Thứ Sáu, 08/04/2022 15:35

Liệu EU có đủ sức ‘đoạn tuyệt’ nguồn than nhập khẩu của Nga?

Khoảng 70% than nhiệt mà Liên minh châu Âu (EU) nhập khẩu để vận hành các nhà máy nhiệt điện là từ Nga. Đức và Ba Lan là hai nước dễ bị bị tổn thương nhất khi EU áp lệnh cấm nhập khẩu than đá đối với Nga.

Lượng than EU nhập khẩu từ Nga tăng mạnh trong hai thập kỉ qua. Ảnh: TASS

Ủy ban châu Âu (EC) vừa đưa ra lộ trình cấm nhập khẩu than từ Nga, coi đây là một phần trong vòng trừng phạt mới nhằm vào Moskva sau khi xuất hiện cáo buộc binh sĩ Nga “sát hại dân thường” tại thị trấn Bucha (Ukraine) – điều mà Nga liên tiếp bác bỏ. Để được thông qua, đề xuất này cần nhận được sự đồng thuận của 27 nước thành viên EU.

Nga là nhà cung cấp than lớn nhất cho châu Âu. Nên đòn trừng phạt này nếu được ban hành sẽ khiến các nước thành viên trong khối phải gánh chịu thêm thiệt hại, sau khi đã chịu tổn thương từ thiếu hụt năng lượng cũng như tình trạng giá dầu mỏ, khí đốt tăng cao.

Trên thực tế, một số nước EU đã tăng lượng than nhập khẩu từ Nga trong vài tháng gần đây trong nỗ lực tìm kiếm giải pháp hạ giá thành điện sản xuất sau khi giá khí đốt tăng lên mức kỉ lục. Than, loại nhiên liệu hóa thạch ô nhiễm nhất, là nguồn tạo ra điện năng có mức giá rẻ hơn. Trên thực tế, lượng than mà EU nhập khẩu từ Nga đã tăng mạnh trong hai thập kỉ chở lại đây.

Nga là nhà cung cấp than lớn thứ ba thế giới sau Indonesia và Australia, chiếm 45% nhập khẩu của EU. Riêng về than nhiệt, loại nhiên liệu chuyên dùng cho các nhà máy nhiệt điện, tỉ lệ này lên đến 70% - theo dữ liệu do Bruegel, một tổ chức nghiên cứu có trụ sở tại Brussels (Bỉ), công bố. Với than cốc, loại than dùng trong ngành luyện kim, Nga cũng đáp ứng 20-30% tổng nhu cầu nhập khẩu của EU.

Tính theo từng quốc gia, Đức, Ba Lan, Italy và Hà Lan là những nước phụ thuộc nhiều nhất vào Nga, với tỉ lệ chiếm đến 65% tổng khối lượng than nhập khẩu.

Cách nào để EU nhanh chóng giảm phụ thuộc vào than nhập khẩu của Nga?

Hiệp hội các nhà nhập khẩu than của Đức (VdKi) cho biết có thể thay thế than Antraxit (hard coal) của Nga bằng nguồn khác trong vài tháng tới, có thể là từ Mỹ, Colombia, Nam Phi hay Australia. Theo Chủ tịch VdKi, ông Alexander Bethe, thị trường than Antraxit thế giới vận hành ổn định, có nguồn cung dồi dào. Năm ngoái, Đức nhập khẩu khoảng 18 triệu tấn than Antraxit từ Nga và con số này chỉ chiếm khoảng 2% giao dịch toàn cầu.

Việc hạn chế nhập khẩu than từ Nga được cho là dễ dàng hơn và cũng rẻ hơn so với thay thế khí đốt của Nga. Bởi không giống khí đốt, than không cần phải hóa lỏng để vận chuyển, cũng không cần đến mạng lưới đường ống trải dài. “Trong một thập kỉ qua, chỉ có Nga hăng hái gia tăng thị phần than ở EU, loại các nhà cung ứng khác khỏi thị trường này. Về nguyên tắc, than từ nhiều nước từng giảm sản lượng xuất khẩu vào EU vẫn còn nhiều và giờ có thể là nguồn thay thế than Nga”, các chuyên gia của Bruegel nêu quan điểm.

Giới phân tích cũng cho rằng nguồn cung thiếu hụt có thể được lấp đầy bằng cách gia tăng sản lượng khai thác nội địa trong tình huống khẩn cấp. Điều cần làm lúc đó là các nhà hoạch định chính sách sẽ phải ra quyết định tạm thời nới lỏng các quy định về môi trường để mở đường cho hoạt động khai thác than.

