Bitcoin rớt ngưỡng 29,000 USD, nhiều đồng tiền giảm 30-40% trong tuần qua
Làn sóng bán tháo lại ập đến thị trường tiền ảo sau sự sụp đổ của Terra và báo cáo lạm phát mới nhất từ phía Mỹ.
Giá Bitcoin rớt ngưỡng 29,000 USD vào lúc 9h40 ngày 12/05 (giờ Việt Nam), sau khi Mỹ công bố báo cáo cho thấy CPI Mỹ tăng 8.3% trong tháng 4/2022. Tính trong 7 ngày qua, đồng tiền kỹ thuật số lớn nhất thế giới đã lao dốc hơn 26%.
Đồng Ethereum cũng lao dốc 10% trong 24 giờ qua và giảm gần 30% so với cách đây 1 tuần. Hiện đồng tiền này đang dao động gần ngưỡng 2,100 USD.
Diễn biến của top 10 đồng tiền kỹ thuật số
Nguồn: CoinMarketCap
|
Các đồng tiền khác trong top 10 cũng “cắm đầu” trong 24 giờ qua, với BNB sụt 15%, Ripple rớt gần 20% và Solana sụt 25%. Trong tuần qua, hầu hết các đồng tiền ảo trong top 10 (ngoại trừ các stablecoin) đều giảm 30-40%.
Làn sóng bán tháo của thị trường tiền ảo diễn ra sau khi Mỹ công bố báo cáo lạm phát và dự án Terra sụp đổ. Ngoài ra, thị trường tiền ảo giảm cũng cùng nhịp với thị trường cổ phiếu Mỹ, nhất là chỉ số Nasdaq.
Đồng LUNA mất gần hết giá trị
Chỉ trong vài giờ, giá đồng LUNA của dự án Terra rớt thê thảm xuống dưới mức 1 USD.
Như vậy, chỉ sau hơn 1 tháng lập đỉnh với giá gần 120 USD, hiện đồng LUNA đã mất hơn 99% giá trị.
Cụ thể, theo dữ liệu của Coin Market Cap, giá của đồng LUNA đã lao dốc không phanh, từ trên 30 USD vào rạng sáng 11.5 xuống khoảng 10 USD vào giữa trưa cùng ngày. Đến khoảng 20 giờ, giá trị của đồng coin này chỉ còn khoảng 0.9 USD.
Ghi nhận vào thời điểm 20h15 ngày 11/05, giá của LUNA chỉ còn 0.9491 USD, giảm 86.71% trong 24 giờ qua.
Trước đó, có thời điểm đồng LUNA, token của dự án Terra, đã vào top 10 đồng tiền mã hóa lớn nhất thế giới. Hiện đồng tiền điện tử mã hóa này đã không còn trong top 80 với giá trị vốn hóa thị trường chỉ còn 618 triệu USD.
CPI Mỹ tăng mạnh hơn dự báo
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4, thước đo giá cả hàng hóa và dịch vụ, tăng 8.3% so với một năm trước, cao hơn ước tính 8.1% của các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Dow Jones. Tuy giảm nhẹ so với mức đỉnh hồi tháng 3/2022 (8.5%), nhưng lạm phát Mỹ vẫn gần với mức cao nhất kể từ hè năm 1982.
Không tính giá thực phẩm và năng lượng, CPI lõi tăng 6.2%, cao hơn dự báo là 6%. Điều này làm giảm kỳ vọng cho rằng lạm phát đã đạt đỉnh vào tháng 3/2022.
Mức tăng so với tháng trước cũng cao hơn kỳ vọng. Cụ thể, CPI tháng 4 tăng 0.3% so với tháng 3, cao hơn ước tính tăng 0.2%. Trong khi đó, CPI lõi tăng 0.6% so với tháng trước, cũng cao hơn dự báo tăng 0.4%.
Các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đối phó với tình trạng lạm phát cao bằng hai lần tăng lãi suất trong năm nay và cam kết tiếp tục tăng đến khi lạm phát xuống 2%. Tuy nhiên, dữ liệu CPI mới công bố cho thấy Fed sẽ còn nhiều việc phải làm để thực hiện mục tiêu này.
“Chúng ta bắt đầu thấy giá năng lượng lùi lại một chút nhưng nhiêu đó là chưa đủ”, Kathy Jones, Trưởng bộ phận chiến lược tài sản có thu nhập cố định tại Charles Schwab, nhận định. “Thị trường đang hy vọng một con số tốt lành hơn và mức này chưa đủ để loại bỏ khả năng Fed thắt chặt chính sáchnhiều hơn”.
Vũ Hạo
FILI
|