Điều gì khiến giá dầu tụt dốc không phanh?
Các đợt phong tỏa tại Trung Quốc, rủi ro kinh tế suy thoái và các đợt giải phóng dự trữ dầu đang tác động tiêu cực tới giá dầu thế giới.
Sau khi tiến sát mốc 140 USD/thùng vào đầu tháng 3/2022, hợp đồng dầu Brent tương lai đã lao dốc không phanh và hiện đang dao động quanh ngưỡng 100 USD/thùng. Tương tự, giá dầu WTI đã rớt mốc 100 USD/thùng trong tuần trước.
Điều gì đã diễn ra mà khiến giá dầu tụt dốc không phanh? Đầu tiên, Thượng Hải và các thành phố Trung Quốc khác đang trong tình cảnh bị phong tỏa, khi số ca nhiễm Covid-19 tăng vọt. Điều này có nghĩa hàng triệu người sẽ không lái xe hay đi máy bay tại nền kinh tế tiêu thụ dầu lớn thứ hai thế giới.
Đồng thời, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại Trung Quốc tăng 1.5%, chủ yếu là vì đà tăng của giá năng lượng và thực phẩm. “Đà tăng mạnh về số ca nhiễm Covid-19 cùng với đà tăng mạnh của giá dầu đang tác động tiêu cực tới triển vọng tăng trưởng của Trung Quốc”, Gargi Rao, Chuyên viên phân tích và nghiên cứu kinh tế tại GlobalData, cho hay.
Trong khi đó, rủi ro suy thoái đang ngày càng tăng ở các nền kinh tế lớn. Trong tháng 2, kinh tế Anh chỉ tăng trưởng 0.1%, do các hoạt động xây dựng và sản xuất đồng loạt suy yếu, theo Văn phòng Thống kê Quốc gia của Anh (ONS). Con số này thấp hơn nhiều so với kỳ vọng của giới phân tích và là kết quả đáng ngại, bởi lẽ việc quay trở lại với cuộc sống bình thường hậu Covid được kỳ vọng sẽ tạo cú huých cho nền kinh tế Anh. Giờ đây, chiến tranh Nga-Ukraine và cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt đang đẩy kinh tế Anh đi chệch quỹ đạo kỳ vọng.
Tăng trưởng kinh tế trì trệ và lạm phát leo thang có thể là một kết hợp “độc hại”, đẩy các ngân hàng trung ương gặp nhiều khó khăn trong việc kiểm soát giá cả. Nếu các ngân hàng trung ương tăng lãi suất quá cao hoặc quá nhanh để kéo lạm phát xuống, nền kinh tế rất có khả năng sẽ rơi vào suy thoái.
Cũng góp phần đè nặng lên giá dầu là việc các nước phương Tây cam kết xả 240 triệu thùng dầu từ dự trữ chiến lược ra thị trường trong những tháng tới. Đây là đợt xả dự trữ dầu lớn chưa từng thấy trên thế giới.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cam kết xả 1 triệu thùng dầu mỗi ngày trong vòng 6 tháng kể từ tháng 5. Các quốc gia thành viên khác trong Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cam kết xả thêm 60 triệu thùng dầu nữa.
IEA nói rằng Nga có thể bị buộc phải cắt giảm sản lượng dầu 3 triệu thùng/ngày từ tháng 4 này khi họ gặp khó khăn trong việc tìm khách mua dầu. Tuy nhiên, trên thực tế, một số quốc gia như Trung Quốc và Ấn Độ đang tăng cường mua dầu giá rẻ của Nga.
“Việc giải phóng dự trữ dầu chiến lược sẽ giúp giảm bớt tình trạng thiếu cung trên thị trường trong mấy tháng tới đây”, Giovanni Staunovo, Chiến lược gia tại UBS, nhận định.
Dù vậy, thị trường hiện tại đang khá cân bằng và OPEC+, liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số quốc gia ngoài khối gồm Nga, đến nay vẫn nhất định từ chối tăng mạnh sản lượng khai thác dầu. Trong khi đó, các công ty dầu của Mỹ cũng do dự không muốn tăng mạnh sản lượng vì vẫn còn chưa hết “ám ảnh” bởi sự lao dốc lịch sử của giá dầu trong những ngày đầu khi Covid-19 trở thành đại dịch toàn cầu.
UBS đã hạ dự báo giá dầu trong ngắn hạn khoảng 10 USD/thùng, nhưng cho rằng giá dầu Brent sẽ hồi về ngưỡng 115 USD/thùng vào tháng 6. Nói cách khác, giá dầu vẫn sẽ cao, trừ phi nền kinh tế toàn cầu giảm tốc mạnh.
* Giá dầu tăng cao giúp PVN có quý thắng đậm
* Dầu Brent rớt mốc 100 USD/thùng lần đầu tiên kể từ giữa tháng 3
* Vì sao châu Âu lưỡng lự trong việc cấm dầu khí Nga?
* Dầu khởi sắc nhưng vẫn ghi nhận 2 tuần giảm liên tiếp
Vũ Hạo (Theo CNN)
FILI
|