước này quyết liệt theo đuổi chiến lược Zero-Covid đã khiến 25 triệu cư dân tại Thượng Hải mắc kẹt trong nhà.
Đến nay, các nhà chức trách đã nới lỏng kiểm soát đối với Thượng Hải, nhưng những hạn chế được thắt chặt tại Bắc Kinh và một số thành phố khác.
Theo dữ liệu được Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố, chỉ số quản lý thu mua (PMI) trong lĩnh vực sản xuất của nước này đã lao dốc từ 49,5 trong tháng 3 xuống còn 47,4 vào tháng 4. Đây là mức thấp nhất kể từ tháng 2/2020.
Con số này thấp hơn mức dự báo trung bình 48 trước đó của các nhà kinh tế được Wall Street Journal khảo sát.
Theo Caixin Media Co. và công ty nghiên cứu IHS Markit, vào tháng 4, các hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ đã lao dốc với tốc độ nhanh nhất kể từ khi Covid-19 làm chao đảo thành phố Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc) hồi tháng 2/2020.
Các ngân hàng đầu tư đồng loạt hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc. Ảnh: Reuters.
|
Theo cuộc khảo sát của Phòng thương mại Liên minh châu Âu tại Trung Quốc, 23% doanh nghiệp được khảo sát đang cân nhắc chuyển các khoản đầu tư hiện tại và tương lai ra khỏi Trung Quốc. Đây là tỷ lệ cao nhất được ghi nhận kể từ năm 2012.
Các ngân hàng đầu tư và nhà phân tích tin rằng tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ thấp hơn mục tiêu 5,5%. Những dự báo dao động từ hơn 3% đến khoảng 4,5%.
"Với tác động của đợt bùng phát dịch Covid-19 đối với tiêu dùng và sản lượng công nghiệp trong nửa đầu năm 2022, chúng tôi cho rằng tăng trưởng GDP năm 2022 của Trung Quốc sẽ đạt gần 4,3%, với giả định nền kinh tế có thể bắt đầu phục hồi trước tháng 6 và tiếp tục đi lên sau đó”, Giám đốc đầu tư Stephane Monier của ngân hàng tư nhân Thụy Sĩ Lombard Odier nhận định.
"Nếu nền kinh tế tiếp tục hứng chịu những cú sốc như các đợt phong tỏa liên tiếp tại những khu vực thành thị trọng điểm, tăng trưởng cả năm chắc chắn sẽ giảm xuống dưới 4%", ông cảnh báo.
Thảo Phương
Zing.vn
|