Phía sau chuyện Han So Hee từ chối trả nợ thay mẹ
Lòng hiếu thảo, tình yêu thương từng là chuẩn mực trong các gia đình Hàn Quốc. Tuy nhiên, nhiều người trẻ ngày nay đề cao chủ nghĩa cá nhân, không còn muốn hy sinh vô điều kiện.
Ngày 7/3, diễn viên Han So Hee tuyên bố sẽ không chịu trách nhiệm với những khoản nợ của gia đình.
"Điều này nhằm ngăn chặn bất kỳ hoạt động kinh doanh bất hợp pháp của một người mẹ dựa trên danh nghĩa con gái nổi tiếng", đại diện pháp lý của ngôi sao Hàn Quốc cho biết.
Trước đó, từ năm 2019, mẹ của Han đã dùng danh nghĩa con gái đi vay nhiều khoản tiền. Vì không thể trả nợ, người này đã bị các bên cho vay khởi kiện tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Han, diễn viên nổi tiếng qua phim truyền hình Thế giới hôn nhân (2020), từng thay mẹ trả nợ và xin lỗi các nạn nhân. Nhưng trong vụ bê bối mới nhất, cô kiên quyết đứng ngoài cuộc.
Han So Hee từ chối trả nợ thay cho mẹ. Ảnh: Dispatch.
|
Quyết định của Han được cho đi ngược lại với chuẩn mực của xã hội Hàn Quốc, nơi đặc biệt đề cao tình cảm, sự hy sinh trong gia đình. Tuy nhiên, thay vì bị quở trách, nữ diễn viên lại đang nhận được nhiều lời khen ngợi.
Theo Korea Expose, điều này cho thấy quan niệm về gia đình đã ít nhiều thay đổi ở xứ củ sâm. Đa số người trẻ ngày này quan tâm nhiều hơn đến cuộc sống cá nhân. Vì vậy, họ không muốn hy sinh vô điều kiện cho người nhà, gánh nợ thay bố mẹ như thế hệ trước.
Hiện tượng Bittu
Han So Hee không phải người nổi tiếng duy nhất bị kéo vào những bê bối tài chính của người thân. Ở Hàn Quốc, có một hiện tượng được gọi là "Bittu" dùng để chỉ những diễn viên, ca sĩ làm ngơ khi gia đình, đặc biệt là cha mẹ, vay nợ nhưng không có khả năng trả.
Bittu là một cách chơi chữ theo phong trào #MeToo. Những người vay tiền thường lấy danh tiếng của người thân để tín chấp. Và khi không trả nổi nợ, họ bị bên cho vay đe dọa công khai tên tuổi, làm xấu mặt con cái nổi tiếng.
Rapper Microdot phải tạm dừng sự nghiệp sau bê bối trong quá khứ của cha mẹ. Ảnh: Melon.
|
Năm 2018, rapper Microdot và anh trai, nhạc sĩ Jae Min, rơi vào hoàn cảnh bế tắc bởi cha mẹ bị cáo buộc lừa đảo hơn 20 năm trước.
Dù chuyển đến New Zealand từ năm 5 tuổi và hoàn toàn không biết gì về chuyện này, Microdot phải cúi đầu xin lỗi thay cha mẹ, đồng thời hứa sẽ đích thân nói chuyện với các nạn nhân.
Vì scandal này, nam rapper buộc phải từ bỏ tất cả các chương trình mà anh đang tham gia thời điểm đó. Sự nghiệp gặp khó khăn trong thời gian dài.
Cùng năm, nữ diễn viên Cho Yeo Jeong, người tham gia diễn xuất trong phim điện ảnh Parasite, cũng phải xin lỗi khi cha cô rơi vào cảnh nợ nần chồng chất. Sau khi bố mẹ ly hôn, Cho đã không gặp mặt cha cho đến khi bê bối xảy ra.
Khi gia đình không bằng người dưng
Câu chuyện của Han So Hee có nhiều nét tương đồng với rapper Microdot và diễn viên Cho Yeo Jeong. Tuy nhiên, cách công chúng Hàn Quốc nhìn nhận vụ việc lại rất khác nhau.
Năm 2020, số nợ của mẹ Han lần đầu tiên được phơi bày. Nhiều người lên tiếng chỉ trích nữ diễn viên vì bê bối tài chính của người thân.
Giống nhiều người nổi tiếng khác, Han chọn cách xin lỗi và đứng ra chịu trách nhiệm thay.
"Cha mẹ tôi ly hôn lúc tôi mới 5 tuổi. Tôi không thường xuyên liên lạc với mẹ, vì vậy chỉ biết về món nợ của bà sau khi tôi bước sang tuổi 20. Nhưng với tư cách là con gái, tôi nghĩ mình có trách nhiệm và phải đứng ra trả món nợ", nữ diễn viên nói vào năm 2020.
Tuy nhiên, sau khi mẹ tiếp tục dùng tên tuổi của Han đi vay mượn, cô bắt đầu hối hận vì quyết định ban đầu. "Lúc đó tôi còn trẻ và chưa trưởng thành. Hành động trả nợ thay đã dẫn đến những sai lầm về sau này".
Tại Hàn Quốc, số hộ gia đình một người đạt mức cao nhất mọi thời đại vào năm 2020. Ảnh: AFP.
|
Khi những rắc rối của gia đình Han được biết đến lần đầu tiên vào năm 2020, tạp chí Weekly DongA đã nhận định rằng: "Con cái không phải chịu trách nhiệm pháp lý khi cha mẹ nợ nần. Nhưng nếu từ chối giúp đỡ, con cái, đặc biệt là người nổi tiếng, rất có thể phải hứng chịu sự chỉ trích dữ dội từ công chúng".
Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng ý với quan điểm này. Một người bình luận dưới bài viết: "Không phải gia đình nào cũng giống nhau. Đôi khi người thân còn có thể tệ hơn những người xa lạ".
Một nghiên cứu của Viện Y tế và Xã hội Hàn Quốc vào năm 2015 cảnh báo: "Xung đột trong các gia đình đang dẫn đến sự tan vỡ. Mâu thuẫn gia tăng khi các thế hệ thiếu giao tiếp, kết nối cũng như chủ nghĩa cá nhân ngày càng mở rộng".
Tỷ lệ hộ gia đình một thành viên ngày càng tăng trong những năm gần đây, hiện chiếm 40% tổng số hộ gia đình ở Hàn.
Khoảng 77% số người được hỏi trong một cuộc khảo sát thường niên cho biết họ rất vui vì Covid-19 đã hạn chế các cuộc tụ họp, gặp gỡ gia đình trong những dịp lễ lớn.
Lê Vy
ZING
|