EU cảnh báo mua dầu bằng đồng Rúp là vi phạm lệnh trừng phạt
Theo phân tích pháp lý của Ủy ban châu Âu, quy trình thanh toán khí đốt bằng đồng Rúp sẽ trao quyền kiểm soát hoàn toàn cho chính phủ Nga thông qua ngân hàng trung ương, bao gồm thời điểm giao dịch được hoàn tất, nghĩa vụ của bên mua. Quy trình này cũng cho phép Nga kiểm soát tỷ giá hối đoái...
Ảnh minh họa.
|
Liên minh châu Âu (EU) vừa phát đi cảnh báo với các quốc gia thành viên rằng việc thanh toán bằng đồng Rúp khi mua khí đốt từ Nga theo yêu cầu của Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ vi phạm các biện pháp trừng phạt nhằm vào Moscow của khối này.
Theo nguồn tin của Bloomberg, Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan điều hành của EU, đã đưa ra một phân tích về sắc lệnh của ông Putin yêu cầu các quốc gia "không thân thiện" phải trả bằng Rúp khi mua khí đốt của Nga từ tháng 4 này. Phân tích nhấn mạnh vấn đề an ninh năng lượng của châu Âu trong bối cảnh Nga đe dọa sẽ ngừng cung cấp khí đốt cho những nước nhập khẩu từ chối thanh toán bằng Rúp.
Trong sắc lệnh ngày 31/3, ông Putin tuyên bố khách mua khí đốt từ Nga phải mở 2 tài khoản, gồm 1 tài khoản bằng một đồng ngoại tệ và 1 tài khoản bằng đồng Rúp. Gazprombank - một ngân hàng quốc doanh Nga - sẽ chịu trách nhiệm đổi ngoại tệ trên sang đồng Rúp để chuyển tiền thanh toán cho các đơn hàng khí đốt. Việc thanh toán này được áp dụng từ ngày 1/4.
“Nếu việc thanh toán không được thực hiện như vậy, chúng tôi sẽ coi là người mua mất khả năng thanh toán, và hậu quả sẽ xảy ra. Chẳng ai bán miễn phí cho chúng tôi thứ gì cả, và chúng tôi cũng sẽ không làm từ thiện. Điều đó có nghĩa là các hợp đồng hiện nay sẽ chấm dứt”, ông Putin phát biểu trên sóng truyền hình quốc gia hôm 31/3.
Tổng thống Nga Vladimir Putin - Ảnh: AP
|
Theo phân tích pháp lý sơ bộ của EC, được chia sẻ lần đầu tiên vào đầu tháng này, sắc lệnh của ông Putin làm thay đổi đáng kể quy trình mua bán và tạo ra một tình huống pháp lý mới, nguồn tin của Bloomberg cho biết.
“Quy trình mới sẽ trao quyền kiểm soát hoàn toàn cho chính phủ Nga thông qua ngân hàng trung ương, bao gồm thời điểm giao dịch được hoàn tất, nghĩa vụ của bên mua”, nguồn tin cho biết. “Quy trình này cũng cho phép Nga kiểm soát tỷ giá hối đoái – điều mà Moscow có thể thao túng vì lợi ích của họ”.
Phân tích trên cũng cảnh báo rằng phương thức thanh toán mới có thể tạo ra nhiều chi phí phát sinh cho bên mua bởi giao dịch nằm hoàn toàn trong quyền kiểm soát của Nga.
Điều quan trọng là, cơ chế này sẽ vi phạm các biện pháp hạn chế mà EU đã áp dụng với Nga nhằm phản ứng với cuộc tấn công của Moscow ở Ukraire, bao gồm sự trừng phạt nhằm vào Chính phủ Nga, ngân hàng trung ương và các cơ quan được họ ủy quyền. Quy trình này cũng có thể tác động đến những biện pháp trừng phạt nhằm vào các công cụ thị trường tiền tệ mà Gazprombank có thể phát hành.
Phản ứng với sắc lệnh của ông Putin, hầu hết quốc gia thành viên EU nói rằng họ sẽ không thanh toán khí đốt bằng đồng Rúp. Đức thậm chí gọi đây là hành động “tống tiền”. Ngày 13/4, Đức một lần nữa nhấn mạnh rằng nước này phản đối yêu cầu của Moscow.
EC cũng liên tục nhấn mạnh rằng những hợp đồng đã ký kết giữa các quốc gia EU và Nga phải được tôn trọng. Gần như tất cả các hợp đồng này đều được quy định rõ ràng việc thanh toán phải được thực hiện bằng đồng Euro hoặc USD. EC cho biết khối này sẽ đáp trả mọi nỗ lực lách trừng phạt của Moscow.
Tuy nhiên, Slovakia đầu tháng này nói rằng sẽ trả tiền mua khí đốt của Nga bằng đồng Rúp nếu đây là điều cần thiết để giúp hàng hóa lưu thông.
Theo các nhà phân tích, quyết định về phương thức thanh toán phụ thuộc vào các công ty nhập khẩu khí đốt từ Nga và họ sẽ rơi vào thế khó khi mà doanh nghiệp châu Âu buộc phải tuân thủ tất cả các biện pháp hạn chế đang có hiệu lực.
Xuất khẩu năng lượng là đòn bẩy quan trọng nhất mà Nga có để đáp trả lại các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt mà phương Tây áp lên các ngân hàng, doanh nghiệp, doanh nhân và các chính trị gia cấp cao của Nga. Quyết định của ông Putin về bán khí đốt lấy Rúp đã giúp củng cố sức mạnh cho đồng nội tệ của Nga. Sau khi giảm xuống mức thấp kỷ lục vì cuộc tấn công của Nga vào Ukraine, hiện đồng Rúp đã phục hồi về mức tỷ giá như trước khi chiến tranh bùng nổ.
Hiện nay, phần lớn khách châu Âu mua khí đốt Nga đều thanh toán bằng đồng Euro. Lãnh đạo các công ty châu Âu nhập khẩu khí đốt Nga nói rằng sẽ phải mất nhiều tháng, thậm chí lâu hơn, để đàm phán lại hợp đồng.
Khí đốt của Nga chiếm khoảng 40% tổng lượng tiêu thụ của châu Âu và nhập khẩu khí đốt Nga của EU dao động trong khoảng 200-800 triệu Euro (khoảng 220-880 triệu USD) mỗi ngày từ đầu năm đến nay.
Ngọc Trang
VnEconomy
|