Hệ sinh thái 4 tỷ USD suýt sụp đổ chỉ vì khoản vay 50 triệu USD
Một "cá voi" tiền mã hóa đã suýt đánh sập mạng blockchain Fantom với khoản vay của mình.
Gần đây, cộng đồng nhà đầu tư Fantom (FTM) xôn xao trên các diễn đàn, mạng xã hội bởi thông tin một "cá voi" lớn của nền tảng bị thanh lý tài sản. Tuy khoản vay chỉ có trị giá 50 triệu USD, con số nhỏ so với tổng tài sản bị khóa gần 4 tỷ USD trên hệ sinh thái Fantom, việc "cá voi" khóa khoản vay để lấy lãi cùng phí giao dịch tăng đột biến khiến mạng lưới suýt sụp đổ.
Sức ảnh hưởng lớn của cá voi
Một tài khoản với biệt danh “Roosh” đã đầu tư số FTM trị giá 50 triệu USD (tương đương 59 triệu đồng FTM) làm tài sản thế chấp trên nền tảng DeFi (tài chính phi tập trung) Scream để vay tiền. Roosh dùng số tiền đi vay mua lượng lớn Solidly (SOLID), Deus Finance (DEUS).
Scream là giao thức cho vay phi tập trung có khả năng mở rộng cao trên nền tảng Fantom. Sau khi ký quỹ lượng FTM trị giá 50 triệu USD trên Scream và vay DEUS và SOLID, "cá voi" này đã stake (khóa lấy lãi) tài sản của mình trong vòng 4 năm.
Giá Fantom lao dốc kể từ đợt thanh lý đầu tiên hôm 29/4. Ảnh: CoinMarketCap.
|
Sự việc đã gây ảnh hưởng lớn tới thị trường. Xu hướng đi xuống của Bitcoin và thị trường tiền mã hóa nói chung trong thời gian qua đã khiến giá trị của FTM giảm xuống. Điều này dẫn đến việc một phần tài sản của Roosh phải bị thanh lý để trả cho chủ nợ.
Việc nền tảng Scream thanh lý lượng lớn FTM có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái Fantom. Vì Roosh đã khóa tài khoản của mình, nền tảng DeFi này đã phải bán tháo hơn 40 triệu FTM để bù lỗ cho khoản vay của Roosh.
Một trong những thành viên của Deus Finance đã cho Roosh vay 2 triệu USD để giúp ngăn chặn điều này.
Tuy nhiên, theo nhà phân tích Blockchain Amna, việc Scream thanh lý 11 triệu FTM đã trực tiếp khiến giá FTM giảm mạnh từ 0,85 USD xuống 0,79 USD. Sau đó, đợt thanh lý thứ hai và thứ ba đã xảy ra, kéo giá FTM xuống còn 0,76 USD, tương đương mức giảm 10,5%.
“Từ 59 triệu FTM ký quỹ ban đầu, sau tổng cộng 6 đợt thanh lý, Roosh hiện tại chỉ còn 18 triệu FTM”, nhà phân tích Amna cho biết.
Ngay cả khi những người nắm giữ FTM không biết về các vụ thanh lý đang diễn ra, họ chắc chắn sẽ nhận thức được rằng giá trị tài sản của họ đang lao dốc.
Vấn đề chung
Những nhà đầu tư cố gắng bán lượng FTM họ nắm giữ trong đợt giảm giá này sẽ phải đối mặt với một vấn đề lớn. Khi một lượng lớn FTM được thanh lý, phí giao dịch trên Fantom sẽ tăng vọt.
Chuyên gia bảo mật tiền mã hóa Chris Blec chia sẻ trên Twitter rằng những đợt thanh lý này đã đẩy phí giao dịch FTM lên gần 20.000 gwei (chỉ số cho cách tính phí) tại một thời điểm.
“Việc thực hiện một giao dịch trong FTM là rất tốn kém. Vụ việc đã cho thấy tiền mã hóa bị ảnh hưởng nặng nề như thế nào trong khủng hoảng. Hãy tưởng tượng nếu đây là giá trên Ethereum”, chuyên gia Chris Blec cho biết.
Phí giao dịch Ethereum từng tăng lên tới hàng chục nghìn USD do quá tải giao dịch. Ảnh: Lightboxx
|
Đây là một vấn đề rất lớn đối với một mạng lưới tiền mã hóa. Khi một số lượng lớn tiền mã hóa bị thanh lý, các nhà đầu tư sẽ rơi vào trạng thái hoảng loạn và liên tục bán tháo.
Nhưng bởi phí cao và giao dịch chậm, họ thường sẽ không thể xử lý tài sản của mình. Ngoài ra, các dự án DeFi khác được xây dựng trên mạng lưới này cũng sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp.
Theo Decrypt, đây mới chỉ là trường hợp của một cá voi, hệ sinh thái với tổng giá trị khóa (TVL) 3,8 tỷ USD có thể sụp đổ hoàn toàn nếu nhiều người dùng khác cũng vay thế chấp trên Fantom như Roosh.
Nếu trường hơp trên xảy ra, những nhà đầu tư cũng sẽ gặp khó khăn trong việc trả nợ khi các giao dịch không được thực hiện, điều này có thể dẫn đến việc thanh lý nhiều hơn và khiến mạng blockchain còn quá tải hơn nữa. Cuối cùng, mạng lưới có thể sụp đổ.
Trong trường hợp của Fantom, sự sụp đổ không xảy ra. Dù vậy, theo Decrypt, vụ việc chứng tỏ các hoạt động tài chính truyền thống như cho vay và đi vay có thể gây ảnh hưởng lớn đến cho công nghệ tiền mã hóa như thế nào.
Việt Anh
ZING
|