Thứ Tư, 16/03/2022 09:30

Chờ đi, Bộ Y tế còn đang “xin ý kiến”!

Chỉ trong ngày 15/03, hai nội dung được giới ngành du lịch trông chờ nhất đã nhanh chóng được thông qua và “xin ý kiến khẩn cấp”: Đó là Phó thủ tướng Phạm Bình Minh đã ký ban hành nghị quyết về miễn thị thực cho công dân của 13 nước như chính sách đã từng thực hiện trước khi có dịch Covid-19; Bộ Y tế đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 gửi ý kiến đóng góp trước 17h ngày 15/03 để tổng hợp ban hành sớm theo chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ.

Theo đó đối với người nhập cảnh theo đường hàng không: Phải có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 (trừ trẻ em dưới 2 tuổi) trước khi xuất cảnh (chứ không phải trước khi nhập cảnh vào Việt Nam như trước) trong vòng 72 giờ nếu sử dụng phương pháp RT-PCR/RT-LAMP hoặc trong vòng 24 giờ nếu sử dụng phương pháp xét nghiệm nhanh kháng nguyên với virus SARS-CoV-2. Không có quy định về việc khách phải cách ly sau khi nhập cảnh nữa.

Vấn đề đáng nói, 15/03 vốn đã được xem như là cột mốc mở cửa chính thức du lịch Việt. Nhưng phải sát đến hôm 14/03, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam gửi công văn yêu cầu Bộ Y tế sửa đổi quy định theo tinh thần “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19” như đề nghị của Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch ngày 12/03. Để đến sáng 15/03, động thái “xin ý kiến khẩn” mới rục rịch.

Nghĩa là vẫn chưa lập thành báo cáo và hoàn chỉnh quan điểm cuối cùng của ngành y tế. Dù dự thảo đã có sự thay đổi “không phải cách ly sau nhập cảnh” nữa.

Với tiến độ “nhẩn nha” này, thì các đơn vị, doanh nghiệp du lịch, lữ hành cùng hệ thống dịch vụ đi kèm, nguồn nhân lực vận hành sẽ phải chuẩn bị, đón đầu trong tâm thế lo lắng, bị động dễ dẫn tới những bất cập, khó khăn.

Trong khi, nhìn sang các quốc gia trong khu vực, có sức cạnh tranh với thị trường du lịch nước nhà hầu hết đều đã mở cửa du lịch từ những tháng cuối năm 2021. Điều kiện đi kèm khá thông thoáng như chủ trương của Thái Lan “Test and Go”, chỉ cần xét nghiệm là du khách được đi lại tự do.

Đặt cạnh cùng thời điểm, khi chúng ta he hé mở cửa “thí điểm” với các điều kiện khắt khe, kiểm soát y tế quá chặt cộng với việc chưa mở lại chính sách miễn thị thực, dẫn tới Việt Nam chỉ đón được khoảng 9,000 khách so với con số 500,000 khách của du lịch inbound (đưa khách quốc tế đến) Singapore với chương trình hành lang du lịch.

Một góc Hội An, Quảng Nam. Ảnh: Vietnam+.

Với những nỗ lực không mệt mỏi, Việt Nam đã tạo độ phủ vaccine toàn dân khá rộng cộng với sự kiểm soát ngày một hiệu quả hơn diễn tiến dịch bệnh; là cơ sở để khôi phục lại mọi hoạt động kinh tế -xã hội. Du lịch là một ngành đa… nghề, có liên quan, kết nối, tương tác với nhiều hoạt động lưu thông, lưu trú, dịch vụ tiêu dùng, mua sắm, ẩm thực… Qua 2 năm lao đao vì dịch, một mặt cơ sở hạ tầng có phần xuống cấp cần được bảo dưỡng, nâng cấp, mặt khác, lực lượng lao động đặc thù của ngành cũng “rơi rụng” rất nhiều, dẫn tới thiếu hụt nhân lực chất lượng cao.

Nếu lấy điểm mốc 15/03 mở cửa trở lại thì hầu hết các đơn vị, doanh nghiệp du lịch đều phải căng mình, bức tốc để chuẩn bị. Tuy nhiên, sự chậm trễ thông qua các điều kiện y tế - cũng là điều kiện tiên quyết đối với việc mở cửa - của Bộ Y tế đã đặt tất cả các đơn vị, doanh nghiệp lẫn du khách (trong đó có số đông kiều bào) vào thế bị động, không biết phải lên kế hoạch nhận khách, đón khách, nhập cảnh -xuất cảnh như thế nào…

Trong khi, sáng cùng ngày (tức 15/03) Bộ Y tế đã vội vàng ra văn bản đính chính (ban hành ngày 14/03) về quy định “F0 được ra khỏi nơi cách ly" thành “F0 chỉ được ra khỏi phòng cách ly và đi lại trong nhà nếu đeo khẩu trang, đảm bảo giãn cách với người trong nhà”. Nhưng cũng chính Bộ trước đó đã ra văn bản hướng dẫn F0 điều trị tại nhà) hay F0 (triệu chứng nhẹ) còn được khuyến cáo nên đi làm. Vậy tại sao vẫn giữ quy định “phải cách ly du khách sau khi nhập cảnh” mà bác đề xuất của Bộ Văn hóa -Thể thao và Du lịch?

Rõ ràng, với động thái chậm trễ, thiếu trách nhiệm phối hợp, đôn đốc của Bộ Y tế, ngành công nghiệp không khói nước nhà tiếp tục đứng trước nguy cơ … bốc khói.

Quốc Học

FILI

Các tin tức khác

>   Nhiều người Trung Quốc tìm cách cai nghiện điện thoại (15/03/2022)

>   NÓNG: Bộ Y tế ban hành hướng dẫn mới nhất về F0 điều trị tại nhà (14/03/2022)

>   Giá thuốc đừng bắt chước giá xăng (14/03/2022)

>   Thế hệ vỡ mộng ở Hàn Quốc (14/03/2022)

>   Bão dịch chưa qua, bão giá đã tới! (14/03/2022)

>   Mì ăn liền, sữa, dầu ăn đồng loạt tăng giá (14/03/2022)

>   Dấu hiệu hậu Covid-19 cảnh báo vấn đề về phổi (13/03/2022)

>   Đề xuất nâng số giờ làm thêm: Chưa thống nhất mức trần (11/03/2022)

>   Mọi thứ tăng giá nhưng lương vẫn vậy (11/03/2022)

>   Lại xảy ra tình trạng ‘hết xăng’ trước ngày điều chỉnh giá (10/03/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật