Giá thuốc đừng bắt chước giá xăng
Nhiên liệu là mặt hàng được người dân quan tâm nhiều nhất trong suốt mấy ngày qua khi giá một lít xăng phá kỷ lục vọt lên ngang bằng với giá một bữa ăn cho người bình dân. Đằng sau giá xăng, còn có một câu chuyện khác, tuy ít được dư luận và báo chí chú ý hơn, vẫn đang diễn ra mạnh mẽ như sóng ngầm dưới mặt đại dương. Nhiều lúc, câu chuyện đó cách các cây xăng không bao xa, tại các tiệm thuốc.
Một số người có thể đã nhận ra rằng bên cạnh các bệnh viện ở TPHCM bây giờ lúc nào cũng thấy đông người, gần đây lượng khách đến các hiệu thuốc cũng đông hơn. Người viết có dịp ghé vài cửa hàng dược phẩm ngày hôm qua và thấy cảnh tấp nập tại đó. Rất nhiều khách hàng tìm mua các loại thuốc giống nhau – gồm thuốc ho, thuốc cảm, thuốc súc mũi miệng và dung dịch sát khuẩn.
Điều này cũng không lạ vì các ca nhiễm Covid-19 với biến chủng mới “siêu lây lan” Omicron đang tăng lên. Ngày hôm qua, Bộ Y tế công bố Việt Nam có gần 167.000 ca mới. Hà Nội tiếp tục là nơi có nhiều người nhiễm nhất với hơn 29.000 ca trong khi TPHCM ghi nhận chính thức 2.257 ca mới. Như vậy, số ca nhiễm trong ngày ở TPHCM chỉ bằng 7,7% Hà Nội? Không chắc chút nào! Nhiều người nhiễm ở Sài Gòn vẫn chưa được thống kê chính thức vì họ không báo hay vì nhiều lý do khác. Tương tự, con số tổng cộng 570.000 ca nhiễm ở TPHCM cho đến nay cũng không phải là con số chắc chắn. Vậy “con số chắc chắn” là bao nhiêu?
Có người kể chuyện một vị bác sĩ nói nếu lấy phần trăm nhân sự tại bệnh viện ông làm việc đã mắc Covid là tỷ lệ chuẩn cho toàn thành phố, chắc phải đến… gần phân nửa, hay tệ lắm cũng một phần ba, người Sài Gòn đã từng mắc Covid-19. Dĩ nhiên, ông chỉ nói đùa. Cộng đồng dân cư không phải là môi trường có nguy cơ lây nhiễm cao như bệnh viện. Nhưng, tuy chưa thể thống kê chính xác, số người đã nhiễm ở thành phố này chắc phải lớn hơn đáng kể số ghi nhận chính thức. Cứ thử đếm lại những người đã nhiễm trong gia đình mình, những người thân quen và tại đơn vị nơi mình làm việc – đặc biệt gần đây số F0 học sinh sau khi đi học trực tiếp trở lại – sẽ thấy lập luận trên không phải là không có lý, nhất là trong bối cảnh F0 nhẹ được cho phép tự điều trị tại nhà. Trong cái rủi lại có cái may, biết đâu chúng ta sẽ đạt miễn dịch cộng đồng.
Người bệnh nhiều hơn, tất nhiên yêu cầu về số lượng thuốc điều trị cũng tăng theo. Rắc rối từ các nhà thuốc cũng có thể phát sinh. Nhu cầu tăng thì giá cũng tăng, đó là quy luật. Thuốc còn cần hơn xăng ở chỗ, không có xăng thì cùng lắm là đi xe đạp hay đi bộ, nhưng nếu bệnh mà không có thuốc thì… “đi luôn”. Cho nên, các công ty dược phẩm, các hiệu thuốc bán lẻ, hãy thông cảm với tình cảnh hiện nay của người tiêu dùng. Xin đừng theo dấu chân các công ty xăng dầu! Nếu có tăng, giá thuốc cũng đừng tăng vọt, mà hãy… tăng từ từ, khoan sức người dùng.
Thống kê chính thức cho thấy giá xăng dầu, giá lương thực, thực phẩm là nguyên nhân chính đẩy chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 2-2022 tăng 1% so với tháng 1, tăng 1,42% so với cùng kỳ năm trước, và tăng 1,2% so với tháng 12-2021. Thống kê cũng cho thấy trong tháng 2, giá thuốc và dịch vụ y tế chỉ tăng không đáng kể ở mức 0,03% so với tháng 1. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh hiện nay đã khác, nên tỷ lệ đó chắc hẳn cũng đã khác đi.
Việt Nam đặt mục tiêu kiềm chế lạm phát năm nay ở mức dưới 4%. Xét những gì đang diễn ra, cụ thể là các con số vừa trích dẫn bên trên, mục tiêu này không hề dễ dàng.
Theo chuyên gia kinh tế Bùi Trinh, khi lạm phát tăng cao, người dân sẽ phải bỏ thêm nhiều tiền để mua hàng hóa; đồng thời, lạm phát tăng cũng làm giảm giá trị gia tăng của sản xuất, giảm thu nhập của người dân. Cũng theo ông Trinh, lạm phát trong năm nay phụ thuộc rất lớn vào hiệu quả đầu tư công trong kích thích đầu tư. Nếu hiệu quả đầu tư công thấp, thất thoát lớn, lạm phát sẽ tăng, ông Trinh cho biết.
Tuy nhiên, dù hiệu quả đầu tư công giữ vai trò quan trọng, đó không phải là tất cả đối với nền kinh tế. Các doanh nghiệp cũng đóng vai trò không nhỏ trong việc giữ giá, kéo lạm phát xuống để đời sống người dân ít khó khăn hơn.
Một thông tin khác đáng chú ý là có đến ba phần tư doanh nghiệp trong danh sách 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam năm 2022 cùng kiến nghị Chính phủ ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát. Đó là việc chính quyền phải làm. Còn về phần mình, các doanh nghiệp sẽ làm gì để góp phần thực hiện mục tiêu chung này?
Chắc chắn doanh nghiệp có thể làm được nhiều việc có ý nghĩa và hiệu quả góp phần kiềm chế lạm phát. Chẳng hạn, doanh nghiệp không tăng giá bán quá mức cần thiết khi mức cầu vọt lên. Nếu làm như vậy, tuy được phần mình, vô hình trung lại trút gánh nặng lên người tiêu dùng. Không phải người dân nào cũng mua vàng, nhưng dược phẩm và dịch vụ y tế là những thứ mà họ không thể thiếu.
Để giá thuốc và nhiều mặt hàng thiết yếu khác không tăng phi mã như giá xăng dầu hay giá vàng, góp phần kiềm chế lạm phát, doanh nghiệp cũng đóng vai trò quan trọng không kém Chính phủ.
Sơn Tùng
TBKTSG
|