Tránh bớt “cơn bão cytokine giá xăng” cho người nghèo!
Thứ Sáu tuần rồi, như đã biết trước, giá xăng tăng lần thứ 7 liên tiếp từ cuối tháng 12 năm ngoái đến nay, và cũng là lần tăng cao nhất trong các đợt tăng này. Như vậy, với mức nhảy vọt gần 3.000 đồng một lít, xăng RON95 đã tiệm cận ngưỡng 30.000 đồng, một kỷ lục mới lại được “thiết lập” chỉ cách kỷ lục cũ có 10 ngày.
Thực ra, mấy năm gần đây, giá cả nhiều mặt hàng trên thế giới đã tăng dưới áp lực của dịch bệnh, bất ổn kinh tế và chính trị toàn cầu. Gần đây nhất là vào ngày 24-2, khi chiến sự giữa Nga và nước láng giềng Ukraine nổ ra, một loạt biện pháp cấm vận kinh tế của phương Tây nhắm vào Nga đã gây ra một cơn bão giá, đặc biệt là xăng dầu. Việt Nam không khỏi bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi tình hình này và giá xăng dầu tăng là một hệ quả tất yếu.
Tuy nhiên, xăng dầu là một trong những mặt hàng “nhạy cảm” nhất trong nền kinh tế bởi lẽ nó tác động lên gần như từng ngõ ngách của mọi ngành sản xuất, dịch vụ – trực tiếp hay gián tiếp. Tệ hơn, tác động của giá nhiên liệu tăng cao khiến tình cảnh của người nghèo càng khó khăn hơn.
Như chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh đã nêu ra, giá cả tăng ảnh hưởng đến mọi người dân; tuy nhiên, đối với người nghèo, đó thực sự là một gánh nặng vì thu nhập của họ quá thấp. “Gánh nặng lên người nghèo trong mỗi lần tăng giá xăng dầu bao giờ cũng lớn hơn người giàu”, ông Doanh nói. Có thể thấy rõ điều này khi so sánh thu nhập mỗi ngày của người nghèo hiện đã giảm đi với giá một lít xăng đang tăng phi mã.
Nói một cách ví von theo thời sự Covid-19 hiện nay, giữa muôn trùng khó khăn trong toàn nền kinh tế – việc làm ít đi, các nguồn thu nhập teo lại hay mất hoàn toàn – những đợt tăng giá xăng dầu kỷ lục vừa qua có thể trở thành “cơn bão cytokine kinh tế” ập đến tấn công người nghèo vốn đã khốn đốn vì dịch bệnh kéo dài. Liệu bao nhiêu người trong số họ có thể chịu nỗi sức tàn phá ghê gớm của tác động kép đó? Nếu như thế, chúng ta phải làm gì để hạn chế “cơn bão cytokine kinh tế” đối với người nghèo?
Theo ông Doanh, Chính phủ nên có chính sách hỗ trợ giá xăng dầu để phần nào đó giúp được người nghèo. Đây cũng là cách làm của một số nước trên thế giới. Chẳng hạn, Chính phủ Hàn Quốc cắt giảm 20% thuế nhiên liệu cho một số mặt hàng xăng dầu thiết yếu trong nửa năm từ tháng 11 năm ngoái đến tháng 4 năm nay. Bên cạnh chúng ta, Thái Lan đã giảm phân nửa thuế suất tiêu thuế thụ đặc biệt trong ba tháng, hiệu lực đến ngày 20-5-2022.
Cũng theo ông Doanh, có lẽ đây là cách Chính phủ Việt Nam sẽ thực hiện trong thời gian tới. “Tôi tin Chính phủ sẽ tìm cách cắt giảm thuế môi trường, thuế VAT (trị giá gia tăng) để kìm hãm giá xăng”.
Ở đây, xin lưu ý rằng nếu các nhà điều hành kinh tế Việt Nam thực sự muốn làm điều gì đó nhằm giảm nhẹ gánh nặng giá xăng lên vai người nghèo, thì hãy mạnh dạn thực hiện một cách dứt khoát và tức thì, chứ đừng lập lại cách làm nửa vời như đối với việc giảm thuế VAT trong thời gian vừa qua. Chính sách còn chậm ngày nào, người nghèo còn khổ thêm ngày đó.
Cuối tuần trước, báo chí đưa tin dự thảo nghị quyết về giảm 50% thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu đến hết năm 2022 sẽ được Chính phủ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Theo đề xuất của Bộ Tài chính, thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu sẽ giảm một nửa, giảm 2.000 đồng cho mỗi lít xăng và 1.000 đồng cho mỗi lít dầu diesel.
Trong bối cảnh hiện nay, giảm thuế bảo vệ môi trường âu cũng là điều hợp lý vì tự thân giá nhiêu liệu tăng cao vô hình trung cũng là một “biện pháp” bảo vệ môi trường, theo nghĩa giá cao có thể hạn chế phần nào nhu cầu đi lại.
Cũng nên nhớ rằng, điều duy nhất người nghèo có thể làm hiện nay để nuôi hy vọng giá xăng dầu sẽ đi xuống là cầu nguyện cho chiến tranh Nga-Ukraine sớm chấm dứt và kinh tế toàn cầu sớm trở lại quỹ đạo tăng trưởng. Nhưng ngay cả khi có một cuộc đình chiến, giá xăng dầu cũng khó có thể giảm sâu ngay. Vì thế, trong khi đại dịch Covid-19 vẫn đang hoành hành, người nghèo chỉ có thể trông chờ vào chính sách điều chỉnh giá của Chính phủ để phần nào giảm nhẹ tác động của “cơn bão cytokine giá xăng” đang tấn công họ.
Quỳnh Thư
TBKTSG
|