Sức ép và hiệu quả từ chiếc đồng hồ đếm ngược
Phương thức chỉ đạo quyết liệt, đốc thúc đến nơi, đến chốn của Chính phủ đối với việc xử lý tồn tại, yếu kém của các dự án, doanh nghiệp nói chung, đã đem lại kết quả cụ thể và trở thành bài học kinh nghiệm hay. Câu chuyện về chiếc đồng hồ đếm ngược được dựng tại công trường Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành là một ví dụ...
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã nhiều lần có mặt tại dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 để kiểm tra tiến độ của dự án.
|
Theo Quyết định số 1468/QĐ-TTg ngày 29/9/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án xử lý các tồn tại yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương, mục tiêu là “đến năm 2020 hoàn thành việc xử lý các tồn tại, yếu kém ở các dự án, doanh nghiệp”.
Năm 2020 đã thuộc về quá khứ, nhưng các tồn tại, yếu kém ở các dự án, doanh nghiệp này thì không (tính đến thời điểm kết thúc năm 2020).
Do nhiều nguyên nhân, cả khách quan và chủ quan, việc xử lý tồn tại, yếu kém của các dự án, doanh nghiệp theo đề án nói trên đã không tới đích theo đúng thời hạn nêu trong Quyết định số 1468/QĐ-TTg, không đáp ứng được yêu cầu chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Thông báo số 43-TB/VPTW ngày 19/6/2017.
Thời gian và thời tiết đã “ăn mòn” các khoản đầu tư tới cả ngàn tỷ đồng đổ vào mỗi dự án nêu trên, khiến Đảng, Nhà nước, Chính phủ, nhân dân và nhất là những người trong cuộc, ai cũng sốt ruột.
Sự sốt ruột ấy đã thôi thúc Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 tiếp tục chỉ đạo với tinh thần hết sức quyết liệt và đã đạt kết quả bước đầu.
Đến ngày 4/11/2021, 5 dự án đã được đưa ra khỏi “danh sách đen” 12 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả.
Phương thức chỉ đạo quyết liệt, đốc thúc đến nơi, đến chốn của Chính phủ đối với việc xử lý tồn tại, yếu kém của các dự án, doanh nghiệp nói chung, nhất là tình trạng kéo dài thời hạn hoàn thành, đã đem lại kết quả cụ thể và trở thành bài học kinh nghiệm hay.
Câu chuyện về chiếc đồng hồ đếm ngược được dựng tại công trường Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành là một ví dụ.
Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 là dự án quan trọng, không chỉ đối với hệ thống an ninh năng lượng quốc gia, mà còn đóng góp rất lớn đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Thái Bình, nhưng bị “đóng băng” 11 năm.
Phát biểu tại cuộc tọa đàm “Xử lý các dự án yếu kém: Bài học kinh nghiệm và hướng đi tiếp theo”, do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức sáng 5/4, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết, từ một năm gần đây, tại các phiên họp thường trực Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trực tiếp chỉ đạo việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 và đã giao Phó Thủ tướng Lê Văn Thành trực tiếp chỉ đạo.
Ông Đặng Hoàng An, Thứ trưởng Bộ Công Thương phát biểu tại tọa - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
|
Thủ tướng không chỉ đạo chung chung, mà đặt ra các mốc thời gian cụ thể là bằng mọi giá, mọi cách phải đưa tổ máy 1 vào vận hành thương mại trong tháng 11 tới; sau đó 1 tháng, tức tháng 12, đưa tổ máy số 2 vào vận hành thương mại.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã nhiều lần có mặt tại công trường xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 để kiểm tra, đốc thúc tiến độ thực hiện dự án.
Ông yêu cầu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, với tư cách chủ đầu tư, dựng đồng hồ đếm ngược tại công trường, để hằng ngày nhìn thấy thời hạn còn bao nhiêu ngày mà phấn đấu.
Chiếc đồng hồ đếm ngược thời gian hoàn toàn vô tư và khách quan, nhưng đã tạo sức ép mà những người chịu trách nhiệm trên công trường không thể cưỡng lại.
Số lượng người được huy động làm việc tại dự án đã lên tới cả nghìn, cao hơn nhiều so với giai đoạn tái khởi động. Tất cả 29 nhà thầu hiện đang khẩn trương thực hiện đồng thời nhiều hạng mục công việc, phấn đấu để đạt mục tiêu mà theo kỳ vọng của Thứ trưởng Đặng Hoàng An là “đến 16/6, chúng ta sẽ đạt được 2 mốc quan trọng. Một là hòa lưới điện lần đầu vào cuối tháng 4, nếu kịp vào 30/4 thì tốt. Sau đó sang mốc 16/6. Việc thì thực sự rất nhiều và đòi hỏi sự phối hợp kỹ giữa các nhà thầu, bởi 29 nhà thầu trên công trường bao gồm cả trong nước và nước ngoài, công việc điều phối rất quan trọng. Bộ Công Thương cũng bám sát, đồng chí Bộ trưởng Bộ Công Thương mùng 2 Tết Âm lịch đã trực tiếp xuống công trường, chưa kể các cuộc khác”.
Chiếc đồng hồ đếm ngược đã trở thành biểu tượng của tinh thần quyết liệt, khẩn trương trong công tác chỉ đạo, điều hành và thực thi nhiệm vụ.
Sức ép từ chiếc đồng hồ đếm ngược đã có tác dụng. Từ người đứng đầu Bộ Công Thương – cơ quan chủ quản ngành điện, đến chủ đầu tư và các nhà thầu tham gia dự án xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 đều phải tuân thủ theo sức ép này để bảo đảm tiến độ, nhằm hoàn thành dự án theo thời hạn mà Thủ tướng đã ấn định.
Sức ép đó chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả.
Nguyễn Quốc Uy
VnEconomy
|