Nhà máy nhiệt điện chạy than thuộc diện lớn nhất thế giới đặt tại Bełchatow, Ba Lan. Ảnh: energytransition.org

Tuy nhiên, không phải ai cũng đưa ra nhận định lạc quan như vậy. Các chuyên gia tại Rystad Energy – hãng chuyên tư vấn về năng lượng, cho rằng khách hạng tiêu thụ than sẽ phải chật vật tìm kiếm nguồn cung bổ sung từ các nhà sản xuất thay thế. Bởi cân bằng cung cầu trên thị trường than nhiệt thế giới vận chuyển bằng đường biển hiện rất căng thẳng.

Tác động kinh tế từ lệnh cấm nhập khẩu than ra sao?

Nhu cầu nhập khẩu từ EU gia tăng sẽ đẩy giá than toàn cầu tăng theo, đồng nghĩa với việc các công ty, hộ gia đình sẽ phải chi trả hóa đơn tiền điện nhiều lên. Xu thế này sẽ làm tăng lạm phát vốn đang ở mức cao kỉ lục trong nhiều năm qua tại EU. Thiếu hụt năng lượng có thể còn tệ hơn vào mùa đông tới, khi nhu cầu sưởi ấm tăng vọt.

Dù cố gắng kiểm soát, hạn chế sử dụng than đá để phát điện nhằm theo đuổi các mục tiêu về môi trường, nguồn nhiên liệu hóa thạch ô nhiễm này vẫn chiếm khoảng 15% tổng sản lượng điện của châu Âu. “Nhu cầu tăng cao trong khi nguồn cung suy yếu kết hợp với những thách thức trong mảng logistics sẽ làm tăng giá thành than nhập khẩu và có thể dẫn tới đứt gãy tạm thời ở nhiều khu vực sở tại. Tuy nhiên, xét tổng thể, dừng nhập khẩu than đá từ nga có thể sẽ không gây ra đứt gãy nguồn cung nghiêm trọng”, giới phân tích tại Bruegel nhận định.

Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu đồng thời cũng là nước EU phụ thuộc nhiều nhất vào năng lượng nhập khẩu từ Nga, đã phát đi tín hiệu sẵn sàng ủng hộ quyết định cấm than Nga. Bộ trưởng Kinh tế Đức Minister Robert Habeck tuyên bố nước này sẽ ngừng nhập khẩu than của Nga vào mùa thu năm nay.

Đức lâu nay thường miễn cưỡng đề cập đến lệnh cấm nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch từ của Nga. Berlin cảnh báo một bước đi đột ngột, không có lộ trình rõ ràng sẽ khiến kinh tế Đức và người dân Đức phải gánh chịu hậu quả nghiêm trọng.

Tuy nhiên, với những diễn biến gần đây liên quan đến cuộc chiến tại Ukraine, chính phủ của Thủ tướng Olaf Scholz dường như ngày một sẵn sàng hơn trong các bước đi trừng phạt ngành xuất khẩu nhiêu liệu hóa thạch của Nga, nguồn thu ngân sách lớn nhất đối với Moskva. Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock ngày 5/4 cho biết EU đang xây dựng kế hoạch “đoạn tuyệt” với nhiên liệu hóa thạch của Nga và điểm mở đầu là mặt hàng than.

Hoài Thanh

Báo Tin tức

Các tin tức khác

>   Dầu tiếp tục giảm nhẹ (08/04/2022)

>   EU đã chi 38 tỉ USD để nhập khẩu năng lượng từ Nga trong 6 tuần qua (07/04/2022)

>   Dầu Brent giảm hơn 5% về gần mốc 101 USD/thùng (07/04/2022)

>   Dầu quay đầu giảm khi lo ngại dịch Covid-19 làm giảm nhu cầu (06/04/2022)

>   Dầu tăng giá vì lo ngại EU bổ sung đòn trừng phạt Nga (05/04/2022)

>   Cái giá phải trả của Châu Âu khi muốn giảm phụ thuộc vào nguồn năng lượng từ Nga (05/04/2022)

>   Quyết định mở kho dự trữ dầu chiến lược Mỹ có ý nghĩa gì? (05/04/2022)

>   Dầu vọt hơn 3% trước khả năng phương Tây áp trừng phạt mới với Nga (05/04/2022)

>   Mỹ tăng cường nhập khẩu dầu mỏ của Nga (04/04/2022)

>   Ông lớn dầu khí Nga rút khỏi Đức (02/04/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật