CPI Mỹ tăng 8.3% trong tháng 4, quanh mức đỉnh 40 năm
Lạm phát tiếp tục tăng mạnh trong tháng 4/2022, qua đó tạo gánh nặng cho người tiêu dùng và đe dọa tới đà tăng trưởng kinh tế, Cục thống kê lao động Mỹ cho biết trong ngày 11/05.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4, thước đo giá cả hàng hóa và dịch vụ, tăng 8.3% so với một năm trước, cao hơn ước tính 8.1% của các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Dow Jones. Tuy giảm nhẹ so với mức đỉnh hồi tháng 3/2022 (8.5%), nhưng lạm phát Mỹ vẫn gần với mức cao nhất kể từ hè năm 1982.
Không tính giá thực phẩm và năng lượng, CPI lõi tăng 6.2%, cao hơn dự báo là 6%. Điều này làm giảm kỳ vọng cho rằng lạm phát đã đạt đỉnh vào tháng 3/2022.
Mức tăng so với tháng trước cũng cao hơn kỳ vọng. Cụ thể, CPI tháng 4 tăng 0.3% so với tháng 3, cao hơn ước tính tăng 0.2%. Trong khi đó, CPI lõi tăng 0.6% so với tháng trước, cũng cao hơn dự báo tăng 0.4%.
Lạm phát ở mức cao tiếp tục gây khó khăn cho người lao động. Trong tháng 4, tiền lương thực được điều chỉnh theo lạm phát tại Mỹ đã giảm 0.1% so với tháng trước, dù lương danh nghĩa tăng 0.3%. Trong năm qua, tiền lương thực đã giảm 2.6% mặc dù tiền lương trung bình cho mỗi giờ lao động tăng 5.5%.
Lạm phát đang là mối đe dọa lớn nhất với đà phục hồi kéo dài từ năm 2020 của kinh tế Mỹ. Vấn đề càng nghiêm trọng hơn khi lạm phát đã lan rộng từ giá xăng, hàng tạp hóa sang nhà ở, ôtô và một loạt lĩnh vực khác.
Các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đối phó với tình trạng lạm phát cao bằng hai lần tăng lãi suất trong năm nay và cam kết tiếp tục tăng đến khi lạm phát xuống 2%. Tuy nhiên, dữ liệu CPI mới công bố cho thấy Fed sẽ còn nhiều việc phải làm để thực hiện mục tiêu này.
Đà tăng của CPI diễn ra ngay cả khi giá năng lượng giảm 2.7% trong tháng qua, bao gồm cả mức giảm 6.1% của giá xăng. Chỉ số thực phẩm BLS tăng 0.9% trong tháng 4/2022. Trong giai đoạn 12 tháng, giá năng lượng vẫn tăng 30.3%, còn giá thực phẩm tăng 9.4%, theo dữ liệu chưa điều chỉnh.
“Chúng ta bắt đầu thấy giá năng lượng lùi lại một chút nhưng nhiêu đó là chưa đủ”, Kathy Jones, Trưởng bộ phận chiến lược tài sản có thu nhập cố định tại Charles Schwab, nhận định. “Thị trường đang hy vọng một con số tốt lành hơn và mức này chưa đủ để loại bỏ khả năng Fed thắt chặt chính sáchnhiều hơn”.
Chi phí nhà ở – vốn chiếm 1/3 tỷ trọng của CPI – tăng 0.5% so với tháng 3, tương đương mức tăng của 2 tháng trước đó. Trong giai đoạn 12 tháng, chi phí nhà ở tăng 5.1%, mức tăng nhanh nhất kể từ tháng 4/1993.
Giá xe hơi cũng góp phần lớn vào chỉ số lạm phát khi các vấn đề về chuỗi cung ứng đẩy giá xe lên cao. Giá xe cũ giảm 0.4% trong tháng, nhưng giá xe mới tăng 1.1%. Tính từ đầu năm, hai mặt hàng này tăng 22.7% và 13.2%.
Giá vé máy bay cũng tiếp tục tăng cao, với 18.6% trong tháng 4, do các chuyến công tác và kỳ nghỉ tăng mạnh.
Vũ Hạo (Theo CNBC)
FILI
|