Không tăng giá điện trong năm 2022
Mặc dù áp lực từ các chi phí đầu vào của sản xuất điện tăng rất mạnh, nhưng sau khi cân đối tài chính, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ đảm bảo không tăng giá điện trong năm 2022.
EVN sẽ cân đối chi phí, giá cả các nguồn điện ở mức hợp lý nhất để phục vụ phát triển kinh tế và đảm bảo chưa tăng giá điện trong năm 2022
|
Đó là thông tin được ông Nguyễn Tài Anh, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chia sẻ tại hội thảo Khơi thông dòng vốn đầu tư vào ngành điện do Báo Đầu tư tổ chức sáng 8/4.
Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khẳng định, mặc dù áp lực từ việc tăng giá các chi phí đầu vào, nhưng sau khi cân đối tài chính, EVN cam kết năm 2022 sẽ không tăng giá điện.
Ông Nguyễn Tài Anh cho biết, tình hình thế giới biến động nhanh, cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine đã đẩy giá nhiên liệu sơ cấp như than, dầu khí tăng cao. Giá than trước đây khoảng từ 60-70 USD/tấn thì nay đã tăng lên hơn 220 USD/tấn. Giá khí LNG cũng thay đổi nhanh chóng, tăng gấp 3-4 lần so với trước đây.
Bên cạnh đó, giá sắt thép để xây dựng các dự án nguồn điện và truyền tải điện đều tăng cao. Tất cả các yếu tố đó ngành điện nói riêng và nhiều ngành khác đều đang phải chịu áp lực ở toàn bộ đầu vào xây dựng và sản xuất kinh doanh.
"Tuy nhiên, sau khi cân đối thì EVN cam kết năm 2022 sẽ không tăng giá điện. Chúng tôi sẽ cân đối làm sao chi phí, giá cả các nguồn điện ở mức hợp lý nhất để phục vụ phát triển kinh tế, đặc biệt là cho quá trình phục hồi do dịch COVID-19. Đây cũng là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và chúng tôi có thể cân đối được", ông Nguyễn Tài Anh thông tin.
Tuy nhiên, vị đại diện EVN cũng cho rằng, dưới áp lực từ các chi phí đầu vào cao như vậy, nếu các chi phí này tiếp tục tăng thì việc cân đối đầu vào là hết sức khó khăn. Thậm chí, lợi nhuận năm nay đã được cân đối bằng 0 để đảm bảo mức giá bán điện hợp lý.
Ở các năm sau, Tập đoàn sẽ tiếp tục cân đối các khoản này, thậm chí có thể lợi nhuận tiếp tục bằng 0, nhưng nếu giá đầu vào cao cũng không thể cân đối được thì những năm tới, Chính phủ, các bộ ngành cũng tính toán, làm sao có giải pháp để đảm bảo hài hòa lợi ích.
Tại hội thảo, nhiều chuyên gia cũng đã đánh giá cao nỗ lực của Bộ Công Thương cũng như EVN trong việc đảm bảo cung cấp điện cho phát triển kinh tế, đặc biệt trong năm 2022. Bên cạnh đó, các diễn giả cũng đưa ra nhiều đánh giá, nhận định về nhu cầu năng lượng cho tăng trưởng kinh tế trong những năm tới, đặc biệt là vấn đề thu hút đầu tư cũng như các yêu cầu mới đặt ra trong quá trình phát triển nguồn điện theo các mục tiêu được đưa ra tại Hội nghị COP26.
Đỗ Nga
Báo Công Thương
|