Bitcoin rớt ngưỡng 30,000 USD, giảm hơn 56% từ đỉnh
Bitcoin lao dốc xuống dưới ngưỡng 30,000 USD trong ngày 10/05, phá vỡ cột mốc tâm lý cực kỳ quan trọng.
Ở mức thấp nhất, đồng tiền kỹ thuật số lớn nhất thế giới giảm 12% so với ngày trước đó và hơn 56% so với đỉnh cao nhất mọi thời đại (gần 69,000 USD).
Lần gần nhất mà Bitcoin dao động dưới mốc 30,000 USD là trong tháng 7/2021 – thời điểm đó Bitcoin có giá 29,839.80 USD. Trước đó, Yuya Hasegawa, Chuyên viên phân tích thị trường tiền ảo tại sàn giao dịch Bitcoin Bitbank của Nhật Bản, cho biết Bitcoin sẽ cần phải duy trì ngưỡng giá tâm lý 33,000 USD để tránh làm bức tranh kỹ thuật thêm xấu.
Đà giảm của Bitcoin diễn ra trong bối cảnh làn sóng bán tháo kéo dài nhiều ngày liên tiếp và kéo thị trường tiền ảo lẫn cổ phiếu lao dốc.
Thị trường tiền ảo giảm gần 10% trong 24 giờ qua, theo dữ liệu từ CoinMarketCap. Trong khi đó, tất cả chỉ số chứng khoán trên Phố Wall đều nhuốm sắc đỏ trong ngày 09/05, với S&P 500 rớt ngưỡng 4,000 điểm xuống mức thấp nhất trong hơn 1 năm.
Chứng khoán Mỹ đang trên đà giảm kể từ ngày 05/05 khi Dow Jones và Nasdaq Composite ghi nhận phiên giảm mạnh nhất kể từ năm 2020.
Trong năm ngoái, Bitcoin và các đồng tiền kỹ thuật số lớn khác đều có tương quan cao với diễn biến của cổ phiếu công nghệ. Một số nhà phân tích cho rằng mối tương quan cao giữa Bitcoin và chỉ số Nasdaq Composite thách thức tranh luận cho rằng tiền kỹ thuật số đóng vai trò như một kênh phòng ngừa lạm phát.
Sợ hãi tột độ
Từ đầu năm, cảm xúc của thị trường dao động xung quanh vùng sợ hãi và sợ hãi tột độ. Điều này chứng tỏ sự chuyển dịch của nhà đầu tư về khẩu vị rủi ro. Trong năm 2021, chỉ số của thị trường thường xuyên ở ngưỡng tích cực. Khi giá Bitcoin và các loại tiền số tăng cao vào tháng 11/2021, cảm xúc chung của cộng đồng là tham lam tột độ.
Bitcoin mở đầu tuần mới bằng một đợt giảm mạnh nữa. Trước đó, đồng tiền số lớn nhất thế giới đã có 6 tuần chốt sổ bằng một “cây nến” đỏ. Lần đầu tiên sau gần 8 năm, Bitcoin mới trải qua một giai đoạn sụt giảm mạnh như vậy.
Bên cạnh đó, hơn 40% Bitcoin được nắm giữ trong các ví đều đang bị thua lỗ. Đây là mức cao nhất kể từ tháng 4/2020, thời điểm đại dịch Covid-19 vừa bùng phát.
Cointelegraph cho rằng đà giảm của Bitcoin chưa thể dừng lại bởi các yếu tố kinh tế vĩ mô đang hoàn toàn chống lại xu hướng ngược dòng. Sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) công bố mức tăng lãi suất thêm 0,5%, chỉ số S&P 500 của chứng khoán nước này tiếp tục giảm sâu. Đây là lần đầu tiên sau 11 năm, S&P 500 mới có 5 tuần giảm liên tiếp.
Trong khi đó, cổ phiếu các công ty công nghệ và giá Bitcoin có mối tương quan ngày càng rõ rệt. Điều này kéo theo biến động giá tương đồng giữa hai bên trong giai đoạn này.
Theo Bloomberg, thị trường tiền mã hóa đang bị đè nặng bởi các chính sách thắt chặt tiền tệ của ngân hàng trung ương nhằm giải quyết lạm phát.
“Nếu tâm lý rủi ro tiếp tục giảm, các dấu hiệu kỹ thuật cho thấy Bitcoin có thể đạt mức 28,000 USD và 20,000 USD kế tiếp”, Jeffrey Halley, nhà phân tích thị trường cấp cao tại Oanda khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, lưu ý.
Edul Patel - CEO kiêm nhà đồng sáng lập nền tảng đầu tư tiền mã hóa Mudrex - cho biết Bitcoin đang phá vỡ các hỗ trợ và có khả năng tiếp tục suy giảm. Mức hỗ trợ hiện tại của Bitcoin là 32,000 USD.
Thời gian qua, phần lớn diễn biến giá của Bitcoin tương quan với các cổ phiếu công nghệ. Sự tương quan giữa Bitcoin và chỉ số chứng khoán Nasdaq 100 đều đạt mức cao nhất mọi thời đại vào tháng 11 năm ngoái và giảm dần từ đó. Nasdaq 100 hiện cũng ghi nhận tuần giảm thứ năm liên tiếp.
Hệ số tương quan trong 90 ngày của Bitcoin và thước đo cổ phiếu công nghệ đã vượt 0.67, mức cao nhất trong dữ liệu của Bloomberg kể từ năm 2010.
Vũ Hạo (Theo CNBC)
FILI
|