RCEP có thể giúp Campuchia thoát mác "quốc gia kém phát triển" vào năm 2028?
Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) có thể tạo động lực quan trọng thúc đẩy nền kinh tế Campuchia thoát khỏi mác “quốc gia kém phát triển” (LDC) vào năm 2028, Bộ trưởng Bộ Thương mại Campuchia (MoC) Pan Sorasak cho biết hôm 14/03.
Theo Ban thư ký của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), từ ngày 01/01/2022, RCEP chính thức có hiệu lực đối với 10/15 quốc gia thành viên, gồm Campuchia, Australia, Brunei, Trung Quốc, Nhật Bản, Lào, New Zealand, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.
Tại Hàn Quốc, RCEP đi vào thực thi kể từ ngày 01/02, theo Hãng Thông tấn Hàn Quốc Yonhap.
Riêng Malaysia đã nộp văn kiện phê chuẩn (IoR) lên Ban thư ký ASEAN từ ngày 17/01 và Hiệp định có hiệu lực đối với nước này kể từ ngày 18/03. Hiện chỉ còn 3 nước thành viên RCEP chưa nộp IoR là Indonesia, Myanmar và Philippine.
Bộ trưởng MoC nhấn mạnh rằng RCEP không đơn thuần là một thỏa thuận thông thường mà còn là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khu vực trong và sau đại dịch Covid-19.
Theo Bộ trưởng Sorasak, RCEP sẽ giúp giảm thiểu gánh nặng từ những bất ổn toàn cầu đang gia tăng. Đó là tiến trình đa phương hoá bị ngưng trệ tại Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), việc tăng cường áp dụng các chính sách bảo hộ đơn phương của các nước thành viên và khả năng ảnh hưởng lan rộng của cuộc khủng hoảng đang diễn ra tại Ukraine.
Đối với Campuchia, hiệp định này xây dựng nền tảng pháp lý hiện đại, tạo tiền đề để Vương quốc tham gia thêm nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA). Bên cạnh đó, RCEP còn là nền tảng để Vương quốc thực hiện nhiều cải cách ở lĩnh vực hạ tầng, pháp lý và thể chế.
Bộ trưởng Sorasak cho rằng: “Hiệp định này cũng được thực thi vào đúng thời điểm Campuchia đặt mục tiêu thoát khỏi mác LDC, có thể vào năm 2028. Bên cạnh đó, Vương quốc còn nỗ lực để trở thành quốc gia có mức thu nhập trên trung bình và thu nhập cao, lần lượt vào các năm 2030 và 2050".
Hồi cuối tháng 2/2022, trong một báo cáo về ước tính các tác động kinh tế và phân phối của RCEP đối với các nước thành viên, Ngân hàng Thế giới (WB) lưu ý rằng Campuchia xếp vị trí thứ 3 cả về khả năng đạt mức tăng thu nhập thực tế và tăng trưởng xuất khẩu.
Theo WB, về khả năng đạt mức tăng thu nhập thực tế, Campuchia đứng vị trí thứ 3, sau Việt Nam và Malaysia. Về xuất khẩu, Vương quốc được kỳ vọng đạt mức tăng trưởng 6.5%, theo sau Việt Nam và Nhật Bản với mức tăng trưởng lần lượt 11.4% và 8.9%.
Báo cáo của WB cũng cho biết RCEP có tiềm năng bổ sung thêm 27 triệu người vào tầng lớp trung lưu vào năm 2035.
Xem xét toàn bộ kịch bản, với việc cắt giảm thuế quan, các biện pháp phi thuế quan và chi phí thương mại, Lào, Thái Lan, Campuchia, Việt Nam và Malaysia được hưởng lợi nhiều nhất.
Về phương diện xuất khẩu, các lĩnh vực của Campuchia sẽ tăng trưởng mạnh nhất là sản phẩm gỗ và giấy (tăng 34.8%), hóa chất, cao su và nhựa (tăng 25.3 %), thiết bị điện và máy móc (tăng 24.2%).
Bộ trưởng MoC chỉ ra rằng RCEP là một FTA có quy mô lớn nhất thế giới, đóng góp khoảng 30% GDP toàn cầu, khoảng 28% thương mại toàn cầu và 32.5% đầu tư toàn cầu.
Đối với Campuchia, một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA) chỉ ra rằng hiệp định này sẽ thúc đẩy GDP của nước này tăng thêm 2%, nâng xuất khẩu tăng thêm 7.3% và đầu tư tăng thêm 23.4%.
Ông Sorasak còn cho rằng hiệp định này mang lại một loạt các yếu tố tích cực bên ngoài khác, “bao gồm các cơ hội giúp nước này phục hồi sau đại dịch và chuyển đổi cơ cấu hậu đại dịch thông qua hiệu quả việc làm, khuyến khích đầu tư, xóa đói giảm nghèo và thúc đẩy thêm các lợi ích về mặt xã hội từ hiệp định này”.
“Kỳ vọng RCEP sẽ đóng một vai trò quan trọng trong hội nhập khu vực và phục hồi từ đại dịch và đại dịch”.
Khai Tâm (Theo Phnom Penh Post)
FILI
|