Thứ Bảy, 19/03/2022 16:02

Xe ôm công nghệ ưu tiên hàng nhẹ, tránh chở khách do giá xăng cao

Nhiều tài xế xe ôm công nghệ đang khuyên nhau chủ động tránh những đơn hàng chở khách hoặc chở hàng nặng do giá xăng tăng cao.

Không chạy cuốc xe chở khách và đơn giao hàng nặng, đây là "chiến thuật" được anh A. Nguyên - tài xế xe ôm công nghệ tại TP.HCM - rút ra sau khi tính toán chi phí xăng xe và thu nhập nhận về.

"Anh em nghe tôi, thứ nhất là không chở hàng nặng, thứ hai là không chở khách, càng chở nặng xe càng tốn xăng. Tính ra gần 30.000 đồng mỗi lít xăng chạy không đã chỉ được khoảng 50 km, khoảng 600 đồng mỗi km rồi. Trừ chiết khấu và đường đón khách thì thu nhập không còn bao nhiêu", anh Nguyên chia sẻ kinh nghiệm với các đồng nghiệp trên một nhóm mạng xã hội (MXH) của các shipper.

Ưu tiên đơn giao hàng gọn nhẹ

Rất nhiều tài xế trong nhóm đồng tình với anh Nguyên. Ưu tiên của tài xế xe ôm công nghệ trong giai đoạn giá xăng tăng cao như hiện nay là những đơn giao hàng nhẹ, càng ít điểm giao nhận hàng càng tốt và ưu tiên tránh những cuốc xe chở khách. "Đi hai người xe tốn xăng hơn, đoạn đường đón khách cũng không được tính cước nên cuốc xe chở khách là ít lời nhất", anh Nguyên chia sẻ với Zing.

xe ôm công nghệ tăng giá ảnh 1

Nhiều tài xế xe ôm công nghệ chủ động tránh các cuốc xe chở khách hay hàng hóa nặng để tiết kiệm xăng. Ảnh: Phương Lâm.

Theo những tài xế này, đơn giao hàng thường có địa chỉ rõ ràng, người đặt đơn là các chủ cửa hàng có bảng hiệu, có kinh nghiệm dùng ứng dụng nên lấy hàng cũng dễ dàng hơn. "Nhiều cuốc xe khách đặt sai địa chỉ, đặt theo định vị khiến quãng đường đón khách trở thành lòng vòng, rất tốn xăng mà đôi khi gần tới nơi khách lại hủy cuốc", theo anh Q. Trường, tài xế xe ôm công nghệ tại TP.HCM.

Anh Trường cho rằng các ứng dụng thường khó định vị được vị trí của khách ở trong các ngõ hẻm, khiến quãng đường tới đón khách đôi khi còn dài hơn cuốc xe chở khách. "Ứng dụng chọn tài xế gần nhất theo đường chim bay, nhưng tìm được khách cũng phải lòng vòng 2-3 km rồi đen đủi lại gặp khách chạy cuốc xe 2 km, thu nhập ròng cuốc xe được khoảng 9.000 đồng sau khi trừ tiền xăng và tiền chiết khấu ứng dụng", tài xế này bức xúc.

Tương tự, nhiều tài xế đã tắt tính năng tự động nhận cuốc xe trên ứng dụng để tránh những cuốc xe chở khách, cuốc xe chở hàng cỡ lớn nhằm tiết kiệm xăng. "Giờ thu nhập tốt nhất là những cuốc xe giao hàng nhanh, chỉ nhận hàng từ một điểm và giao một điểm. Những cuốc này hàng toàn là giấy tờ, tài liệu nên chạy nhẹ nhàng, ít tốn xăng, hại xe mà thu nhập lại cao", một tài xế chia sẻ kinh nghiệm sau khi nhận thông báo từ ứng dụng vì thường xuyên hủy các cuốc xe chở hàng nặng và chở khách.

