Liệu bitcoin có thể trở thành đồng tiền dự trữ?
Việc một nền tảng tiền điện tử cam kết sẽ tích lũy lượng bitcoin trị giá 10 tỷ USD (9,2 tỷ euro) để “hậu thuẫn” cho đồng stablecoin (đồng tiền ổn định) của mình đang gây ra một cuộc tranh luận trên thị trường.
Đồng tiền kỹ thuật số bitcoin. Ảnh: AFP/TTXVN
|
Theo dữ liệu blockchain công khai, Terraform Labs có trụ sở tại Seoul đã tích lũy được gần 40.000 bitcoin trị giá 1,7 tỷ USD (1,5 tỷ euro) sau một loạt giao dịch mua thông qua một chi nhánh phi lợi nhuận, Luna Foundation Guard cho đến nay.
Sự việc này diễn ra sau thông báo của Do Kwon, nhà đồng sáng lập Terraform, trên Twitter hồi tháng trước rằng nền tảng này sẽ mua lượng dự trữ bitcoin trị giá 10 tỷ USD để làm tài sản bảo đảm cho TerraUSD nhằm giảm thiểu các biến động mạnh về giá. TerraUSD là một đồng tiền mã hoá ổn định (stablecoin) được neo giá với USD.
Theo ông Kwon, việc một stablecoin được hỗ trợ bởi dự trữ đồng bitcoin "sẽ mở ra một kỷ nguyên tiền tệ mới với các tiêu chuẩn bitcoin", giống như tiêu chuẩn vàng mà đã trở thành “xương sống” của nền tài chính toàn cầu cách đây một thế kỷ.
Vetle Lunde, nhà phân tích tại công ty nghiên cứu tiền điện tử Arcane Research tại Na Uy, ước tính để đạt được dự trữ 10 tỷ USD, Terraform sẽ cần phải giữ từ 60.000 - 70.000 bitcoin. Trong trường hợp đó, số lượng này sẽ vượt qua Tesla, công ty đại chúng đang nắm giữ lượng bitcoin lớn thứ hai thế giới (43.200 bitcoin), sau MicroStrategy.
Các thương vụ mua lại đang hỗ trợ giá bitcoin, trong đó một số người chơi trên thị trường xác định các thương vụ này là động lực chính đưa bitcoin tăng trở lại lên mức 48.000 USD (44.000 euro)/bitcoin vào cuối tháng 3/2022. Tuy nhiên, điều quan trọng là những người chơi có đi theo sự dẫn dắt của Terraform hay không.
Trong khi đó, những người tham gia thị trường khác cảnh báo rằng sự liên kết giữa đồng bitcoin và các đồng stablecoin như TerraUSD có thể tạo ra rủi ro mới cho thị trường tiền điện tử, làm tăng triển vọng về một "vòng xoáy tử thần" cho các nhà đầu tư. “Vòng xoáy tử thần” là hiện tượng xảy ra khi đồng TerraUSD sụt giảm, kéo theo nhiều mã hoá Luna được khai thác hơn để bù đắp lại, từ đó cung vượt cầu và càng khiến tâm lý thị trường trở nên hoảng loạn, dẫn đến thêm nhiều người rút chạy khỏi TerraUSD.
Carlos Gonzalez Campo, chuyên gia phân tích của 21Shares nhận định vẫn còn nhiều việc phải làm và nhiều sự bất ổn cần khắc phục liên quan đến các thuật toán của stablecoin và khả năng chống lại sự sụp đổ, điều có thể gây ra cái gọi là “vòng xoáy tử thần”. TerraUSD hiện là stablecoin lớn thứ tư và giống như các đồng tiền khác nó được giao dịch cố định bằng đồng USD. Trong khi những đồng tiền như Tether và USD Coin có dự trữ trong tài sản truyền thống mà khớp với giá trị của các mã token đang lưu hành, TerraUSD duy trì tỷ giá 1:1 với đồng USD thông qua thuật toán điều chỉnh cung cầu trong một quy trình sử dụng một mã token cân bằng khác là Luna.
Việc Terraform sử dụng bitcoin làm đồng dự trữ, về mặt lý thuyết sẽ bổ sung thêm một mức độ đảm bảo, đồng thời vẫn giữ đặc tính phi tập trung của Terra. Matthew Sigel, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tài sản kỹ thuật số tại VanEck nhận xét hỗ trợ đồng tiền bằng một thứ gì đó có thể dự đoán, không phải trên góc độ giá cả, mà từ các quy tắc và quản lý như của bitcoin đem lại niềm tin cho nhiều người.
Các đồng stablecoin đang giành được sự quan tâm thời gian gần đây. Chúng thường được các nhà giao dịch sử dụng để dịch chuyển vốn qua lại giữa các đồng tiền ảo và cũng như dự đoán về xu hướng của các đồng tiền. Ví dụ, việc chuyển đổi giữa Tether, đồng stablecoin lớn nhất, sang bitcoin hoặc các đồng tiền ảo khác sẽ dễ hơn là dùng trực tiếp đồng USD. Năm 2021, vốn hoá thị trường của Tether ở mức 44,5 tỷ USD, trong khi TerraUSD ở mức 1,76 tỷ USD. Theo CoinMarketCap, hai đồng tiền này đến nay đã tăng tương ứng 85% và 850%, đạt mức vốn hoá 82,3 tỷ USD và 16,7 tỷ USD.
Minh Hằng
TTXVN
|