Tìm cách ‘kéo’ chi phí cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu
Ngày 6.4, Báo Hải quan phối hợp các đơn vị thuộc Tổng cục Hải quan, Cục Hải quan TP.HCM tổ chức tọa đàm “Tìm giải pháp kéo giảm chi phí xuất nhập khẩu cho doanh nghiệp”.
Phát biểu khai mạc, bà Vũ Thị Ánh Hồng - Tổng biên tập Báo Hải quan - cho biết vượt qua những tác động tiêu cực của dịch bệnh, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của doanh nghiệp có kết quả đáng khích lệ. Song để góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của năm 2022 thì hoạt động xuất nhập khẩu cần tiếp tục được thúc đẩy. Trong khi đó, do ảnh hưởng xung đột quân sự Nga - Ukraine, giá dầu thế giới tăng cao, đẩy chi phí hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp tăng quá nhanh. Nếu như trước khi xảy ra dịch Covid-19, cước vận chuyển tàu biển chỉ khoảng 1.000 - 3.000 USD/container thì sau dịch tăng lên 10.000 USD/container và hiện tại là 14.000 - 15.000 USD/container 40 feet.
|
Tọa đàm với sự tham gia của đại diện Tổng cục Hải quan, Cục Hải quan TP.HCM, doanh nghiệp logistics... Ng.Ng
|
Ngoài các nguyên nhân khách quan, ông Đào Duy Tám - Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan) chỉ ra những nguyên nhân chủ quan cũng đang đẩy chi phí của doanh nghiệp xuất nhập khẩu lên cao. Đó là một số bộ ngành liên quan vẫn còn kiểm tra chuyên ngành vẫn thủ công, chưa điện tử hóa, hoặc điện tử hóa một phần. Văn bản quy phạm pháp luật thiếu thực tế, gây chồng chéo, một mặt hàng có nhiều bộ ngành quản lý. Bên cạnh đó, khi thực hiện cắt giảm cải cách thủ tục hành chính trên cổng thông tin quốc gia, việc kết nối dữ liệu chưa đồng bộ, khiến các thủ tục chưa liên kết nhau, lỗi đường truyền… khiến doanh nghiệp mất nhiều thời gian và tiền bạc.
Với cơ quan hải quan, ông Tám thừa nhận đâu đó còn hạn chế trong công tác ở cấp cơ sở. Đã triển khai hải quan điện tử qua hệ thống nhưng nhiều nơi vẫn yêu cầu doanh nghiệp xuất trình hồ sơ bản chính, kỹ năng xử lý hồ sơ của một số cán bộ còn hạn chế, chưa nhiệt tình hỗ trợ doanh nghiệp… Về phía doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp không nắm rõ hết các quy định, khiến việc triển khai gặp nhiều khó khăn vướng mắc, nhiều lô hàng doanh nghiệp khai báo đã lâu nhưng vướng mắc nhưng không biết gỡ thế nào, khiến hồ sơ mất nhiều thời gian mới đến được cổng hải quan để làm thủ tục.
Là đơn vị hải quan quản lý địa bàn có lưu lượng hàng hóa xuất nhập khẩu chiếm 50% thị phần lớn của cả nước, hơn 80% sản lượng hàng hóa tại cảng biển TPHCM, ông Đặng Thái Thiện, Phó Trưởng phòng Giám sát quản lý, Cục Hải quan TPHCM cho biết, để giảm 70% thời gian tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ hải quan cũng như giảm 70% thời gian kiểm tra thực tế hàng hóa, Cục Hải quan TPHCM đã ban hành Quyết định 2318, ban hành “Đề án Tạo thuận lợi thương mại: Thủ tục hải quan trong hoạt động Logistics và chống ùn tắc hàng hóa xuất nhập khẩu tại cảng Cát Lái” với 3 giải pháp: xây dựng mô hình làm việc tập trung, khép kín, thực hiện thủ tục hải quan 24/7 trên cơ sở thiết lập kênh trao đổi thông tin riêng giữa cơ quan hải quan - Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn - DN để thực hiện thủ tục hải quan, thủ tục giao nhận hàng hoá cho các DN tham gia đề án; bố trí khu vực xếp hàng hóa riêng, có phương án giao nhận hàng hóa tại cầu cảng và phân luồng di chuyển riêng cho xe chở container của các doanh nghiệp tham gia đề án; ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng hệ thống giám sát trực tuyến quá trình làm thủ tục…
Nguyên Nga
Thanh niên
|