Thu nhập không còn hấp dẫn

Giá xăng tăng cao kỷ lục lên mức 28.985 đồng/lít với xăng E5 RON 92 đã ảnh hưởng trực tiếp tới thu nhập của lực lượng shipper, xe ôm công nghệ tại các thành phố lớn, khiến công việc này trở nên kém hấp dẫn hơn. Không ít người đã nghỉ chạy xe để tìm công việc khác, cân nhắc chuyển sang sử dụng xe máy điện để hành nghề hoặc đồng loạt "tắt app", tụ tập trước văn phòng các ứng dụng để yêu cầu giảm chiết khấu, tăng thu nhập.

Điển hình là vào sáng 11/3, một lượng lớn shipper đã tập trung tại văn phòng của một ứng dụng giao đồ ăn tại Đà Nẵng trên đường Nguyễn Văn Linh để yêu cầu doanh nghiệp tăng cước phí giao hàng và hỗ trợ thêm thu nhập. Theo chia sẻ của một số tài xế, giá xăng tăng liên tục trong thời gian gần đây đặt áp lực không nhỏ lên các shipper công nghệ. Giá cước không thay đổi trong khi chi phí ngày một tăng khiến thu nhập giảm trông thấy.

xe ôm công nghệ tăng giá ảnh 2

Giá xăng tăng cao đang khiến thu nhập từ nghề xe ôm công nghệ trở nên kém hấp dẫn. Ảnh: GJ.

Lượng tài xế giảm cũng khiến các ứng dụng phải thực hiện ghép đơn hàng để phục vụ nhu cầu của người dùng. Tài xế đối tác của một ứng dụng giao đồ ăn chia sẻ những tháng gần đây anh đã phải giao cùng lúc 2 đến 3 đơn do thiếu tài xế. "Ngày trước giao đồ ăn là chỉ nhận từ nhà hàng và giao luôn đến cho khách để 'nóng hổi' nhất. Nhưng gần đây có lẽ do ít tài xế quá nên đôi khi có những đơn mình phải chạy 3 nhà hàng rồi giao đến cho 3 khách khác nhau", tài xế này kể lại.

Hiện các ứng dụng đã đưa ra nhiều giải pháp khác nhau để thu hút tài xế xe ôm công nghệ, shipper đi làm trở lại. Hàng loạt các ứng dụng như Grab, Gojek hay Baemin đã phải điều chỉnh tăng cước phí khoảng 5% để tài xế có thêm thu nhập trong bối cảnh giá xăng tăng lên. Riêng Be vừa thông báo quyết định hỗ trợ giảm chiết khấu lên đến 10% cho các tài xế beCar tại TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai kể từ ngày 17/3.

Bên cạnh đó, ứng dụng ShopeeFood cũng thông báo đưa ra gói ưu đãi xăng dầu để hỗ trợ tài xế trong bối cảnh giá cả biến động. Gói ưu đãi của ShopeeFood gồm hoàn tiền 99% giá trị hóa đơn, tối đa 10.000 đồng /lần thanh toán cho tài xế tại các cửa hàng PVOil khi thanh toán qua ví điện tử. Mỗi tài xế có thể được sử dụng tối đa 5 lần/tuần/tài xế.

Ngô Minh

Zing.vn

Các tin tức khác

>   Người lao động nghỉ 3 ngày lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, 4 ngày dịp 30-4 và 1-5 (19/03/2022)

>   Tránh bớt “cơn bão cytokine giá xăng” cho người nghèo! (19/03/2022)

>   Vì sao MAUR đề xuất giá vé tàu metro ở TP.HCM 9.000-23.000 đồng/lượt? (19/03/2022)

>   Điều tra 50.000 kit xét nghiệm COVID-19 không rõ nguồn gốc (18/03/2022)

>   Quốc gia hạnh phúc nhất thế giới 5 năm liên tiếp (18/03/2022)

>   F0 ở TP.HCM chưa thể đi làm (18/03/2022)

>   Phía sau chuyện Han So Hee từ chối trả nợ thay mẹ (18/03/2022)

>   Gồng mình kìm “cơn bão” giá hàng hóa (18/03/2022)

>   Nhiều nhà cung cấp thông báo và đề xuất tăng giá hàng hóa tiêu dùng thiết yếu (17/03/2022)

>   Cuộc sống một mình ở TP.HCM đã đắt đỏ, nay càng tốn kém (17/03/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật